chung tay chống dịch Covid-19:

1 tỷ đồng và 20.000 liều vaccin tiếp sức từ cơ sở Như Lan

Thứ Năm, 03/06/2021 10:57

|

(CATP) Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều biến chủng có tốc độ lây lan cực nhanh. Lực lượng công an, bộ đội, y tế cùng các đơn vị phối hợp xung kích trên tuyến đầu chống dịch.

Trải qua 3 đợt dịch, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã khống chế thành công. Đó là nhờ vào quyết tâm của chính quyền và sự đoàn kết của toàn dân. Lần này là đợt dịch thứ 4 và là đợt dịch nguy hiểm nhất. Nỗ lực của lãnh đạo thành phố, lực lượng công an, quân đội, đội ngũ y bác sĩ đã không quản ngại ngày đêm, nắng mưa xông vào giữ tâm dịch giúp dân.

Xác định chống dịch như chống giặc, cuộc chiến này còn nhiều cam go. Để giữ lấy bình yên cho thành phố và cho nhân dân cả nước mỗi một người dân là một chiến sĩ đoàn kết chung tay đẩy lùi "giặc" dịch.

Tấm lòng cô Dậu

Chẳng cần ai kêu gọi, xem tivi và đọc báo hàng ngày, cô Nguyễn Thị Dậu - Chủ cơ sở Bánh mì Như Lan (Hàm Nghi, quận 1) cũng nắm được tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng ở một số tỉnh, trong đó có TPHCM. Hình ảnh những chiến sĩ công an, bác sĩ đầm đìa mồ hôi dưới cái nắng chang chang và lúc nào cũng trùm kín bộ đồ bảo hộ âm thầm xông pha vào giữa tâm dịch đã làm lay động tấm lòng của một người nhiều trắc ẩn. "Thấy mà thương quá. Dì Gái - cái tên mà người dân Sài Gòn và nhân viên trong tiệm hay gọi cô Dậu một cách trìu mến - nhờ mấy đứa mang ít đồ ăn và nước uống đi cho những người đang chống dịch lót dạ ban đêm".

Thế là ngay trong buổi tối của ngày đầu tiên lực lượng công an chủ công phối hợp với các đơn vị khác lập 12 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố, 21 giờ đêm, chúng tôi mang hàng trăm suất ăn đêm và nước uống mà cô Dậu cùng các nhân viên của Tiệm bánh mì Như Lan đã cẩn thận chuẩn bị sẵn đến các chốt tặng cho lực lượng đang làm nhiệm vụ. Tánh của người phụ nữ ấy là vậy, dù đã ngoài 70, dù vẫn miệt mài lao động từ sáng đến khuya, nhưng hễ thấy người dân ở đâu ngặt nghèo, thiên tai địch họa là cho người đến giúp, không chút đắn đo suy nghĩ. Cứu người như cứu hỏa.

Cô Nguyễn Thị Dậu trao số tiền 300 triệu đồng giúp lực lượng xung kích chống dịch

Trước tình hình dịch Covid đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, sáng 2-6, cô Nguyễn Thị Dậu đã dành gần 1 tỷ đồng giúp cho hoạt động chống dịch, giúp đỡ người dân nghèo và lực lượng xung kích tuyến đầu chống dịch. Trong số tiền này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Bến Nghé, quận 1 được nhận 500 triệu để thực hiện cho việc đóng góp mua vắc-xin. Theo nguyện vọng của cô Dậu, số vắc-xin này khi mua về sẽ nhờ chích cho người dân nghèo trên địa bàn phường. Số tiền còn lại, Báo CATP sẽ trao cho lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch.

Tiếp tế thiết bị y tế tại quận Gò Vấp

Nhận được số tiền ủng hộ cho công tác chung tay chống dịch tại địa phương, chúng tôi và các đồng chí cán bộ của UBMTTQ P.Bến Nghé vô cùng xúc động. Vì rằng hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, tất cả các cơ sở kinh doanh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khó khăn đó, cô Nguyễn Thị Dậu vẫn quan tâm, chia sẻ với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, với các chiến sĩ công an, bộ đội, các bác sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ giữa tâm dịch. Nghĩa cử đó thật đáng nghiêng mình kính phục.

Đội thanh niên chuẩn bị nước cam tiếp sức cho các bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch

Sẽ tiếp tục hỗ trợ 20.000 liều văc-xin cho dân nghèo

Trước diễn biến ngày càng nóng lên và lan rộng của dịch Covid-19 trên các quận huyện của thành phố, cô Nguyễn Thị Dậu có nguyện vọng nếu về sau, khi mà điều kiện quy định cho phép, cô sẽ tiếp tục tài trợ thêm 20 ngàn liều vắc-xin giao cho Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng hoặc một cơ sở y tế nào đó để nhờ đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện tiêm cho những người dân nghèo trên địa bàn, kể cả những bà con từ những tỉnh khác về ngụ cư, kiếm sống trên địa bàn.

Đại diện Báo CATP tặng mì, nước cho lực lượng liên ngành chống dịch

"Khi nào được cho phép rồi thì cứ tiêm, hết tao cho cho nữa, hết tiền tao bán nhà tao tặng. Góp một chút công sức với cán bộ và người dân vào việc chung để bệnh dịch mau hết, cho bà con mình làm ăn kiếm sống là mừng". Đó là lời chân tình được nói từ bụng dạ của một người chắc ăn chắc làm, mà từ đôi bàn tay gầy dựng cả một hiệu bánh trứ danh qua hơn 60 năm trên đất Sài Gòn.

Vượt bao nhiêu khó khăn gian khổ, miệt mài thức khuya dậy sớm làm việc cùng nhân viên, để hôm nay thành quả lao động giúp trở nên giàu có hơn người, nhưng người phụ nữ ấy lúc nào cũng chân chất thiệt thà, giản dị, luôn nghĩ cho người chứ không chỉ nghĩ cho mình. Tôi tin suốt cuộc đời miệt mài lao động, đến khi bạc tóc phong trần, chắt chiu và thấm thía bài học ở đời, những điều bà làm đã khiến người ta hiểu ra rằng, tiền tài như phấn thổ, ơn nghĩa tợ thiên kim.

Cô Nguyễn Thị Dậu cùng nhân viên chuẩn bị các suất ăn và nước uống gửi tặng cho các đội xung kích tuyến đầu chống dịch
Cô Nguyễn Thị Dậu trao 500 triệu đồng cho đại diện UBND P.Bến Nghé, Q1 để mua vắc-xin Covid-19

Báo Công an TPHCM, Ban Thanh niên CATP, Phòng PC08 tặng quà cho các đội công tác tại "tâm dịch" Gò Vấp và quận 12

Nối tiếp công tác tiếp tiếp sức cho các đội xung kích tuyến đầu chống dịch, hôm nay 3-6, Báo CATP và Đoàn Thanh niên CATP phối hợp với các chiến sĩ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) đến thăm và tặng quà cho các chiến sĩ, bác sĩ, y tá đang làm nhiệm vụ tại các chốt tại tâm dịch của quận Gò Vấp và quận 12 và một số điểm chống dịch khác trên địa bàn thành phố. Những phần quà gồm nước suối đóng chai, nước giải khát và mì ly.

Hoạt động này nối tiếp từ chương trình tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch do Báo CATP phát động ngay từ những ngày đầu chống dịch, và đặt biệt là từ 15-5 vừa qua, thời điểm UBND TPHCM giao cho lực lượng CATP làm nồng cốt trong thiết lập 12 chốt kiểm dịch tại các ngõ ra vào thành phố. Các chốt này vừa hoàn thành nhiệm vụ sau 15 ngày cao diểm triển khai nhiệm vụ. Hiện, công tác phối hợp kiểm soát của lực lượng công an đã triển khai vào lòng tâm dịch, khi mà cơ quan chức năng đã xác định cơ bản đường dây liên quan của các ca lây nhiễm từ ổ dịch tại quận Gò Vấp.

