Chân quê - một cõi đi về...

Thứ Bảy, 29/04/2023 07:45

|

(CATP) Trong Gallery Bình Minh có bức tranh to và đẹp mang tên "Tĩnh hòa gia" do họa sĩ Nghiêm Xuân Hưng vẽ về gia đình nhà sưu tập Trương Văn Thuận. 

Trong tranh có bức tượng đồng nhà sưu tập, họa phẩm của NSƯT Ánh Tuyết (vợ ông Thuận) và các đồ vật trong phòng, trong đó có các con giáp biểu tượng các thành viên trong gia đình. Họa sĩ ghi câu đối "Lối tình chông gai rồi sẽ thuận, nẻo đường giông gió ắt phải hưng", để nói về cuộc đời của Thuận và Hưng, dù gặp phong ba, bão tố rồi cũng Thuận, cũng Hưng. Họa sĩ vì yêu mến nhà sưu tập, đã đổ tư duy và tình cảm để thực hiện tác phẩm này...

Nghiêm Xuân Hưng, Tĩnh hòa gia, sơn dầu, 120x100cm, 2015

Tôi chơi tranh cũng ngót 30 năm, khá thân với nhiều họa sĩ đương đại nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, đã đến tham quan nhiều Gallery, dự nhiều cuộc triển lãm, bỏ công nghiên cứu về ngành hội họa, điêu khắc, nên cũng có một ít cảm nhận về phong cách cũng như độ sâu tác phẩm của nhiều họa sĩ. Khi đến Gallery Bình Minh của anh Trương Văn Thuận, trong hàng trăm bức tranh bày kín cả ba tầng lầu, tôi chợt nhìn thấy một lối vẽ khá quen nhưng lại... rất lạ, những hình ảnh, màu sắc tả chân rất thật nầy bỗng cuốn hút một cách kỳ lạ, nó như giai điệu của bản nhạc "Love Story" không vui, không buồn nhưng khoét sâu vào tâm khảm những hương vị của tình yêu, của nỗi nhớ thương bàng bạc, của sự quấn quýt và chia ly.

Thấy tôi cứ đứng tần ngần trước các bức vẽ của tác giả ấy, anh Thuận giới thiệu: "Đó là tranh của Nghiêm Xuân Hưng, một người khá nổi tiếng ở Hà Nội, tôi gặp gỡ ông trong một ngày mùa đông giá buốt năm 2013, tại khu đô thị Việt Hưng, ở quận Long Biên, một ông già râu tóc bạc phơ, có đôi mắt trầm buồn, hiền từ nhưng nội tâm thì lại dữ dội, ước vọng cứ luôn cuồn cuộn trào dâng. Ông ước vọng gì, hãy nhìn thấu đáo tác phẩm của ông sẽ rõ, tìm cái mới trong cái cũ, đó là sự đam mê chưa có dấu hiệu mệt mỏi hay ngừng nghỉ của một nghệ sĩ yêu mảnh đất sinh ra mình, cái hương vị bình dị của cuộc sống đã ngấm vào từng làn da, thớ thịt".

Họa sĩ Nghiêm Xuân Hưng (2018)

Nghiêm Xuân Hưng vẽ nhiều thể loại, đặc tả phố xá, những cảnh sinh hoạt cộng đồng mang sắc thái đồng bằng Bắc bộ, lưu vực sông Hồng, nhưng tôi lý thú trước những bức vẽ thiếu nữ ăn mặc theo lối nhà quê xưa, tự nhiên sinh hoạt với tập tục địa phương hoặc trong gia đình. Chiếc yếm, khăn mỏ quạ và quần nái đen được tác giả khai thác một cách tài tình, bên cạnh không gian đình chùa, hoa sen, ngọn đèn, sắp xếp các lễ vật thờ cúng... ông không tạo dáng mỹ miều, chân dung đều là các thiếu nữ ở miền quê, gương mặt thanh tao, đôi mắt ước vọng, làn da trắng ngần. Rất nhiều cô để bộ ngực trần, khoe vẻ đẹp thiên nhiên, sức sống của lứa tuổi dậy thì, sức mạnh xây dựng tương lai không thể thiếu của người phụ nữ.

Những hình ảnh này làm tôi nhớ thi nhân Nguyễn Bính, ông vua của những bài thơ viết về "nhà quê" rất hay và rất thật:

"Nào đâu cái yếm lụa sồi

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân

Nào đâu cái áo tứ thân

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em

Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa...

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê...".

Không ít họa sĩ khai thác "nuy" ở nhiều góc cạnh, gợi dục, như đi dưới mưa nước thẩm bộ quần áo mỏng tanh, nằm ở tư thế khoe những đường cong quyến rũ, ngồi mộng mơ với đôi gò bồng đảo bốc lửa... với Hưng, những tinh hoa do thiên nhiên ban tặng ấy chỉ là "vẻ đẹp muôn đời - nỗi buồn thiên thu", cái vẻ đẹp thì không thể chối cãi, ai cũng có thể bình phẩm theo cảm nhận của mình, nhưng cái nỗi buồn thì chỉ có những người từng trải mới thấu được.

Nghiêm Xuân Hưng, Nàng thơ, sơn dầu, 100x100cm, 2018

Tại sao lại dùng ngôn từ đó. Điều đặc biệt tôi nhìn thấy ở tác giả này, là những chi tiết phụ, phông nền (background) được thể hiện đa dạng, kỹ lưỡng không thua gì hình ảnh chính. Cô gái không đơn điệu với sắc vóc mà ngoại cảnh luôn đi với sinh hoạt, ánh mắt suy tư hay đang thực hiện một thao tác. Những background đa phần mô tả đồ vật, đình chùa miếu mạo, cảnh quan đặc thù của địa phương và chính những chi tiết công phu ấy càng tôn thêm vẻ đẹp của tác phẩm. Với lối vẽ siêu thực, tân cổ điển, Nghiêm Xuân Hưng thể hiện khá tài tình những nếp nhăn của chiếc áo, mềm mại của dây lưng đũi, bóc trần chi tiết tự nhiên, lột tả "làn da thớ thịt" của những chiếc lá sen, chiếc bình gốm... một phong cách lãng mạn và hiện thực đòi hỏi tay nghề cao và sự cần mẫn tối đa tập trung vào cây cọ.

Tôi thích các họa phẩm của Châu Âu thời Phục hưng, trong đó lối vẽ của Peter Paul Rubbens (như bức tranh "Sự phán quyết ở Paris" hoàn thành năm 1636) hay "Madonna với trẻ em" của Filippo Lippi vẽ năm 1465... tranh của Hưng có một phần trong lối vẽ dễ cảm nhận ấy. Trong "Cầm, kỳ, thi, họa", thông thường tác phẩm thế nào thì tâm trạng của tác giả thế ấy. Với biểu cảm một độ sâu thăm thẳm trong ánh mắt, nét tự nhiên đến trầm lắng của các cô gái trong hầu hết các họa phẩm của Nghiêm, người thưởng lãm có thể nhớ lại mấy vần thơ trong "Cô lái đò" của Nguyễn Bính:

"Nhưng rồi người khách tình xuân ấy

đi biệt không về... với bến sông

đã mấy lần xuân trôi chảy mãi

mấy lần cô gái mỏi mòn trông...".

Nghiêm Xuân Hưng cũng làm thơ, thơ ông buồn pha chút vị đắng thế nhân:

"Giao thừa không muốn đón

vị thừa không muốn say... tình thừa còn nguyên đấy

người thừa ta ngồi đây...";

Với những người sống nhiều với nội tâm, công việc gói gọn trong tâm thức hay tư duy, họ thường tìm đến những nơi thanh tịnh để suy xét và trào dâng nỗi niềm, Nghiêm Xuân Hưng cũng thế, từ năm 2009, ông ẩn cư trong một căn hộ nhìn ra công viên ở khu đô thị mới phát triển tận quận Long Biên, Hà Nội.

Phòng vẽ

Chính ông nói về mình:

"Ai ơi nhớ lấy câu nầy

làm người chớ có làm đầy đám đông

đám đông đông mấy thì đông

trong đám đông ấy không trông thấy người...".

Chu đáo, tinh tường và chân quê, đó là những tố chất đọng lại trong các tác phẩm của người họa sĩ tài hoa trên đất Hà Thành...

Năm 2018, trong cuộc triển lãm cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh do Gallery Bình Minh tổ chức, người "Chân quê" Nghiêm Xuân Hưng bộc bạch: "Lâu lắm rồi mình mới vào Nam, lòng thấy lâng lâng, nhiều xúc cảm. Non sông liền một dải, thống nhất, yên bình. Ôi, những con đường rợp bóng cây, những tòa nhà cứ vươn lên cao mãi, những cô gái, chàng trai thanh xuân, tràn sức sống, làm mình càng thấy yêu non sông, gấm vóc này...

Bình luận (0)

Lên đầu trang