Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024):

Từ chiến trường đến giảng đường: Từ chiến sĩ Đặc công đến Tiến sĩ Triết học (kỳ 1)

Chủ Nhật, 08/12/2024 11:23

|

(CATP) Khi đất nước bị xâm lược, họ tham gia chiến đấu trên những trận tuyến nóng bỏng, bất chấp gian khổ, hy sinh. Khi Tổ quốc đã độc lập, thống nhất, họ trở về các giảng đường đại học, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc bằng tài năng sáng tạo, lao động miệt mài và đạo đức sáng ngời được trui rèn qua lửa đạn chiến tranh. Họ làm đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau ngày 30/4/1975 đến nay; là tấm gương xứng đáng cho thế hệ trẻ noi theo!

Đó là PGS.TS Trịnh Doãn Chính - nguyên Trưởng khoa Triết - Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (KHXHNV) TPHCM, người thầy mà các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh của ngành Triết học và một số ngành khoa học xã hội khác luôn kính phục, ngưỡng mộ.

Những công trình nghiên cứu về triết học đáng nể

Thầy Trịnh Doãn Chính là tác giả hoặc chủ biên hơn 30 đầu sách - những công trình nghiên cứu hàng ngàn trang mà chỉ cần đọc tên sách thôi đã hình dung ra khối lượng kiến thức đồ sộ, quý báu ẩn chứa trong đó, như: Lịch sử Triết học Ấn Độ cổ đại (NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp 1991), Tư tưởng giải thoát trong Triết học Ấn Độ (NXB Chính trị Quốc gia 1997 - 2008), Kinh văn của các trường phái Triết học Ấn Độ (NXB Chính trị Quốc gia 2005), Từ điển Triết học Ấn Độ giản yếu (NXB Khoa học Xã hội 2019), Từ điển Triết học Tôn Giáo Ấn Độ (NXB Khoa học Xã hội tháng 8/2024), Lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam - từ thời kỳ dựng nước đến đầu thế kỷ 20 (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật 2013) hay các sách: Lịch sử Triết học phương Đông, Lịch sử Triết học Trung Quốc, Lịch sử Triết học phương Tây, Lối sống và tư duy của cộng đồng người Việt vùng Đông Nam Bộ... Chỉ cần đọc hết những cuốn sách khổ lớn (19 x 27cm) dày từ 1.000 đến 1.800 trang này thì một người từng tốt nghiệp ngành Triết như tôi có lẽ phải cần đến vài năm. Còn muốn hiểu hết ngôn ngữ, giá trị học thuật ẩn chứa trong "kho tàng" tri thức mấy ngàn năm của nhân loại và dân tộc Việt đó, có khi cần thêm rất nhiều năm nữa. Nói như vậy để có thể thấy công sức, trí tuệ mà tác giả Doãn Chính (bút danh của PGS.TS Trịnh Doãn Chính) đã dành cho lĩnh vực nghiên cứu mà mình đam mê, theo đuổi suốt cả cuộc đời...

Tác giả Văn Long chụp ảnh cùng PGS.TS Doãn Chính

Một gia đình có 3 tiến sĩ triết học

PGS.TS Trịnh Doãn Chính sinh năm 1951 tại Ngọc Tiêu, Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định. Từ năm 1969 đến năm 1972, ông tham gia lực lượng Ðặc công B2 chiến đấu ở các chiến trường Tây Ninh, Sông Bé, Long An, Campuchia và tham gia trong đội hình Trung đoàn 113 đánh sân bay Biên Hòa 1975. Ông bị thương trong trận này, ông là bộ đội phục viên vào học khóa đầu 1976 - 1980 của khoa Triết Đại học Tổng hợp TPHCM. Sau đó được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 1986 - 1988, ông được trường cử đi học ở Liên Xô, rồi về làm nghiên cứu sinh tại Viện Triết học ở Hà Nội. Ông là Tiến sĩ năm 1996, Phó giáo sư năm 2002, sau khi Đại học Tổng hợp TPHCM được tách ra thành Đại học KHXHNV và Đại học Tự Nhiên, ông làm Trưởng khoa Triết của Đại học KHXHNV từ 2002 - 2016; Trưởng bộ môn Lịch sử tư tưởng Việt Nam từ 2012 - 2016, rồi nghỉ hưu sau 36 năm gắn bó với nghiên cứu, giảng dạy...

Một số tác phẩm xuất bản của PGS.TS Doãn Chính

Năm 1984, thầy Trịnh Doãn Chính là chủ nhiệm lớp Triết học thứ 3 của khoa Triết mà chúng tôi theo học (lớp thứ 2 là khóa 1981 - 1984, lớp thứ 7 là khóa 1988 - 1992 đã đào tạo ra nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng). Thời sinh viên, chúng tôi thường đạp xe đến nhà thầy ở Quận 3 để được thầy chỉ dạy việc học tập, nghiên cứu môn Lịch sử Triết học. 40 năm sau, trở lại thăm thầy vào dịp 20/11/2024, chúng tôi xúc động khi thầy vẫn ở căn nhà giản dị trong con hẻm nhỏ gần cuối đường Trần Văn Đang, Quận 3. Thầy vẫn nho nhã, khiêm tốn, đức độ như ngày nào. Nhìn thầy toát lên cốt cách thanh cao của bậc trí thức thực tài, cả đời nhẫn nại, bền bỉ cống hiến cho đất nước, cho khoa học mà không màng danh lợi! Thầy phải kiên trì học tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Anh và cả tiếng Phạn cổ (Sanskrit)... để phục vụ cho đam mê nghiên cứu, biên soạn những công trình khoa học đồ sộ đã xuất bản. Hai con của thầy cũng nối nghiệp bố, con gái Trịnh Thị Kim Chi bảo vệ thành công luận án Triết học Trung Hoa năm 2017. Hai năm sau, em trai của Kim Chi là Trịnh Thanh Tùng cũng trở thành Tiến sĩ với đề tài nghiên cứu về Triết học Ấn Độ. Một gia đình khá đặc biệt với 3 Tiến sĩ Triết học và cùng tham gia giảng dạy tại Đại học KHXHNV TPHCM...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang