(CATP) Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nữ tướng Nguyễn Thị Định (26-8-1992 - 26-8-2022), tỉnh Bến Tre tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt "Có phải người còn đó” để tưởng nhớ vị nữ tướng tài ba của dân tộc.
Chương trình nhằm tái hiện lại những sự kiện quan trọng và những thành tựu trong cuộc đời hoạt động cách mạng của vị nữ tướng đầu tiên của nước ta - tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Bến Tre nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, thể hiện tinh thần anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Chương trình được Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre tổ chức tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) vào lúc 20 giờ ngày 20-8-2022 với thời lượng khoảng 120 phút. Đây cũng là lần đầu tiên loại hình nghệ thuật thực cảnh, tích hợp nhiều loại hình (kịch, ca cảnh, cải lương, thoại...) được tổ chức tại Bến Tre.
Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt "Có phải người còn đó” sẽ tái hiện nhiều phân cảnh: Quê hương, tình yêu, khi chồng cô Ba Định bị giặc bắt; Mẹ con cô Ba Định thăm chồng tại phòng giam; Cô Ba Định gầy dựng phong trào cách mạng tại quê hương; cô Ba Định bị địch bắt; Ngày độc lập 02-9-1945; Cô Ba Định gặp Bác Hồ năm 1946; phong trào Đồng khởi 1960...
Tham gia vào chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh có các nhà hát, đoàn nghệ thuật như: Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh TPHCM, Trường Cao đẳng múa TPHCM, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre, bà con nhân dân xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bến Tre.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định (còn gọi là cô Ba Định), sinh ngày 15-3-1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Bà sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1936, bà tham gia kháng chiến chống Pháp, đến năm 1938 tham gia Đảng cộng sản Đông Dương. Trong kháng chiến, bà nhiều lần bị địch bắt, tù đày, tra khảo rất dã man. Từ năm 1947 - 1951, bà Nguyễn Thị Định là Tỉnh ủy viên, Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch Mặt trận Liên Việt H.Mỏ Cày.
Từ năm 1952 - 1960, bà Nguyễn Thị Định được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Hội trưởng Phụ nữ tỉnh, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Bà là người lãnh đạo, là linh hồn của Đồng khởi ở Bến Tre. Đầu năm 1960, bà là một trong những người lãnh đạo Đồng khởi Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng khởi đợt 1 ở ba điểm xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (thuộc H.Mỏ Cày Nam hiện nay) thắng lợi, mở đầu cho phong trào Đồng khởi trong tỉnh và toàn miền Nam sau này.
Năm 1965, bà giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam; sau đó bà làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà tiếp tục cống hiến trên nhiều cương vị lãnh đạo. Năm 1987, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 26-8-1992, bà từ trần tại TPHCM (hưởng thọ 72 tuổi).
Nữ tướng Nguyễn Thị Định
Với công lao và nhiều thành tích to lớn, bà được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lê-Nin, Huân chương của các nước: Lào, Bungari, Cuba trao tặng; Huy hiệu Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ... Đặc biệt, ngày 30-8-1995, bà được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Để tưởng nhớ, tri ân Nữ tướng Nguyễn Thị Định, tỉnh Bến Tre đã xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định và đưa vào hoạt động từ năm 2003. Nơi đây tập hợp, lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý về Nữ tướng Nguyễn Thị Định, là địa chỉ đỏ để các tầng lớp nhân dân ở khắp nơi về tham quan, tìm hiểu.
Trước khi chương trình nghệ thuật diễn ra, các đại biểu sẽ tiến hành nghi thức dâng hoa, dâng hương Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại đền thờ trong khu lưu niệm Nguyễn Thị Định; đồng thời tổ chức cho các đoàn tham quan khu vực trưng bày tại khu lưu niệm.