Nữ tướng không gươm

Thứ Hai, 30/08/2021 11:23

|

(CATP) Giám đốc Công an TPHCM gửi thư cảm ơn những đóng góp đặc biệt của cô Nguyễn Thị Dậu.

Ghi nhận những đóng góp suốt thời gian qua của cô Nguyễn Thị Dậu dành cho công tác chống dịch của TPHCM, ngày 19-8, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM đã viết thư cảm ơn dành cho người phụ nữ này.

Báo CATP xin trích lại một đoạn trong bức thư cảm ơn xúc động của người đứng đầu lực lượng CATP, như sau: "Trong lúc đang căng mình chống dịch, chúng tôi nhận được tình cảm đặc biệt của bà Nguyễn Thị Dậu, đã hỗ trợ thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống dịch. Sự hỗ trợ này đã đóng góp công sức cùng lực lượng CATP thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh nơi tuyến đầu, giúp chúng tôi vững tâm xung kích, góp phần đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh. Tất cả nghĩa cử hết sức cao đẹp của bà Nguyễn Thị Dậu là nguồn động lực, sự cổ vũ to lớn giúp toàn thể cán bộ, chiến sỹ CATP ngày càng nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch bênh Covid-19".

Thay mặt Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP, Thượng tá Lê Viết Tiệp, Trưởng phòng PX03 CATP đã đến tiệm bánh Như Lan trao Thư cảm ơn đến cô Nguyễn Thị Dậu

Có những con người, khi sinh ra trời đã đặt để một hướng đi, mà số phận của họ vinh hay nhục, sang hay hèn lại do chính họ định đoạt.

Có những con người, từ bẩm sinh đã lăn lóc ngoài sương gió, khi vào đời lại đứng trước một khu rừng tăm tối và không ai khác, chính họ phải tự mở lối, đi dần về phía có ánh dương.

Có những con người luôn luôn cho đi, dẫu đang sống trong cảnh nghèo khó. Sự yêu thương mà học cho đi là tài sản duy nhất mà họ giữ được với cuộc đời.

Đó là những điều mà tôi muốn nói về bà Nguyễn Thị Dậu, chủ cơ sở chế biến thực phẩm Như Lan.

Ở Sài Gòn, hay nói rộng hơn, ở khu vực phía Nam, cái tên Như Lan đã lấp lánh từ lâu lắm, nó được nhiều người biết đến không thua kém bất cứ một doanh nghiệp nào cùng ngành nghề, mặc dù cho đến nay, người ta vẫn quen gọi theo danh xưng mộc mạc, khiêm tốn có từ ngày xưa - tiệm bánh mì.

Thật sự, Như Lan không có món hàng nào cao sang, hàng trăm thứ bày biện hầu như đều mang màu sắc dân dã, phổ thông, tiện dụng cho việc tiêu dùng hàng ngày, túi tiền nào mua cũng được, cao một chút thì mua con gà quay, mấy lạng thịt nguội, bao khô bò, thấp một chút thì có khoai mì, bánh lá gai, kẹo đâu phộng... tháng tám thì làm thêm bánh trung thu, tết nhất lại có thêm giò chả, bánh chưng, kẹo mứt...

Có những mặt hàng từ chế biến thủ công, nay đã được thay bằng dây chuyền hiện đại nhập cảng từ Đức; một giò chả lụa cân đong, rửa, xắt, nhào nặn, nấu chính đều qua một quy trình khép kín; máy cũng gói bánh chưng, cái bánh mang truyền thuyết dân gian thấy đơn giản nhưng để qua các thao tác đun nấu, quạt nguội, bọc chân không lại mất 40 tiếng đồng hồ.

Những chiếc bánh Trung thu của Như Lan ra tận đảo xa

Công việc bộn bề, người làm chủ chân chính không lúc nào khỏe khoắn hơn người làm công. Cứ bốn, năm giờ bà Dậu thức giấc, kiểm tra các khâu đun nấu, chế biến, sáu giờ là bắt tay làm việc mãi cho đến hai, ba giờ sáng hôm sau.

Tuy thế, muốn hoạt động có hiệu quả thì phải biết sắp xếp, muốn có sức lực để theo đuổi một hành trình dài thì phải biết bồi bổ tinh thần lẫn thể chất. Bà đến các hồ bơi để vẫy vùng trong ánh nắng mai, rủ nhân viên chơi mấy séc cầu lông, ba năm trước còn đi qua Mỹ thi giải bóng bàn dành cho người trên 70 tuổi. Lúc rảnh rỗi bà nghe nhạc, lấy sách báo ra đọc, đặc biệt rất thích Truyện Kiều, lúc cao hứng còn ngân nga: "Kiều rằng: những đấng tài hoa, Thác là thể phách còn là tinh anh". Thói quen này thật lạ, bởi vì bà chữ nghĩa không nhiều, trong khi có rất nhiều kẻ khoe nhiều chữ nghĩa nhưng không bao giờ đọc sách!

Bà thích những bài viết về chân - thiện - mỹ, những hình ảnh về ý chí con người và không thích những ai luôn khoe khoang, đố kỵ. Bà nói với những người thân: "Không có cái gì giá trị bằng đôi tay mình làm!" và khẳng định: "Chỉ có lao động mới làm cho người ta lương thiện và đạo đức hơn!". Có thể ai đó sẽ ngộ nhận về những điều bà nói, nhưng trong mắt tôi, đó là những đúc kết qua quá trình chiến đấu với cuộc sống và nó rất thật, thật như những gì bà đã làm và đã có.

Chuyến xe nghĩa tình đưa người dân miền Trung về quê được cô Dậu tặng suất ăn

Bà đã 77 tuổi rồi, không chồng con, niềm vui mỗi ngày của bà là lao động, làm được những việc có ích cho đời. Nhớ lại những năm 14, 15 tuổi, con nhỏ Dậu phải đi gánh nước mướn, vào chợ lượm la-ghim mà người ta bỏ đi. Trong những đống bỏ đi đó, Dậu nhặt nhạnh những rau củ còn xài được, gọt tỉa sạch sẽ đem về bán lại cho những người nghèo để có thêm tiền sinh nhai.

Thời gian làm cho nhiều thứ sinh sôi, lớn lên, mấy năm sau, có chút vốn, mở xe bán bánh mì trên đường Cao Thắng (quận 3), năm 1968, Dậu quyết quật ngã số phận, bạo gan mướn căn nhà to đùng ngay góc đại lộ Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu (quận 1) để bán bánh mì và các món ăn như gánh hàng rong. Giữa cái trung tâm đô hội, phồn hoa, cuộc dấn thân này có thể coi là... bình dị, nhưng cuộc sống không phải lúc nào người ta cũng cần cao lương, mỹ vị, nên việc nắm bắt tâm lý và lòng kiên trì đã đưa Dậu đến thành công, thương hiệu Như Lan chói sáng bên dòng Bến Nghé. Người ta nói bà có rất nhiều nhà trên đường Hàm Nghi, Hai Bà Trưng, bà không che giấu, mà chỉ nói: "Có làm thì có ăn, quan trọng là tâm an không, lòng có nhẹ nhàng, thư thái không?".

Bao dặm đời truân chuyên, gai góc đã "tôi" cho bà thành một người chắc ăn, chắc nói, chắc đối, chắc làm. Hơn 200 nhân viên của cơ sở như được đào luyện trong quân đội - kỷ cương, nề nếp, ngăn nắp, trách nhiệm. Cái dáng người chắc đậm, rắn rỏi, toát lên uy lực của vị tướng từng trải, xông pha không chỉ khuất phục người dưới quyền mà còn làm "chột dạ” những ai đến với bà không am hiểu, không chân thật. Dường như không có ai thành đạt từ gian khó mà xuề xòa, dễ dãi cả, ít ra thì họ đã tự khó khăn với chính mình. Thái độ sống là điều hết sức quan trọng để rèn luyện con người, để nâng cao nghị lực khi đứng trước những thử thách của cuộc đời. Lưỡi gươm không làm nên vị tướng, nhưng vị tướng có thể khuất phục một rừng gươm!

Bữa cơm đạm bạc của bà chủ tiệm bánh lừng danh sau một ngày lao động miệt mài

Không chưng diện, không xa hoa, đi lại thường leo lên xe ôm, nhìn bà không khác gì một tảng đá bạc màu theo thời gian. Thế nhưng, với những người gần gũi, hiểu biết, thì trong cái khối đá cứng cỏi ấy chứa đựng những hạt ngọc, những hạt ngọc trong suốt, quý giá mà không có tiền của nào có thể mua được.

Hãy nghe một đoạn đối đáp giữa bà và bác sĩ Kim: - Má Tư ơi, nấu giúp tụi con mỗi ngày 1.600 suất cơm, cho cả bác sĩ, nhân viên và bệnh nhân ăn luôn nhé! - Ừ, tao nấu liền, bệnh viện đặt hàng, tao có tiền làm việc khác, dại gì không nấu... - Má Tư ơi, nợ tiền cơm cả tuần rồi, bệnh nhân nghèo quá, bác sĩ cực quá, má tính sao? - Không có tiền hả... tao cho luôn. Mỗi ngày cứ tiếp tục lấy cơm, dịch còn thì tao còn nấu, dịch hết thì tao dẹp nồi...". Thế đấy! Không ăn xài, không phung phí, tiền nhiều để làm gì?

Bà xây bệnh viện, bố thí, đóng góp vào các chương trình quốc kế, dân sinh của đất nước. Chuyện hỗ trợ an sinh thì nhiều lắm, bà không nhớ và cũng... không cần nhớ. Nơi nào xin tiền bà cho tiền, xin gạo bà cho gạo, xây dựng cầu bà cho vài trăm triệu. Đợt lũ lụt miền Trung năm ngoái, ngoài tiền mặt bà còn góp thêm 30 tấn gạo, nhiều nhu yếu phẩm.

Từ tháng 5-2021, khi dịch Covid-19 lan mạnh trong thành phố, bà nấu hàng ngàn suất cơm phân phát cho các chốt gác, lực lượng xông pha ở tuyến đầu, cả người nghèo, khu bị phong tỏa. Một tháng sau, thấy người nhiễm bệnh ngày càng nhiều, bà nguyện nếu mua được 50.000 liều vắc-xin chích cho người nghèo thì bà... xuống tóc. Sau đó, khi thấy thành phố thông báo vắc-xin đã về và một vị lãnh đạo "mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm ngừa", bà rất vui và chuyển số tiền dự định mua thuốc sang làm suất ăn, mua gạo, đồ bảo hộ, khẩu trang. Việc trợ cấp quá bức thiết, chỉ trong một thời gian ngắn, 500 tấn gạo đã được phân phát, thấy nhu cầu vẫn còn nhiều, bà nói với một cán bộ làm thiện nguyện: "Nếu thiếu tiền, tao bán bớt nhà để mua gạo cho!".

Bà yêu nước, muốn thành phố phải nhanh chóng đi lên cho xứng tầm "năng động, trẻ trung" của nó, muốn người nghèo vơi đi, muốn những tai họa đừng xảy ra với xứ sở. Cuộc sống thanh bần không làm vơi đi chút nào cái chất ngọc đang tỏa sáng trong tâm hồn của người phụ nữ đáng khâm phục.

Hình ảnh của bà Nguyễn Thị Dậu gợi tôi nhớ đến câu nói của A.Pushkin: "Chỉ có ý thức độc lập và lòng tự trọng mới có thể nâng chúng ta lên trên những nhỏ nhen của cuộc sống và những bão táp của số phận".

TPHCM, ngày 29-8-2021

Bình luận (0)

Lên đầu trang