Hàn Mặc Tử: Huyền thoại, giai thoại và đối thoại

Thứ Hai, 10/10/2022 10:59

|

(CATP) Trăng nằm sóng soải trên cành liễu. Đợi gió đông về để lả lơi... Trong thi ca Việt Nam, nói đến trăng là người ta nghĩ ngay Hàn Mạc Tử, một người đã đưa cái vầng sáng huyền diệu ấy thoát ra khỏi dãi ngân hà đến quấn quýt với tâm tư con người, lúc mơn trớn dịu dàng, lúc đau thương tuyệt vọng. Thật sự, tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm văn chương của nhân loại, ngoại trừ ông Lý Bạch ở Trung Quốc say trăng mà chết chìm trên dòng sông, kể cả Rimbaud và Verlaine, hai chàng thi sĩ choáng hơi men mà Xuân Diệu đã chia sẻ nỗi niềm, thì không ai gần gủi, thấm đậm ân tình với trăng như chàng trai sinh ra từ miền gió cát ấy.

Trong một lần đến Phan Thiết, tôi đã leo lên đồi Bà Nài, đến Lầu Ông Hoàng để cảm nhận những đêm Hàn Mạc Tử "nằm nghe trăng vỡ" ra sao. Đây là một cảnh quan đẹp, có đầy đủ những yếu tố thiên nhiên để tạo thành một bức tranh thiên thanh, du dương như tiếng nguyệt cầm, lắng đọng như hạt sương mai. Và cái không gian huyền diệu này vẫn còn giữ lại dư âm chuyện tình xót xa của thi sĩ với nữ sĩ Mộng Cầm.

Trong tiếng sóng biển dạt dào, hai con tim ngồi ôn lại những tháng ngày đầm ấm, những mơ ước thăng hoa và sẽ vượt qua những con sóng dữ giữa trùng khơi để đến bến bờ chan hòa nhật nguyệt. Thế nhưng, sau lần gặp gỡ mặn nồng đó, thi nhân phải chia tay nữ sĩ để vào Quy Nhơn chữa bệnh. Và cũng từ đó hai người mãi mãi xa nhau (những năm 1934 - 1935).

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm. Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực. Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức. Rồi bay lên cho tới một hành tinh... Quá đau đớn! Khi con người đứng trước cảnh biệt ly, người ta không thể làm cách nào khác hơn là xé nát hồn mình. Thi sĩ Thâm Tâm cũng đã từng chơi vơi, lặng lẽ: Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng. Lắng chiều không thắm không vàng vọt. Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

Trong hơn 30 năm làm công tác xã hội - từ thiện, tôi đã đi đến nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh của đất nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Ở dãi đất mà tôi ví như chiếc đòn gánh, gánh hai giỏ hoa (mường tượng truyện Gánh hàng hoa của Khái Hưng) xanh tươi của đất nước, tôi lại càng thấm thía thêm hai chữ nghịch cảnh, một từ mà bất cứ người trong cuộc nào cũng muốn nó biến khỏi tâm trí.

Trong điều kiện khắc nghiệt ấy, người dân miền Trung vẫn không ngừng tìm cách vươn lên và đã sản sinh nhiều nhân tài, khối óc ưu việt trên mọi lĩnh vực, lưu danh muôn thuở với đất nước. Những cánh hoa xương rồng đẹp xinh đón bình minh trên sa mạc - một bài học lớn lao, vô giá về ý chí, về rèn luyện tài năng. Tôi có nhiều người bạn miền Trung, họ luôn tư hào về những thành quả của đồng hương, mối gắn kết anh em, bạn bè của họ thuộc hàng mẫu mực.

Khi kể chuyện Hàn Mạc Tử, một anh bạn người Quy Nhơn nói với tôi: "Mắc bệnh phong khổ lắm, mỗi lúc trăng lên là toàn thân đau đớn vô cùng". Tôi hơi ngờ ngợ về câu nói này. Một lần khác, cũng nhân câu chuyện về mối tình của Hàn với Mộng Cầm, một anh người Phan Thiết lại xót xa: "Hàn Mạc Tử đau đớn nhất là về đêm, anh không thể ngủ được, trăng càng tỏ thì nỗi đau thân xác lẫn tinh thần vô bờ bến...".

Nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn - nguyên Phó tổng biên tập Báo Công an TPHCM

Trăng là một tinh tú huyền diệu của tạo hóa, ánh sáng của nó thanh dịu, mềm mại còn hơn những tấm lụa mà mỹ nhân Bao Tự ngồi mân mê trên gác tía, lầu son; thế thì nó có chất xúc tác hay bức xạ gì để gây ra sự đau đớn cho người bệnh phong? Hàn Mạc Tử đã trở thành huyền thoại, những "giai thoại" này có thật không? Với văn chương, tôi hiểu hư cấu là một thứ siêu hiện thực, những sáng tạo thần kỳ của trí tuệ (chứ không phải nói láo viễn vông như dân gian gán cho), nhưng trước tính mơ hồ về lời truyền miệng có vẻ chắc nịch này, tôi phải sử dụng nghề nghiệp của một nhà báo để phơi bày hiện thực.

Tôi bỏ công mở cuộc đối thoại với các nhà chuyên môn. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Đào Duy Khanh, nguyên Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy, người rất thân với tôi nói, gần 50 năm trong nghề ông chưa thấy một tài liệu nào nói về mối quan hệ giữa mặt trăng với bệnh phong cả, có thể là thêu dệt để thấy thêm sự hãi hùng của căn bệnh mà ai cũng muốn xa lánh. Bác sĩ Liêm ở TP.Thủ Đức cũng nói như thế.

GS.TS.BS Đỗ Quang Huân, người mà tôi rất nể trọng về chuyên môn, yêu mến về nhân cách, cũng phủ nhận việc ánh trăng có tác động đến người bệnh phong và tặng cho tôi một tài liệu y khoa nói về bệnh này... Không có một chi tiết nào đề cập đến trăng, chỉ lưu ý bệnh càng nặng, da nứt nẻ sẽ làm nạn nhân đau đớn, tâm trạng hỗn loạn.

Thế là đã rõ. Trăng vẫn là một tinh tú bác ái, chứa chan tình cảm với con người. Ta hết sức xót xa cho chàng thi sĩ tài hoa mệnh bạc, làm sao không khỏi đớn đau, làm sao không khỏi tuyệt vọng trước sự dày xéo của thương tật, trước sự cô đơn trong không gian u tịch...

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy.

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra...!

(Viết lúc 4 giờ sáng - Để hồn dâng lên đầu ngọn bút, Máu của người thấm đẫm tim ta - TTV).

Bình luận (0)

Lên đầu trang