(CAO) Khẳng định “nhiều người hát hay, mượt mà, ngân nga ngon lành nhưng thất bại vì không có hồn, trường lớp không đưa được cái hồn vào trong cách hát”, nhạc sĩ nhấn mạnh chỉ khi hát có hồn thì cánh cửa thành công mới mở ra với các giọng ca.
Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1947 tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định.
Ông có nhiều ca khúc quen thuộc được đông đảo khán giả yêu mến như: Cây cầu dừa, Những đóm mắt hỏa châu, Thành phố sau lưng, Tội tình, Về quê ngoại... Những nhạc phẩm của ông có ca từ mượt mà và đọng lại những hình ảnh đẹp.
Nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình quê hương, nhạc sĩ Hàn Châu trước đó chủ yếu học nhạc từ anh rể và tự tìm hiểu mày mò qua sách vở.
Tham gia chương trình Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ chủ đề với vai trò khách mời, đồng thời cũng là 1 trong 12 nhạc sĩ chủ đề của chương trình, bên cạnh Hoàng Thi Thơ, Thanh Sơn, Trúc Phương, Minh Kỳ, Lam Phương, bên cạnh Giao Tiên, Hoài Linh, Châu Kỳ, Quốc Dũng, Tuấn Khanh, Khánh Băng..., Hàn Châu thẳng thắn chia sẻ về cách hát, về kỹ năng trình diễn cho ca sĩ trẻ.
Đặc biệt, nói về việc làm mới nhạc xưa với hòa âm mới, thiết kế sân khấu mới, ông khẳng định: Làm mới không phải tôi không chấp nhận nhưng đừng làm mất đi hồn của bài nhạc đó. Có những người hát cùng bài hát nhưng họ thành công, được ghi nhận, có những người hát xong, không ai nhớ, đi biền biệt. Trước khi hát, thí sinh cần thổi hồn vào để bài nhạc sống.
Khẳng định “nhiều người hát hay, mượt mà, ngân nga ngon lành nhưng thất bại vì không có hồn, trường lớp không đưa được cái hồn vào trong cách hát”, nhạc sĩ nhấn mạnh chỉ khi hát có hồn thì cánh cửa thành công mới mở ra với các giọng ca.
Ca sĩ Thái Châu chia sẻ sự đồng tình: “Các bạn trẻ được thoải mái thể hiện và không bị gò bó trong một phạm vi nào khi làm việc với các nhạc sĩ hoà âm. Tôi mong đợi các màn trình diễn mới mẻ, phá cách nhưng vẫn giữ được linh hồn của bài hát. Điều quan trọng mà các bạn phải chú tâm, hiểu tận tường ý nghĩa của ca khúc”.