Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng

Thứ Sáu, 02/07/2021 18:06

|

(CAO) "Chúng ta cố gắng từ nay đến cuối năm tiêm hết cho người dân hoặc có thể sang đầu năm 2022. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra mục tiêu đến năm 2023 đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đưa ra mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022. Đây là yêu cầu rất lớn trong khi các nước khác là trong năm 2022 và đầu 2023.”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh như vậy tại luận cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022 diễn ra ngày 2/7.

Nhu cầu tiêm chủng của người dân rất lớn

Tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho hay đây một trong những chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

Nguyên tắc cơ bản trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lần này là phải tổ chức trên quy mô toàn quốc và vaccine phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu qủa và công bằng, công khai. Việc này khó khăn, nhưng Việt Nam phải cố gắng làm được…

Ngoài Bộ Y tế, chiến dịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành: Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Hiện nay nhu cầu tiêm chủng của người dân rất lớn, nên trách nhiệm của chúng ta là phải triển khai thật tốt và hiệu quả chiến dịch này. Thủ tướng chỉ đạo không bỏ phí bất kỳ 1 liều vaccine nào. Phải tuyệt đối thực hiện nguyên tắc tiêm đến đâu an toàn đến đó.”

Vừa qua, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng thí điểm và tiêm chủng thường quy tại các địa phương đã làm rất tốt nguyên tắc này.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong lộ trình cung ứng vaccine, hiện nay Việt Nam đã ký các thỏa thuận hợp đồng trong năm 2021 là 105 triệu liều, tuy nhiên do tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu, nên lộ trình vaccine về Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, bị trễ chung như toàn cầu và nhiều khả năng sẽ về dồn dập trong quý IV/2021. Vì thế, việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng lại càng đòi hỏi phải thực hiện nhuần nhuyễn hơn, trôi chảy hơn, hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn…

Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thông báo chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ cắt giảm nhiều thủ tục hành chính để triển khai hiệu quả quy trình tiêm chủng.

Trước hết, đối với việc vận chuyển, cung ứng, bảo quản, tổ chức tiêm có sự phối hơp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các lực lượng khác để đảm bảo lượng vaccine khi về các kho của các Quân khu hay của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đều được quản lý chặt chẽ đúng theo yêu cầu về quản lý chất lượng đối với vaccine và có sự giám sát chặt chẽ.

Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện ở 19.000 điểm tiêm, trong đó nền tảng cơ bản nhất là trạm y tế xã, phường, các điểm tiêm di động, các cơ sở y tế. Do số lượng điểm tiêm nhiều nên các tiểu ban chuyên môn của Ban Chỉ đạo phải quản lý được điều kiện cơ sở vật chất, con người, địa điểm tiêm... theo nhiệm vụ được giao.

Trong chiến dịch lần này, công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để vào chiến dịch tiêm chủng, từ đăng ký tiêm chủng, khám sàng lọc, đến tổ chức triển khai tại các điểm tiêm chủng.

“Bằng giải pháp công nghệ thông tin, chúng ta theo dõi thực từng liều vaccine được chuyển đến các điểm tiêm; tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm, bao nhiêu liều vaccine còn lại…,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tiêm vắc xin cho người dân tại TPHCM

Minh bạch thông tin đến mọi người dân

Phân tích về đợt tiêm chủng lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Tiểu ban An toàn tiêm chủng phải tập huấn cho lực lượng cán bộ tiêm chủng toàn tuyến về an toàn tiêm chủng và xử lý an toàn sau tiêm chủng.

Đặc biệt, tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc phải tiến hành khám sàng lọc và phân loại sẵn tất đối tượng dự kiến tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên để phân loại trường hợp nào được tiêm tại trạm y tế xã phường, trường hợp nào cần phải tiêm ở cơ sở y tế có giường bệnh, trường hợp nào được tiêm tại điểm tiêm di động.

Tại điểm tiêm chủng chỉ cần đo nhiệt độ, huyết áp của người đi tiêm để tránh tập trung đông người tại điểm tiêm trong cùng một thời điểm. Các địa phương trong tháng 7/2021 phải xong việc khám sàng lọc trên quy mô này.

Tiểu ban An toàn tiêm chủng phải tiếp tục tổ chức tập huấn về xử trí các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Bố trí theo cụm để đảm bảo khoảng cách tiếp cận nhất định giữa điểm tiêm chủng với cơ sở cấp cứu. Bên cạnh đó, tiểu ban này phải tăng cường giám sát chặt chẽ các điểm tiêm, đảm bảo an toàn mới được khởi động điểm tiêm (có đo huyết áp, nhiệt độ, chuẩn bị sẵn bơm kim tiêm có Adrenalin…)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh việc phân bổ vaccine cho các địa phương được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ và những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch như ưu tiên cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, có yếu tố nguy cơ lây nhiễm, đang có dịch và địa phương tập trung cho phát triển kinh tế. Do đó, Ban Chỉ đạo cần rà soát lại, bổ sung những đối tượng phù hợp vào kế hoạch tiêm chủng này.

Các tiểu ban liên quan sẽ xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin COVID- 19 gồm các hợp phần: Quản lý đối tượng tiêm chủng, vận hành tiêm chủng, quản lý vắc xin, quản lý hồ sơ tiêm và cấp hộ chiếu vaccine.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cần làm nhanh ứng dụng này trước khi bấm nút khởi động chiến dịch tiêm chủng để người dân có thể tải ứng dụng về và sử dụng và xây dựng trang web về tiêm chủng vaccine COVID-19. Trong đó, công khai tất cả các thông tin liên quan đến toàn bộ hoạt động tiêm chủng, sử dụng vaccine với mục tiêu công khai, minh bạch thông tin đến mọi người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang