Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp: Đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Thứ Hai, 10/02/2025 11:07

|

(CAO) Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn.

Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp - Ảnh VGP

Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhân đầu Xuân mới 2025. Tại đây, không chỉ cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành còn lắng nghe, chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như bàn các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thường trực Chính phủ cũng mong muốn các doanh nghiệp góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính…

Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn

Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các doanh nghiệp lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã bước sang năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn khó khăn với đại dịch COVID-19 hoành hành, chiến tranh, xung đột trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng; riêng trong năm 2024, cơn bão số 3 (Yagi) gây hậu quả nghiêm trọng, sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… đã tác động đến tình hình đất nước.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng tình của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, có những lúc rất khốc liệt, đạt được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp - Ảnh VGP

Theo Thủ tướng, năm 2024, cả thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài, biến động chính trị, cạnh tranh chiến lược… tác động tới phát triển đất nước, hoạt động của doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2025, thế giới đã xuất hiện những khó khăn, những diễn biến mới phức tạp nên các doanh nghiệp cần luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi lúc nào cũng có khó khăn xuất hiện.

Thủ tướng khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, khắc phục hậu quả đại dịch, cùng đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay…

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".

Giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số?

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh VGP

Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI để chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm trước mắt và trong tương lai để tiếp tục phát triển.

Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tiếp tục rà soát, hằng tháng báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi; như vấn đề miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế, phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép… Điều này rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Thời gian qua, các luật, các quy định mới liên quan đất đai, môi trường được ban hành đều có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng đặt vấn đề cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số; như các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ tăng trưởng; phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.

Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục, đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực - Ảnh VGP

Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Nhận định tình hình có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng mong lãnh đạo các doanh nghiệp từ thực tiễn, kinh nghiệm, thành công, với đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, mạnh dạn đóng góp ý kiến với tinh thần chân thành, thẳng thắn, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì Tổ quốc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP

Báo cáo tổng hợp tình hình các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết:

Qua gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 05 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu NSNN ước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7%…Những thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ

Trong năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá. Điển hình như việc sửa đổi 04 Luật: Quy hoạch, Đầu tư, PPP và Đầu thầu và 9 luật trong lĩnh vực tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ tướng đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình làm trưởng ban, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực nhằm khơi thông các nguồn lực rất lớn tại các dự án đầu tư đang bị ách tắc, trước mắt là 12 dự án tại TPHCM và 5 dự án tại Đà Nẵng, thể hiện tinh thần luôn đồng hành, sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục giảm, gia hạn nộp một số loại thuế nhằm kích thích tiêu dùng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Toàn bộ 111 quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và ngành đã được xây dựng, phê duyệt. Đây là cơ sở rất quan trọng giúp doanh nghiệp xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, khu vực đầu tư tiềm năng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp.

Những chính sách này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, đáng khích lệ, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Để doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn: sự ra đời của các ngành công nghiệp mới; sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư; sự điều chỉnh trong cấu trúc thương mại, gia tăng hàng rào thuế quan; xung đột vũ trang; đặc biệt là rủi ro về một "cuộc chiến thương mại" toàn cầu đang hiện hữu. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm - Ảnh VGP

Với quan điểm phát triển đột phá, chủ động quyết định tương lai, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển, nước ta đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về Kỷ nguyên phát triển mới và mục tiêu chiến lược đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm.

Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mục tiêu, yêu cầu phát triển đặt ra trong thời gian tới cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin gợi mở 06 định hướng và giải pháp như sau:

Một là, phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Ngay trong năm 2025, phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "kiến tạo phát triển", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể".

Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo…, trước mắt, tập trung cho các dự án tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương lớn để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế ngay trong năm 2025.

Nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả.

Thứ ba, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP

Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới; các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia… Đồng thời, có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Khai thác hiệu quả không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ để tạo không gian và động lực phát triển mới. Hình thành, phát triển các ngành kinh tế gắn với các trung tâm mới như cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chu Lai, các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các khu thương mại tự do, ga đường sắt tốc độ cao…

Xây dựng và triển khai ngay các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực, quốc tế để hình thành các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do.

Đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân, chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.

Chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những lĩnh vực mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), các phòng thí nghiệm, chuyển đổi số, ứng dụng AI, robot, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nguyên liệu mới…Thành lập, phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo…

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Có cơ chế, chính sách đặc thù, huy động nguồn lực để xây dựng và phát huy hiệu quả các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Tăng cường liên kết và phát huy hiệu quả các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt. Bố trí nguồn lực và cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Chủ động gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo 50 nghìn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có chính sách đủ mạnh để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Thu hút FDI có chọn lọc, gắn kết với việc phát triển doanh nghiệp trong nước, dựa trên mối quan hệ "tương hỗ", hai bên cùng có lợi, cùng phát triển. Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho các cán bộ kỹ thuật từng làm việc trong doanh nghiệp FDI. Đây là lực lượng đã có sẵn kinh nghiệm, trình độ, mối quan hệ với các doanh nghiệp FDI nên có lợi thế rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo và tham gia sâu hơn vào cụm liên kết, chuỗi giá trị.

Thứ sáu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước.

Tập trung triển khai thực chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt", kích hoạt các xu hướng tiêu dùng bền vững, tiêu dùng những mặt hàng mang giá trị nội địa cao.

Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhất là các nước mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện, các thị trường mới, tiềm năng.

Phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu"

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ thường chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp: "Tiên phong trong đổi mới sáng tạo; tăng tốc, bứt phát trong tăng trưởng; phát triển toàn diện, bao trùm, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường; làm tốt công tác tham gia bảo đảm an sinh xã hội". Đây chính là kim chỉ nam hành động cho từng doanh nghiệp để nỗ lực vươn lên, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

Lãnh đạo các doanh nghiệp dự hội nghị- Ảnh: VGP

Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.

Các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường tham gia đối thoại, kịp thời theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hiệp hội, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên, nhất là trong các vụ kiện thương mại, phá giá; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh.

"Với tất cả sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cập nhật...

Bình luận (0)

Lên đầu trang