Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết nghị giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm 2023.
Như thế, thuế VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới dự toán thu, bội chi ngân sách 2023. Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 6, vào cuối năm nay.
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 24/6
Quá trình thảo luận trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế VAT, tức áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Số ý kiến khác muốn nâng mức giảm thuế lên 3-5% và kéo dài thời gian thực hiện chính sách này đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa lĩnh vực dịch vụ, hàng hóa và mức giảm thuế sẽ tác động đến thu ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Chính phủ chưa tính toán, đánh giá đầy đủ tác động, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2022.
Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.
Vẫn tại Nghị quyết này, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).
Số vốn được bổ sung 17.100 tỷ đồng tương ứng số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước 2021-2030 của ngân hàng này. Trong đó, khoản vốn bổ sung trên sẽ được lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt hơn 6.700 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ này đúng quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu, quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Tại các phiên thảo luận trước đó, có ý kiến đề nghị Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với số vốn thực nộp, thực tăng và không quyết định số vốn cụ thể, gây khó khăn trong thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và giới hạn số tối đa được cấp là 17.100 tỷ đồng.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm ngoái là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Việc tăng vốn cho Agribank sẽ giúp ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II. Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ này của ngân hàng chỉ đạt 7% thấp hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước khác, như Vietcombank là 9,98%, Vietinbank 8,54% và BIDV 8,4%.
Ngoài ra, có thêm vốn sẽ giúp ngân hàng này cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hoá. Việc tăng vốn cũng là cơ sở để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.