Tiếp bước Anh hùng

Thứ Hai, 19/08/2024 09:07

|

(CATP) Đi qua những chặng đường chông gai và thử thách, lực lượng Công an TPHCM được rèn luyện qua mỗi giai đoạn, từ trong khói lửa chiến tranh cho đến khi đất nước hòa bình lập lại. Những thế hệ cha anh tiếp bước nhau để làm tròn sứ mệnh, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Bầu nhiệt huyết chảy qua bao thế hệ, thắp lên ngọn lửa bất tận về lòng thủy chung son sắt với Đảng, với Nhân dân và Tổ quốc. Nay, giữa công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ bình yên cho Thành phố, lực lượng Công an TPHCM tiếp tục giương cao ngọn lửa, thắp sáng niềm tin và tinh thần phục vụ Nhân dân; soi đường cho những bước chân Anh hùng tiếp bước Anh hùng.

Từ sau ngày 30/4/1975 đến hết năm 1979 là 5 năm cực kỳ khó khăn, gian khổ của lực lượng trị an thành phố Sài Gòn - Gia Định. Thành phố vừa được giải phóng với hơn 3 triệu dân, nhưng có hàng trăm tổ chức phản động, hàng ngàn băng nhóm tội phạm, hàng vạn đối tượng tệ nạn và vô sô vấn đề nhức nhối cần giải quyết). Lực lượng An ninh T4 trong kháng chiến chống xâm lược đã lập rất nhiều chiến công xuất sắc, đã được đổi tên thành Ban An ninh nội chính; dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Quân quản thành phố đã nhanh chóng triển khai các hoạt động, vừa làm tốt công tác tiếp quản, ổn định đời sống kinh tế - xã hội, vừa xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Ngày 02/7/1976, Quốc hội quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Ban An ninh nội chính Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành Sở Công an TPHCM (đến năm 1981 được gọi là Công an TPHCM theo quyết định của Bộ Nội vụ - hợp nhất giữa Bộ Nội vụ và Bộ Công an ngày 01/8/1975. Đến ngày 07/5/1998, Bộ Nội vụ đổi lại thành Bộ Công an). Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an TPHCM (CATP) đã nối tiếp truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, chiến đấu anh dũng, kiên cường, sáng tạo để đập tan mọi âm mưu phá hoại, mọi tổ chức tội phạm, mọi thủ đoạn gây án... để giữ bình yên cho thành phố, giữ cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Những con số kinh hoàng buổi giao thời

11 giờ 30 trưa 30/4/1975, khi xe tăng Quân giải phóng húc đổ cánh cổng thép của Dinh Độc Lập, nội các chính phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, dân Sài Gòn - Gia Định đổ ra đón chào Quân giải phóng, đón chào hòa bình và thống nhất đất nước. Trong giờ phút lịch sử hào hùng, thiêng liêng đó, CBCS thuộc lực lượng An ninh T4 vẫn "lao vào lửa" với nhiệm vụ chiếm giữ, bảo toàn tuyệt đối hồ sơ, tài liệu ở 3 cơ quan trọng yếu của địch là Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Nha cảnh sát đô thành Sài Gòn và Ty cảnh sát Gia Định. Nhờ sự chủ động theo kế hoạch từ lúc khởi động chiến dịch giải phóng Sài Gòn (sau được gọi là chiến dịch Hồ Chí Minh), nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các cơ sở nội tuyến, An ninh T4 đã thu giữ được nguyên vẹn kho hồ sơ, tài liệu khổng lồ gồm 6 dãy kệ, dài đến 150m. Chính nhờ "kho báu vô giá” này, lực lượng An ninh T4 hay Ban An ninh nội chính, Sở CATP, CATP sau này đã có "chìa khóa" để "giải mã” nhiều tổ chức phản động, nhiều kế hoạch hậu chiến của địch.

Tiếp nối truyền thống xã hội từ thiện, các thế hệ CBCS Báo Công an TPHCM tiếp tục duy trì, phát huy hoạt động san sẻ, đùm bọc người dân khó khăn trên mọi miền đất nước

Khi Quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chính quyền sụp đổ, lực lượng quân đội, cảnh sát Việt Nam cộng hòa (VNCH) buông súng, rã ngũ là điều kiện tốt để hàng vạn tên tội phạm hình sự, trong đó có cả những tên cướp đặc biệt nguy hiểm đã phá nhà tù, thoát ra ngoài. Rất nhiều trong số đó đã nhặt súng, đạn, quân trang, quân dụng vứt đầy đường để trang bị. Đó là chưa kể đến hàng ngàn sĩ quan, binh lính, cảnh sát, công chức... của chế độ vừa sụp đổ nuôi mộng "phục quốc" cũng tập trung lại thành ổ, nhóm lập "chính phủ”, "căn cứ", "mật khu" hay các "đơn vị cảm tử"... để chống phá chính quyền cách mạng. Những băng đảng gốc lính này còn tổ chức rất nhiều vụ cướp bằng súng, lựu đạn, rất manh động, tàn bạo để lấy tiền, vàng ăn chơi, hoặc làm lộ phí vượt biên. Đội ngũ tội phạm mới gốc lính này làm tăng gấp đôi con số 30 vạn lưu manh, côn đồ mà cảnh sát Sài Gòn - Gia Định đã thống kê. Chúng gây án ở khắp địa bàn TPHCM.

Chiến đấu với "thù trong, giặc ngoài"!

Cũng trong giai đoạn hết sức khó khăn khi nền kinh tế cả nước bị tàn phá nặng nề sau hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước suốt 30 năm (1945 - 1975), chúng ta lại bị nước lớn bao vây cấm vận, bị ngoại bang tấn công xâm lược từ biên giới Tây Nam và biên cương phía Bắc... Cùng lúc đó là dư chấn từ các chiến dịch đổi tiền, đánh tư sản, hợp tác hóa, quốc doanh hóa các lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm đời sống người dân cả nước nói chung, TPHCM nói riêng càng thêm khó khăn do những bất hợp lý từ "ngăn sông cấm chợ", "giá - lương - tiền" và trình độ quản lý yếu kém. Đó là cơ hội tốt để thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, vu khống tình hình đất nước và kích động người dân vượt biên ồ ạt, tạo dư luận nhức nhối và gây bất ổn xã hội.

Cùng với cơ quan chức năng, các ban ngành, đoàn thể, CATP vừa quyết liệt truy quét tội phạm và tàn dư chế độ cũ, vừa giáo dục, cảm hóa những người lầm lỡ, nỗ lực chuyển hóa các địa bàn phức tạp; vừa đấu tranh chống các luận điệu phá hoại đại đoàn kết dân tộc, kích động hận thù, chia rẻ và đấu tranh với những tổ chức phản động khoác vỏ bọc tôn giáo, sắc tộc để "phục quốc", phá hoại... An ninh trật tự TPHCM từng bước được cải thiện, các tổ chức tội phạm lần lượt bị phát hiện, phá rả, xử lý theo pháp luật. An ninh chính trị (ANCT) và trật tự kỷ cương dần dần ổn định, đời sống người dân được cải thiện nên càng tin tưởng hơn vào chính quyền cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối là phương châm của lực lượng dẫn đoàn CATP

Từ năm 1986 đến 1996 là 10 năm đất nước ta có những thay đổi sâu sắc, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ cho những thập niên sau. Đó là Đại hội 6 của Đảng với chủ trương lớn như: nhìn thẳng vào sự thật để đổi mới. Xác định kinh tế nhiều thành phần (tiền đề của kinh tế thị trường định hướng XHCN); Giao trả quyền sử dụng đất về cho nông dân; Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Quan trọng nhất là Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Cùng đó là rút quân khỏi Campuchia, nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để chấm dứt chiến tranh ở biên giới phía Bắc đã kéo dài 10 năm (1979 - 1989). Việt Nam bắt đầu mở các khu chế xuất cho nước ngoài đầu tư, tạo công ăn việc làm cho dân, tiêu thụ nguyên liệu và có thêm ngoại tệ từ xuất khẩu...

Thời kỳ hội nhập, phát triển

Từ năm 1997 đến nay (tháng 8/2024), TPHCM cùng với cả nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, CATP tiếp tục chiến đấu để bảo vệ những thành quả trong sự nghiệp đổi mới. Đây là giai đoạn xuất hiện nhiều loại tội phạm "phi truyền thống", như: lừa đảo, cờ bạc, văn hóa phẩm độc hại trên không gian mạng; tội phạm ma túy, buôn lậu, rửa tiền quy mô lớn xuyên biên giới; tội phạm trong hoạt động chứng khoán, tiền ảo... Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, CATP đã trưởng thành qua đấu tranh trường kỳ, gian khổ, đủ trình độ, bản lĩnh để phát hiện, xử lý các loại tội phạm mới này. Đặc biệt là ngoài việc mỗi năm phải vất vả xử lý 4.000 - 5.000 vụ án; bắt, xử lý khoảng 20.000 đối tượng; giải quyết trên dưới 500 vụ cháy nổ và khoảng 2.800 vụ tai nạn giao thông, CATP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch nội bộ theo chủ trương xây dựng Đảng. Cán bộ thoái hóa biến chất, kể cả cán bộ cấp cao xuất hiện trong các "đại án" như: "Z501" (Năm Cam cùng đồng phạm), "Việt Á", "Chuyến bay giải cứu" và gần đây nhất là "Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan"... Tinh thần trách nhiệm của CATP còn nổi bật trong giai đoạn các năm 2020, 2021, 2022... khi đại dịch Covid-19 gây đau thương, tang tóc cho hàng vạn gia đình với gần 20.000 người tử vong. Rất nhiều đơn vị, rất nhiều CBCS CATP đã cùng các cơ quan chức năng xông vào nơi nguy hiểm nhất giữa đại dịch để giữ ANTT, chăm sóc cho nhân dân, hỗ trợ ngành y tế chống dịch... Hàng chục ngàn lượt CBCS CATP đã nhiễm Covid-19 và nhiều người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch, cứu dân...

Từ trước và sau đại dịch đến nay, CATP còn nỗ lực không ngừng, làm ngày làm đêm để hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip và đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (Đề án 06) cho gần 7 triệu người dân (kể cả diện tạm trú).

Trong phạm vi bài báo không thể nói hết những chiến công của lực lượng CATP sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước và 80 năm sát cánh cùng lực lượng CAND kháng chiến chống xâm lược; bảo vệ, xây dựng đất nước; bảo vệ thành quả sự nghiệp cách mạng; cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu cho hòa bình, độc lập, dân chủ, văn minh... Nhưng trong lòng mỗi người dân TPHCM, dù ở lứa tuổi nào cũng có sự tin tưởng và tình cảm ấm áp dành cho những CBCS Công an đã vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Hình ảnh đó càng đẹp với màu áo công an hiến máu cứu người; đền ơn đáp nghĩa và hết lòng vì đồng bào nghèo. Họ luôn xứng đáng là công an nhân dân, chiến sĩ của một thành phố năng động, phát triển, văn minh, dân chủ, nghĩa tình. Thành phố vinh dự mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh!

Bình luận (0)

Lên đầu trang