Kỳ lạ chương trình 'Ký ức Hội An': Nhà đầu tư nói gì?

Thứ Ba, 17/04/2018 12:14  | Hoàng Quân

|

(CAO) Chương trình “Ký ức Hội An” sau khi công diễn đến nay vẫn gây phản ứng trong dư luận bởi có các yếu tố nước ngoài, diễn ra tại dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An trước khi được cấp phép xây dựng. Chủ đầu tư đã thông tin về sự việc.

Chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An diễn ra ngày 18-3-2018 tại dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” trên cồn nổi Gami (P.Cẩm Nam, TP.Hội An, Quảng Nam) nhận nhiều ý kiến đánh giá khích lệ, cổ vũ nhưng cũng có nhiều phản ứng về nội dung và nghệ thuật.

Ông Đào Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gami Hội An cho biết: “Với tinh thần cầu thị và thái độ nghiêm túc, Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của khán giả, cơ quan báo chí, những nhà nghiên cứu, phê bình”.

Theo ông Tùng, chương trình được Sở VH-TT Hà Nội cấp phép ngày 17-1-2018 (nơi có trụ sở của Công ty CP Quản lý biểu diễn Việt Quốc) và khi biểu diễn tại Quảng Nam đã được Sở VH-TT&DL Quảng Nam thẩm định, góp ý kiến.

Nội dung của chương trình là một phần của dự án Công viên Văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, là sân khấu thực cảnh với các công trình kiến trúc mô phỏng Hội An cổ xưa gồm kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây, Việt Nam… và nhiều sinh hoạt khác về văn hóa dân gian truyền thống của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, như các điệu hò khoan, hát bài chòi hay các tích chuyện về Bà chúa Tầm Tang, đám cưới công chúa Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản, Trại hò đánh hổ… Sau khi du khách trải nghiệm các khu vực tại công viên này thì sẽ đến với chương trình biểu diễn “Ký ức Hội An”.

Hy vọng sau khi trải nghiệm các hoạt động tại “Ấn tượng Hội An”, du khách sẽ có cái nhìn tổng thể và sâu sắc về văn hóa, lịch sử Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Hội An là nơi giao lưu buôn bán giữa người Nhật và người Hoa, góp phần thu hút thương nhân phương Tây đến đây. Hiện những nét văn hóa của người Nhật và người Hoa vẫn còn rất rõ nét tại Hội An.

Chương trình, tiết mục tại biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An

“Nhà sản xuất đã nghiên cứu hơn 2 năm cùng với ý kiến của đội ngũ cố vấn và có sự tham vấn ý kiến của người dân Hội An. Tuy nhiên, qua ý kiến của công luận, chương trình có nhiều nội dung chưa phản ánh một cách chân xác các sự kiện tại Hội An nên chúng tôi trân trọng lắng nghe và tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện chương trình trong thời gian tới”, ông Tùng trao đổi.

Cụ thể về việc điều chỉnh và cải tiến chương trình, ông Tùng cho biết “Ký ức Hội An” nói riêng và các hoạt động trong dự án luôn được cập nhật và đổi mới định kỳ 3 tháng/lần với những tình tiết, vũ đạo, thủ pháp nghệ thuật mới để đảm bảo sự phong phú.

Như Báo Công an TP.HCM đã thông tin, chương trình chưa thể hiện tính chân xác của đời sống văn hóa, con người Hội An, có biểu hiện của văn hóa nước ngoài, quy tụ nhiều diễn viên người Trung Quốc, hình ảnh “sợi đuôi tóc màu đỏ” gây nên sự liên tưởng.

Ông Tùng cho biết, nhằm tìm kiếm một loại hình nghệ thuật sân khấu mới phục vụ du khách đến Hội An, Công ty CP biểu diễn quản lý Việt Quốc đã nghiên cứu, tìm kiếm đối tác thực hiện biểu diễn thực cảnh ở các nước Thái Lan, Singapore, Mỹ, Trung Quốc. Và đạo diễn chương trình là ông Mai Soái Nguyên - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Thủy (Hồng Kông) được lựa chọn vì có nhiều kinh nghiệm...

Đội ngũ sáng tác kịch bản gồm những nhà nghiên cứu, chuyên gia, cố vấn, nghệ sỹ Việt Nam nổi tiếng.

“Chương trình được dàn dựng theo yêu cầu và chủ ý của chúng tôi, nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam. Tập đoàn Sơn Thủy chỉ thực hiện công việc theo đơn đặt hàng của chúng tôi. Chính lần công diễn thử nghiệm này đã cho chúng tôi nhiều ý kiến bổ ích về mặt nghệ thuật từ khán giả. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện dần chương trình này”, ông Tùng cam kết.

Những chuyện kỳ lạ trong dự án Công viên văn hóa Hội An
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang