Chương trình "Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình 2025" của Báo Công an TPHCM:

Xuân đến với đồng bào Kơ Ho vùng rừng Nam Cát Tiên

Thứ Sáu, 10/01/2025 14:58  | Đăng Hòa

|

(CATP) Tiếp nối chương trình mang mùa xuân đến với những người dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, ngày 09/01/2025 Ban Chuyên đề Công an TPHCM (Báo Công an TPHCM trước đây) tiếp tục mang 100 phần quà đến với bà con dân tộc Kơ Ho sinh sống ở vùng rừng Nam Cát Tiên thuộc xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đây là địa bàn giáp ranh với xã miền núi Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh rừng Nam Cát Tiên đồng thời cũng là nơi xa nhất của huyện miền núi Bảo Lâm.

Với địa bàn vùng đồi núi cách xa trung tâm phố thị, Lộc Nam là xã thuần nông, có diện tích đất sản xuất khá lớn (hơn 5.450ha), trong đó chủ yếu trồng cây cà phê (3.630ha) và khoảng 500ha chè cành cho năng suất cao. Những năm gần đây, Lộc Nam tích cực chuyển đổi cây trồng và hiện có khoảng 1.020ha cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mắc ca; trong đó, riêng cây sầu riêng có khoảng 700ha, với hơn 220ha đã cho thu hoạch. Mặc dù vậy, đời sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những gia đình người dân tộc Kơ Ho sống ở vùng dân cư thưa thớt. Biết được điều này, trong những ngày Tết cận kề, Đoàn công tác của Báo Công an TPHCM đã đến với người dân địa phương và trao tặng những phần quà ý nghĩa nhằm góp phần giúp bà con có được cái Tết ấm áp.

Ngồi nghỉ chân trên ghế đá giữa sân UBND xã Lộc Nam, chị K,Hơn (SN 1975, ngụ thôn 1, xã Lộc Nam) cho biết: Hai vợ chồng sinh được 3 con. Do kinh tế khó khăn nên cả ba lần lượt đi làm thuê cho các công ty, xí nghiệp ở Bình Dương, Bình Phước. Gia đình có 5 sào rẫy trồng cà phê và chè, nhưng gặp hạn không có nước tưới, lại không có tiền đầu tư phân bón nên thất thu. Năm nay cà phê được giá thì mất mùa, mỗi khi đau ốm, gia đình không có tiền mua thuốc uống chứ nói gì đến chuyện mua sắm Tết. Đưa tay bóp đầu gối còn tê cứng vì chứng thấp khớp, chị cười phấn khởi khi nhận được phần quà là bao lì xì 500.000 đồng do Báo Công an TPHCM tặng: "Mình rất vui khi nghe cán bộ xã gọi ra nhận quà Tết của Báo Công an TPHCM. Năm nay vườn cà phê thất thu, trong nhà hết sạch tiền, cứ ngỡ là không có Tết. Nhận được phong bao lì xì của quý báo, mai mình sẽ ra chợ sắm ít đồ để Tết đến con cái về còn có cái ăn...".

Đại diện chính quyền địa phương và Báo Công an TPHCM trao phong bì lì xì Tết cho người dân Lộc Nam

Cùng niềm vui khi được nhận món quà nhỏ của Báo Công an TPHCM, K,Thùy (SN 2007, ngụ thôn 1, xã Lộc Nam) cho biết: "Mình là người Kơ Ho, sinh sống ở vùng Đam Rông. Trong những ngày đi làm rẫy, hái cà phê và hạt tiêu mướn, K,Thùy gặp chàng trai người đồng bào Kơ Ho vùng Lộc Nam, rồi về sống với nhau. Ngặt nỗi nhà trai cũng chẳng có gì khá giả nên quanh năm vẫn "điệp khúc" đi làm mướn, làm thuê. Cũng như những người dân trong vùng, năm nay phần lớn vườn cà phê thất thu do thiếu nước tưới và không được đầu tư phân bón. Những ngày cận Tết, K,Thùy cũng muốn sắm cho mình tấm áo mới, rồi cùng chồng về thăm đằng ngoại. Thế nhưng... "Nhận được quà của quý báo, mình mừng lắm và sẽ sắm ít đồ Tết cho gia đình, còn dư thì mua thêm tấm áo" - K,Thùy chia sẻ.

Dắt theo đứa con nhỏ mới 3 tuổi đến nhận quà Tết của Báo Công an TPHCM, chị K,Huyền (SN 1993, ngụ thôn 10, xã Lộc Nam) cho biết: Nhà có 3 người con, nhưng chồng trước đã đi với người phụ nữ khác. Đứa nhỏ nhất của K,Huyền năm nay mới 3 tuổi, suốt ngày níu theo chân mẹ lên nương, vào rẫy. Thường ngày, mẹ con K,Huyền đi làm thuê, cuốc mướn. Lúc nông nhàn lại lên rừng bẻ măng, hái đót đem về bán cho những người làm chổi. Mỗi ký đót giá 6.000 đồng, nếu chăm chỉ, mỗi ngày lên rừng 2 chuyến, mỗi người hái được chừng 20kg đót, chắt chiu cũng đủ lo cái ăn cho cả gia đình. K,Huyền tâm sự: "Đất vườn cà phê của gia đình chỉ vỏn vẹn 1 sào, lại thất thu, nên chuyện sắm Tết đối với mình thật là điều chưa dám nghĩ tới. Nay bất ngờ nhận được món quà của quý báo, mình cảm thấy thật hạnh phúc".

Bà con tập trung tại hội trường trước khi lên nhận quà

Trông già dặn hơn cái tuổi U50, chị K,Thủy (ngụ thôn 9, xã Lộc Nam) địu theo cháu nội khi đến nhận quà. Nhìn đứa bé vừa tròn 2 tuổi với cặp mắt trong veo nằm cuộn tròn trong tấm khăn trên ngực bà nội, có ai hay chị K,Thủy đang nóng lòng muốn được nhận quà sớm để ẵm cháu về, rồi chạy nhanh lên bệnh viện lo cho con dâu. Chị cho biết: Con dâu bị bệnh phổi, nhập viện đã 8 ngày mà vẫn chưa được về, trong khi gia đình cũng không còn tiền lo viện phí. "Nhận được món quà bất ngờ của Báo Công an TPHCM, mình vui lắm! Mình sẽ lên bệnh viện xem bệnh tình của con dâu thế nào, chỉ mong nó sớm khỏe mạnh để được về nhà cùng đón Tết với gia đình" - chị tâm sự.

Chị K,Thủy (địu theo cháu nội) mong sớm được nhận quà để lên bệnh viện chăm sóc con dâu
Chị K,Huyền dắt con nhỏ đến nhận quà Tết của Báo Công an TPHCM

Thay lời những người dân có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà Tết của Báo Công an TPHCM, bà Lưu Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Nam - gửi lời tri ân đến quý báo cùng các Mạnh thường quân đã tích cực ủng hộ Chương trình "Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình 2025" do Báo Công an TPHCM phát động và tổ chức thực hiện. Bà Hà cho biết: Người dân xã Lộc Nam chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy. Những năm gần đây, khi Khu công nghiệp Lộc Sơn (TP.Bảo Lộc) đi vào hoạt động, nhiều người dân địa phương đã ra các công ty, xí nghiệp ở đó làm việc, vì vậy đời sống bà con có phần được nâng cao hơn. Toàn xã Lộc Nam gồm 3.600 hộ dân, trong đó bà con dân tộc thiểu số chiếm 35%. Năm vừa qua, Lộc Nam có 300 hộ thoát nghèo, tiến đến cận nghèo. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống vẫn còn khó khăn, đặc biệt là với những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, bên cạnh sự chung tay của các Mạnh thường quân, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình quốc gia, nhằm giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo một cách bền vững, tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Theo số liệu thống kê, những năm gần đây xã Lộc Nam đã bê-tông hóa và nhựa hóa được hơn 71km đường giao thông nông thôn, nối liền các thôn, xóm toàn xã; trong đó có khoảng 8km đường trục xã, gần 22km đường liên thôn, hơn 21km đường ngõ xóm và 20km đường nội đồng. Các trường học trên địa bàn được xây dựng khang trang, với 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm công tác dạy và học. Trạm y tế xã cũng đạt chuẩn quốc gia về y tế, cơ sở vật chất bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang