Truyền lửa nghệ thuật truyền thống:

Bài 2: Không bỏ nghề hát!

Thứ Ba, 13/04/2021 11:57

|

(CATP) Có những gương mặt trẻ nổi bật hiện nay ở lĩnh vực Cải lương, Hát Bội đang đứng trước lựa chọn khó khăn: Chạy show kiếm tiền hay hy sinh để có cơ hội được diễn, được làm nghề? Vì quyết định không bỏ nghề hát nên đôi khi họ phải nỗ lực rất lớn để có thể bám trụ sàn diễn, nuôi lớn giấc mơ nghệ thuật dân tộc.

Bảo Châu, Ngọc Giàu: Mê tiếng trống chầu Hát Bội

Trong lực lượng trẻ của Nhà hát nghệ thuật TPHCM, Bảo Châu là một trong những anh kép sáng giá. Ở cuộc thi Tài năng sân khấu tuồng, chèo toàn quốc năm 2017 anh đã đoạt HCV với trích đoạn Hoàng Phi Hổ quy châu.

Nhà Bảo Châu ở gần rạp Long Phụng, trụ sở cũ của Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM. Đó là cơ duyên để Châu nuôi lớn giấc mơ kép hát.

Năm 2001, nhà hát chiêu sinh khóa đào tạo diễn viên hệ 3 năm. Không bỏ lỡ, Châu đăng ký tham gia ngay. Ra trường, anh được ở lại nhà hát công tác. Thế nhưng, sau những hình ảnh lung linh dưới ánh đèn sân khấu, bước vào học Châu mới hiểu để có được những lớp diễn chinh phục người xem trên sân khấu thì nghệ sĩ Hát Bội phải lao động nghệ thuật vất vả mới có được. So với bộ môn Cải lương thì Hát Bội kết hợp ca - diễn vũ đạo có phần khó hơn. Những ngày đầu tập, Châu bầm mình bầm mẩy, thậm chí có khi bị giãn cơ vì những động tác quỳ, đi gối, tạ (nhảy ngồi xuống) từ trên cao, trên ghế xuống, đao thương đạo cụ trúng mình, đầu... Sau 19 năm miệt mài với những vai quân sĩ, vai nhỏ, những năm gần đây Châu mới được bước vào hàng kép chánh, được diễn chia vai chính với đàn anh, đàn chú đi trước.

Lớp trẻ của Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM hiện có cô đào chánh Ngọc Giàu được đảm nhiệm nhiều vai quan trọng trong các vở Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng thúc Lý Long Tường, Vương Thúy Kiều... Sau khi đoạt HCB trong cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo toàn quốc năm 2017, Ngọc Giàu vừa ẵm thêm HCV vai nguyên phi Ngọc Giao trong vở Vụ án Lệ Chi viên ở Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2019.

Ngọc Giàu vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống Hát Bội. Ông ngoại là nghệ sĩ Hà Công Chấn, mẹ cũng theo nghề một thời gian nhưng thuở nhỏ Ngọc Giàu chỉ mê Cải lương. Năm 14 tuổi, khi ngoại dắt vô nhà hát gởi theo học lớp đào tạo diễn viên hệ 3 năm, Giàu đã khóc lóc không chịu. Vậy đó mà khi bị ép học, va vào những bài tập khó Giàu cũng ráng hoàn thành. Một bài bản Cải lương nghe giai điệu 2, 3 lần có thể bắt chước theo, nhưng bài Nam Ai bên Hát Bội cô phải mất cả tháng để hát được cho trúng. Rồi học cách diễn những vai đào văn, đào võ, đào độc... Mải mê chinh phục từng cái khó riết rồi Giàu mê luôn Hát Bội. Nếu ngày xưa cô khóc vì bị ép học Hát Bội, giờ ai bắt cô bỏ nghề cô mới khóc!

Nhìn đời sống Hát Bội có vẻ đìu hiu vì không có những điểm diễn, suất diễn thường xuyên trên sân khấu lớn nhưng Ngọc Giàu cho biết cô và đồng nghiệp tập luyện suốt. Cô tâm sự: "Tôi may mắn có nhà gia đình ở thành phố nên sống nhờ được. Còn những anh em ở tỉnh phải thuê mướn nhà thì thật sự khó khăn. Nhiều anh chị muốn trụ được với nghề phải chạy grab, làm thợ điện lạnh, làm thêm bên ngoài...".

Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo: Nâng niu từng vai diễn!

Một năm làng sân khấu Cải lương ra mắt không quá nhiều vở. Và trong số những vở diễn ít ỏi đó, Võ Minh Lâm (ảnh) luôn là gương mặt nghệ sĩ trẻ được chọn. Anh hiện là nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, không chỉ xuất hiện trong các vở diễn của nhà hát anh còn là chàng kép được chọn ở các sân khấu xã hội hóa như Đại Việt, Chí Linh - Vân Hà, Kim Ngân...

Vóc dáng cao ráo trên 1,8m, gương mặt sáng đẹp, giọng ca được bảo chứng là chuông vàng đầu tiên của giải Chuông vàng vọng cổ năm 2006 (khi đó mang tên Ngôi sao vọng cổ truyền hình) khi mới 17 tuổi. Từ khởi đầu đó, Võ Minh Lâm nhanh chóng trở thành kép chánh. Trong các nghệ sĩ nam thuộc thế hệ của mình, có thể nói Võ Minh Lâm là người sở hữu bộ sưu tập giải thưởng nhiều nhất. Anh có đầy đủ HCV, HCB giải Trần Hữu Trang, Tài năng trẻ, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đến Mai vàng. Năm 2019, anh được vinh danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất.

Với giọng ca vang sáng, khỏe khoắn, tình cảm, Võ Minh Lâm là một trong số những nghệ sĩ trẻ đắt show hát lẻ hiện nay. Thế nhưng, anh luôn sắp xếp để có cơ hội tham gia những dự án sân khấu Cải lương diễn trọn vở. Vì đó là cơ hội để nghệ sĩ được rèn luyện nghề, được sống trọn vẹn với những chuyển biến phức tạp của tâm lý nhân vật trong suốt 3 giờ trên sân khấu.

Lê Thanh Thảo là hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ có đến 100 năm ăn cơm tổ nghiệp, đại gia tộc Hát Bội - Cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng. Nếu như các chị của cô như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân... đã nhanh chóng trở thành những cô đào chánh sáng giá của làng Cải lương thì cô út Thanh Thảo (con gái nghệ sĩ Trường Sơn - Thanh Loan) có những bước khá chậm. Thảo hiếm khi được giao vai đào chánh mà ngày càng nổi bật với những vai tính cách, đào nhì, đào ba. Có thể đóng đa dạng từ đào thương, đào lẳng tới đào độc... Không may mắn trở thành cái tên ngôi sao như các chị nhưng Thanh Thảo không nản chí.

Cô cần mẫn từ những vai nhỏ, chăm chút trân trọng từng vai diễn được giao. Rồi đến một ngày cô bắt đầu tỏa sáng với người làm nghề. Năm 2018 trong Liên hoan Cải lương toàn quốc cô giành HCV với nhân vật điên, dì Lan, trong vở Hiu hiu gió bấc. Và trong cuộc tranh tài giải Trần Hữu Trang năm nay, với nhân vật Huyền Nga, Thanh Thảo đã phô diễn được khả năng ca diễn Cải lương và vũ đạo xuất sắc khiến cả khán phòng rùng rùng cảm xúc trước tinh thần bất khuất, yêu nước của Huyền Nga. Khi vừa diễn xong nhân vật, cô đã té xỉu trên sân khấu vì đã vắt kiệt sức cho vai diễn. Nhiều khán giả xuýt xoa, Thanh Thảo không hổ danh là hậu duệ của dòng tộc nổi tiếng về Cải lương tuồng cổ của mảnh đất miền Nam.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Nghệ thuật truyền thống: Khó trăm bề!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang