Nghệ sỹ Lê Hoài Phương được sinh ra trong một gia đình có bốn anh em đều theo nghệ thuật, hai anh trai là họa sĩ hiện giảng dạy tại khoa Sư phạm hội họa - Đại học nghệ thuật Huế, chị gái là nghệ sĩ Cello giảng dạy tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và thành viên của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Năm 9 tuổi, Phương theo mẹ đến Học viện âm nhạc Huế chơi, nơi mẹ mình công tác. Nhìn thấy cây đàn bầu một dây sao mà phát ra được nhiều âm thanh hay quá, làm cho Phương mê mẩn.
Thế là mẹ cho theo học lớp sơ trung đàn bầu 9 năm với thầy Lâm Bảo Dần. Năm 2004, Phương tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của NSND Thanh Tâm. Ngoài ra anh còn theo học ca Huế với NSƯT Minh Tiến và Nghệ nhân Trần Kích.
Lê Hoài Phương trong một lần biểu diễn
Sau đó, là những ngày tháng Phương mang đàn bầu sang Hàn Quốc biểu diễn và học tập. Năm 2010, Phương tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc. Năm 2015, Phương tốt nghiệp tiến sỹ tại Đại học Hanyang, chuyên ngành nhạc cụ gõ Hàn Quốc. Hiện nay, nghệ sỹ Lê Hoài Phương đang giảng dạy đàn bầu tại khoa âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM.
Theo nguyên đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn đánh giá, Lê Hoài Phương là một nghệ sỹ có tài năng và tấm lòng, khi sang học tập và biểu diễn nhiều nơi tại Hàn Quốc, luôn mong muốn đem tiếng đàn bầu Việt Nam đến với công chúng Hàn Quốc cũng như thế giới. Tiếng đàn bầu của Phương được công chúng Hàn Quốc đón nhận rất nồng nhiệt. Chính Phương đã giới thiệu bạn bè quốc tế biết đến cây đàn bầu cũng như văn hóa Việt Nam.
Có thể nói đàn bầu là nhạc cụ “độc nhất vô nhị”, trên thế giới không thấy có nhạc cụ nào giống như vậy về cách diễn tấu bồi âm. Đàn một dây nhưng tạo ra nhiều âm thanh vô cùng sinh động, phản ánh tâm hồn người Việt một cách đằm thắm, mộc mạc.
Ấy vậy, sang Hàn Quốc, Phương đã kết hợp đàn bầu biểu diễn cùng nhiều nhạc cụ châu Á, kết hợp đàn bầu và các làn điệu múa, các buổi triển lãm tranh hiện đại của nghệ sĩ Hàn Quốc.
Lê Hoài Phương đánh đàn bầu cho phim Hàn
Phương tham gia biểu diễn với tư cách nghệ sĩ solo các tác phẩm Việt Nam được viết cho đàn bầu, các tác phẩm mới chuyển soạn cho dàn nhạc cùng với tám dàn nhạc dân tộc và giao hưởng của Hàn quốc như: dàn nhạc dân tộc nhà hát quốc gia Hàn Quốc, dàn nhạc dân tộc thành phố Seoul, dàn nhạc dân tộc đài KBS (đây là dàn nhạc danh tiếng nhất HQ), dàn nhạc dân tộc thành phố Busan, dàn nhạc dân tộc Chung Ang, dàn nhạc dân tộc tỉnh KyungKy, dàn nhạc dân tộc tỉnh Ansan, dàn nhạc giao hưởng SeongNam,...
Công chúng Hàn Quốc rất thích thú tiếng đàn bầu, đón nhận một cách nồng nhiệt, có lẽ đây là sự đồng cảm giữa đàn bầu với các nhạc cụ khác của Hàn Quốc. Phương kết hợp nhuần nhuyễn, tài tình tác phẩm“Đồng cảm” được viết dựa trên hai làn điệu dân ca “Qua cầu gió bay” dân ca Bắc bộ của Việt Nam với “Doraji” dân ca của Hàn Quốc. Dù có sự khác biệt trong luyến láy, rung nhấn của hai làn điệu dân ca này nhưng Phương đã biết hòa quyện tạo ra sự đồng điệu làm cho người nghe say đắm.
Đặc biệt, tiếng đàn bầu biểu diễn trong một dàn nhạc giao hưởng với những nhạc cụ phương Tây nhiều bè lớp và hơi thở diễn tấu cũng khác so với diễn tấu với dàn nhạc dân tộc.
Nghệ sĩ khác có chia sẻ, đây là điều rất khó khi kết hợp nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc giao hưởng. Nhưng Phương đã biễu diễn tác phẩm “Hồi tưởng” của NSND Xuân Khải được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng cùng với dàn nhạc SeongNam đã tạo ra một hiệu ứng âm thanh rất hoành tráng, đồng điệu mà người nghe không còn nghĩ đàn bầu ai khảy nấy nghe nữa.
Âm nhạc như một tiếng lòng để bày tỏ một điều gì đó mà con người không thể đối thoại với nhau bằng lời nói. Nhạc sỹ Hwang Ho Jun (Hàn Quốc) đã viết tác phẩm “Against the wind” như thay lời xin lỗi khi mà cha ông có những tháng năm tham chiến ở Việt Nam. Bằng tiếng Đàn Bầu, Phương cùng dàn nhạc Chung Ang chuyển tải lời xin lỗi đó đến với công chúng một cách thành thật và ăn năn.
Không dừng lại ở nhạc giao hưởng, Phương đã thu âm và biểu diễn cùng nhóm nhạc Rock hiện đại Yi Seung Yol (Hàn Quốc) tại nhiều Festival âm nhạc tại Hàn quốc, Anh, Mỹ và Festival âm nhạc Gió Mùa tại Việt Nam.
Thật lạ, khi tình cờ nghe tiếng đàn bầu do Phương trình diễn trên đài KBS với âm thanh không giống bất cứ nhạc cụ nào. Chính vì vậy, nhạc sỹ Yi Seung Yol muốn Phương dùng tiến đàn bầu để dẫn dắt những chuyện đời mà ông muốn dẫn dắt trong 10 ca khúc nhạc Rock của mình. Khi đánh đàn bầu cho những ca khúc nhạc rock, Phương cũng dùng bộ xử lý âm thanh để tạo ra âm thanh đa dạng, phù hợp với Rock hơn.
Ngoài ra, Phương cũng là thành viên của nhóm nhạc đa sắc tộc Asian Music Ensemble gồm 4 nước: Mông Cổ , Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhóm nhạc này cùng nhau biểu diễn nhiều Festival tại Hàn Quốc cũng như các chương trình riêng biệt khác tại bảo tàng Guimet Pháp, Nhà hát quốc gia Mông Cổ và chương trình kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Hàn do trung tâm văn hóa Hàn Quốc tổ chức.
Phương tham gia biễu diễn cho khai mạc liên hoan phim quốc tế Busan. Mới đây, ngày 16-10-2016, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chứcchương trình lưu diễn Giai điệu Việt Nam - Hàn Quốc nhằm giới thiệu văn hóa Hàn Quốc đến khán giả phố biển. Đặc biệt, ca sĩ Yeonhwa (Hàn Quốc) biểu diễn bài hát Onara trong phim Nàng Dea Jang Geum trên nền nhạc đàn bầu do nghệ sĩ Lê Hoài Phương trình tấu. Các nghệ sĩ Hàn Quốc cũng hát Xin chào Việt Nam trên nền nhạc đàn bầu.
Phương tâm sự: “Là một nghệ sĩ trẻ, nối bước các đàn anh cha chú trong nghề đàn bầu ước mơ duy nhất của tôi là được đưa tiếng này đi xa trên mọi miền tổ quốc Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới để khán giả hiểu thêm nhạc cụ dân tộc độc đáo này, hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, đồng thời khẳng định rằng cây đàn bầu là cây đàn của dân tộc Việt Nam. Tôi mong rằng nhiều bạn trẻ yêu mến, tìm đến học cây đàn bầu nhiều hơn nữa để nó ngày càng cháy mãnh liệt hơn trong đời sống hiện đại và song hành cùng với chiều dài lịch sử dân tộc”.
Những ngày thơ ấu lang thang bên bờ sông Hương lắng nghe những ca nương chơi đàn bầu cộng với lời ru ngọt ngào những điệu dân ca xứ Huế của mẹ mình đã thấm đẫm một tâm hồn âm nhạc dân tộc, cùng với niềm đam mê cháy bỏng đã tạo ra một nghệ sỹ Lê Hoài Phương đầy tài năng và cống hiến.
Một số giải thưởng mà Lê Hoài Phương đã vinh dự đạt được: Năm 2003 - Giải nhất cuộc thi độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc bộ môn Đàn Bầu. Năm 2008 - Giải thưởng Arirang cùng với nhóm nhạc Anaya trong cuộc thi âm nhạc Hàn Quốc thế kỉ 21. Năm 2012 - Giải vàng trong cuộc thi Bravo Asean in Korea. |