Giá trị nghệ thuật đêm tôn vinh 100 năm sân khấu cải lương

Thứ Hai, 14/01/2019 10:26

|

(CAO) Đêm tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương diễn ra tại sân khấu ngoài trời trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối 13-1, với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ.

Chương trình do soạn giả Hoàng Song Việt, Hồng Phượng viết kịch bản, NSƯT Hoa Hạ cùng ban đạo diễn - Lê Mỹ Phượng, Lê Nguyên Đạt, Lê Trung Thảo và Lê Việt phụ trách dàn dựng điều hành, tân nhạc và phối khí do nhạc sĩ Thanh Liêm và Đức Trí phụ trách, nhạc sĩ Văn Môn đảm nhận phần cổ nhạc, NSƯT Hải Phượng đàn tranh, cùng với dàn nhạc hồ quảng nghệ sĩ Thanh Dũng, hai đoàn cải lương Huỳnh Long và Minh Tơ.

Chương trình có hơn 400 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn, trong đó có nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Diệu Hiền, NSƯT Trường Sơn, Thanh Kim Huệ, NSND Trọng Hiếu, Hồng Nga… 80 NSƯT trẻ, 25 diễn viên đoạt HCV giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ; 100 diễn viên múa, 100 diễn viên quần chúng.

Trong chương trình, ngoài trích đoạn của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sẽ có phần biểu diễn của 8 đơn vị cải lương xã hội hóa

BTC thống nhất sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương không thể tách rời khỏi sự thăng trầm của thời cuộc. Vì vậy, trong kịch bản đưa vào những giai đoạn có dấu ấn mà thời cuộc và sân khấu cải lương gắn liền với nhau.

Đó là khi đoàn Kim Thoa diễn vở Lấp sông Gianh (năm 1955), vở thể hiện khát khao của người dân mong đất nước độc lập, không chia cắt. Đoàn Kim Thoa đã bị tấn công bằng lựu đạn khiến nhiều văn nghệ sĩ thương vong, trong đó soạn giả Duy Lân bị mất một chân.

Tại chương trình, khán giả được thưởng thức phần tham gia biểu diễn 8 trích đoạn của các đơn vị xã hội hóa như công ty dịch vụ giải trí Kim Tử Long, Sen Việt, sân khấu Lê Hoàng, đoàn nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà, đoàn nghệ sĩ Vũ Luân, Thắp sáng niềm tin, đoàn Minh Tơ, đoàn Huỳnh Long và một trích đoạn của nhà hát Trần Hữu Trang.

Hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, ngoài việc tri ân, tôn vinh nghệ thuật cải lương một cách có đầu tư và tâm huyết, còn thể hiện một suy nghĩ, một cách tạo động lực ở mức độ nào đó với văn nghệ sĩ, công chúng. Từ đó cho thấy cần có những giải pháp mang tính chiến lược căn cơ, bền vững hơn để bảo tồn và phát triển cải lương trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang