(CAO) Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐBTTTT về việc ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Bộ Quy tắc này gồm 3 chương, 9 điều, có hiệu lực từ ngày 17/6/2021.
Đây được xem là “Thể chế mềm”, điều chỉnh mọi hành vi, ứng xử trên mạng xã hội của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng đến mục đích cuối cùng là xây dựng mạng xã hội Việt Nam lành mạnh, tích cực; đồng thời là “áo giáp” đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội…
Infographics “Quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội” do TTXVN thiết kế.
Ngay sau khi ban hành đã được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân cả nước, nhất là người dùng mạng xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, đi ngược lại sự ủng hộ của phần đông đó, ở các diễn đàn, “truyền thông đen”, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lại ra sức xuyên tạc với nhiều bài viết cho rằng: ĐCSVN, Bộ Thông tin và Truyền thông đã “ban hành đạo luật vi phạm nhân quyền”, “ép buộc người dân phải tuân thủ những quy tắc vi phạm quyền tự do ngôn luận chính đáng của Nhân dân trên mạng xã hội theo chủ ý của Bộ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” là điều không thể chấp nhận được. Từ đó, chúng kích động người dân phản đối, yêu cầu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông hủy bỏ quy định trên, trao trả quyền tự do ngôn luận, báo chí cho nhân dân.
Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc bởi một tâm lý chung của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động là: Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành, có cơ chế xử phạt nghiêm khắc với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, đồng nghĩa những hành vi, phát ngôn xuyên tạc, bịa đặt của chúng sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Có thể nói, mạng xã hội ở Việt Nam trở thành một kênh thông tin được người dân rất quan tâm, ưu chuộng, dành nhiều thời gian để sử dụng. Nhờ mạng xã hội mà mọi người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, mọi người dễ kết nối, giao lưu với nhau, là kênh để học hỏi tri thức, khai thác thông tin, bày tỏa tình cảm và thư giãn. Tuy nhiên, môi trường số cũng có những hạn chế, những tác hại không nhỏ, đặc biệt là với trẻ em, thanh thiếu niên, những người kém hiểu biết, dễ bị địch dẫn dụ tin vào những thông tin thiếu kiểm chứng, xấu độc, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh phân tích sự cần thiết của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. (Ảnh NVCC)
Theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021) thì: Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 68.720.000 người, tăng 551.000 người (tăng 0,8%) trong giai đoạn 2020-2021, chiếm 70,3% dân số; số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng 1 năm), tương đương 73,7% tổng dân số, tăng 7.000.000 người (tăng 11%) trong giai đoạn 2020-2021… Với số lượng người dùng mạng xã hội lớn như ở Việt Nam thì việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử để điều chỉnh mọi hành vi trên mạng xã hội là việc làm rất cần thiết.
Trên thực tế, bất cứ một quốc gia nào cũng thiết lập hế thống pháp luật điều chỉnh mọi hành động trên Internet, mạng xã hội của các thành viên tham gia trên nền tảng mạng xã hội của quốc gia đó. Nó được xem như chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia trên không gian mạng. Đã có nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, như năm 2002 Trung Quốc đưa ra “Cam kết cộng đồng về nguyên tắc cơ bản trong ngành Công nghiệp internet”; ngày 31/5/2016 Liên minh Châu Âu đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử chống lại những thông tin gây thù hận, nói xấu bất hợp pháp trên mạng”…
Hình ảnh Youtuber Thơ Nguyễn trong video “xin vía” từ búp bê khiến dư luận bức xúc.
Tuy nhiên, ngoài những tác dụng to lớn, hữu ích của mạng xã hội mang lại, thời gian qua không ít kẻ xấu, các phần tử cơ hội, thực dụng, phản động, có cả người dùng mạng xã hội thiếu hiểu biết vô tình vi phạm các hành vi như tung tin giả, giật tít, câu like, đăng tải những thông tin, hình ảnh, video nhảm nhí, thiếu chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục của người Việt;… đồng thời các thế lực thù địch cũng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin sai sự thật, lừa bịp, xuyên tạc chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước; kích động người dân có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Với Luật An ninh mạng năm 2018, đã giúp tăng cường các biện pháp giám sát hệ thống thông tin và truyền thông, quản lý các thông tin đăng tải trên mạng. Đồng thời, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành, đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhằm giữ vững môi trường sạch, lành mạnh trên mạng xã hội.
Điều dễ dàng nhận thấy việc chấp hành nghiêm Bộ quy tắc ứng xử này sẽ điều chỉnh những hành vi trên mạng xã hội tuân thủ pháp luật, giữ gìn sự trong sáng, lành mạnh của thông tin, người dùng mạng xã hội biết cách tôn trọng, giữ gìn bí mật thông tin của Quốc gia dân tộc, biết cách tuân thủ, chấp hành quy tắc đạo đức, giữ gìn chuẩn mực đạo đức xã hội, chịu trách nhiệm về mọi hành vi của bản thân,… theo khuôn khổ pháp luật. Điều đó hoàn toàn có thể thấy, Bộ Quy tắc này là phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật, không hề có việc đàn áp nhân quyền, tự do, ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi hành vi “thượng tôn pháp luật”, xây dựng mạng xã hội Việt Nam lành mạnh, tích cực đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, ai vi phạm thì chiếu theo văn bản pháp luật mà điều chỉnh hành vi ứng xử và xử lý vi phạm pháp luật theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý II/2021.
Tóm lại, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành là rất cần thiết, đáp ứng được sự điều chỉnh nhằm mang lại tính lành mạnh, trong sáng, tích cực của mạng xã hội ở Việt Nam. Bộ Quy tắc này là “hạ tầng”, cụ thể hóa “thượng tầng” Luật An ninh mạng năm 2018, là phương thức để mỗi người dân nhận thấy quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trên mạng xã hội. Đồng thời, với việc yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, đây được cho là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả, “truyền thông đen”,… qua đó sẽ tác động đến nhận thức và hành động của người dân, cùng chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội Việt Nam ngày càng lành mạnh, thân thiện, văn minh, hiện đại; không còn tin giả, tin không chính thống, hướng đến giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc con người Việt Nam, giúp mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích cho người dân giao lưu xã hội, văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nơi thể hiện tình cảm cá nhân,…
Quán triệt và thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, mỗi người dân, người dùng Internet, người dùng mạng xã hội, nhất là cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu, kỹ, nắm chắc các quy định, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được đề cập trong Bộ Quy tắc trên gắn với thực hiện tốt Luật An ninh mạng năm 2018. Điều chỉnh mọi phát ngôn, hành động của bản thân theo đúng pháp luật đã quy định, thể hiện nét đẹp văn hóa trong sáng, lành mạnh, thượng tôn pháp luật, biết tôn vinh, ngợi ca, biểu dương cái đẹp, điều tốt, đồng thời biết phê phán, đấu tranh với mọi quan điểm, hành động sai trái, luận điệu xuyên tạc, phản động; like, chia sẻ, tương tác với các thông tin trên mạng xã hội có trách nhiệm và hữu ích; góp phần cùng các cơ quan chức năng giữ vững chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên không gian mạng.