Liên quan đến tình hình diễn biến dịch covid 19, chiều tối 2-6, Trung tâm kiểm soát bệnh dịch thành phố (HCDC) khuyến cáo các cơ quan, đơn vị cần nâng cao khả năng phòng thủ, tổ chức làm việc, sản xuất an toàn, không để virus corona có cơ hội lây lan. Theo HCDC, chỉ trong hai tuần (từ ngày 18-5 đến hết ngày 1-6), thành phố đã phát hiện 3 chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, với tổng số 226 ca bệnh đã được công bố.

Thứ nhất là chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở quận 3 (phát hiện ngày 18-5) gồm 2 bệnh nhân 4514, 4583 cùng làm việc trong một văn phòng, nơi cư trú quận 7 và TP Thủ Đức.

Thứ hai là chuỗi lây nhiễm quán bánh canh ở quận 3 (phát hiện từ ngày 21-5) gồm 5 bệnh nhân: 4780, 4781, 4782, 5329, 5463. Trong đó bệnh nhân 5463 đã tử vong sáng 2-6 do COVID-19 nặng trên cơ địa suy thận mạn giai đoạn cuối.

Kết quả giải trình tự gene các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm này là biến chủng B.1.1.7 (biến chủng từ Anh).

Thứ ba là chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng (phát hiện từ ngày 26-5) với gần 250 ca mắc đã được Bộ Y tế công bố (tính đến 18h30 ngày 2-6). Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 7 người bệnh đầu tiên là thành viên nhóm truyền giáo đều thuộc biến chủng từ Ấn Độ, B.1.617.2.

Bộ Y tế ủng hộ và tạo mọi điều kiện để các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng, nhập khẩu vắc xin

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có TP.HCM, rất nhiều người dân quan tâm đến việc khi nào sẽ được chích ngừa vắc xin COVID-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, TP.HCM là nơi có nguy cơ bùng phát dịch rất cao vì TP đông người, đi lại nhiều, có nhiều khu công nghiệp... nên chắc chắn TP.HCM cũng là một đơn vị được ưu tiên trong phân bổ vắc xin.

Tinh thần là "chống dịch như chống giặc", thời gian qua có rất nhiều vấn đề xã hội hóa trong công tác phòng chống dịch và các doanh nghiệp đã tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch rất tích cực. Việc Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia kết nối mua vắc xin là chủ trương rất đúng trong việc xã hội hóa, công tác chống dịch để làm sao người dân Việt Nam có đủ vắc xin để tiêm.

Đến nay, ngoài VNVC đã có một số doanh nghiệp tham gia kết nối mua vắc xin Sputnik V (Nga), vắc xin của Ấn Độ... Tuy vậy, một số nhà sản xuất vắc xin, hãng dược không trực tiếp làm việc với những đơn vị không đủ năng lực mà muốn đàm phán trực tiếp với Chính phủ, Bộ Y tế và với các công ty có đủ năng lực ở Việt Nam. Tôi cho rằng VNVC là một đơn vị đủ năng lực có thể nhập khẩu vắc xin và tiến tới triển khai tiêm vắc xin cho người dân Việt Nam.

Bộ Y tế rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện để các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi nhập khẩu vắc xin để có vắc xin tiêm an toàn, hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, vắc xin là một loại thuốc đặc biệt. Từ khi sản xuất, vận chuyển và nhập khẩu vào Việt Nam, đưa vào trong kho, đến khi tiêm cho người dân đều được bảo quản trong nhiệt độ theo quy trình nghiêm ngặt. Do vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể nhập vắc xin được.

Về câu hỏi khi nào một người dân (không nằm trong diện ưu tiên) sẽ được chích ngừa vắc xin COVID-19, ông Phu cho biết: Về nguyên tắc, nếu muốn đạt miễn dịch cộng đồng, 60-70% người dân phải được tiêm vắc xin. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tiêm cho tất cả những người dân thuộc diện tiêm chủng. Việt Nam có 100 triệu dân muốn đạt được miễn dịch phải tiêm vắc xin cho khoảng 60-70 triệu người. Nếu vắc xin đó cần tiêm 2 liều sẽ cần khoảng 150 triệu liều vắc xin. Trong lúc này, khi chúng ta chưa có đầy đủ vắc xin, chúng ta nên tập trung tiêm cho những người ở tuyến đầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang