Tiểu phẩm:

Thư loài chuột kính gửi loài người

Thứ Bảy, 25/01/2020 23:02

|

(CATP) Kính gửi thế giới loài người! Nhân dịp xuân Canh Tý, họ hàng nhà chuột chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội thuận tiện nhất để lên tiếng với loài người, nhằm giãi bày về nỗi oan ức của dòng họ.

Thưa loài người, trên tinh thần “tự phê”, chúng tôi xin thẳng thắn nhận lỗi khi thường xuyên “sử dụng bất hợp pháp” một số lương thực, thực phẩm như lúa gạo, hoa màu, cây trái, thức ăn của loài người.

Tuy nhiên vì “miếng cơm manh áo”, chúng tôi cũng thường phải trả giá đắt bằng chính tính mạng của mình, như rơi vào miệng chó, mèo; các loại bẫy, bả… diệt chuột. Đặc biệt vào mùa thu hoạch lúa, chúng tôi bị truy bắt hàng loạt trên các cánh đồng, trở thành món ăn đặc sản của nhiều người. “Dám ăn dám chịu”, nên chúng tôi đành chấp nhận điều đó.

Tuy nhiên, không chỉ bị truy bức về tính mạng, điều khiến cho dòng họ chúng tôi đau khổ và bất bình nhất là bị hạ nhục về mặt tinh thần và phẩm giá. Rất nhiều hành vi đáng bị lên án của con người, đã tùy tiện gán ghép cho hình ảnh của chúng tôi, dù họ hàng nhà chuột không hề can dự những điều xấu xa như thế.

Ở thời đại phong kiến, chúng tôi bị bêu riếu trong bức tranh ‘Đám cưới chuột” nổi tiếng, với hình ảnh đàn chuột mang lễ vật cống nạp, hối lộ cho mèo. Tưởng đến thời văn minh thì hình ảnh xấu xí đó sẽ không còn, nhưng chúng tôi nhận thấy dường như tình trạng nói xấu chuột còn trầm trọng hơn.

Điển hình là các vụ tham nhũng, quan tham đều gắn liền với cụm từ ám chỉ, như “lũ quan tham không khác gì loài chuột, ra sức đục khoét tài sản của nhà nước, của dân”. Rồi trong công cuộc chống tham nhũng, chúng tôi cũng bị đem ra làm ví dụ so sánh “đánh chuột phải tránh vỡ bình”, hay “đánh chuột chớ lo vỡ bình”. Kiểu nào chúng tôi cũng… bị đánh!

Không ít lần, câu tục ngữ “Cháy nhà mới ra mặt chuột” được nêu ra, nhằm ám chỉ những quan tham bị phơi mình ra ánh sáng công lý, khi vụ việc tham nhũng, ăn chơi sa đọa bị phát hiện… Thậm chí có những sai sót nào đó trong giáo dục, người ta cũng dùng hình ảnh chúng tôi để chế giễu như “xin đừng biến học sinh thành… chuột bạch!”. Nói về sự tham lam, cảnh giác hay mưu mô, loài người thường ví von: “Không có miếng pho-mát miễn phí trong chiếc bẫy chuột!”

Thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, luôn gắn với một phương tiện phổ biến của loài Người là chiếc máy vi tính. Khổ thay, không biết ai đã “phát minh” ra việc lấy tên chúng tôi để đặt tên cho một thiết bị luôn gắn với máy tính là… con chuột. Cũng từ đây, mọi hoạt động không hay diễn ra trên máy tính được gắn với tên này.

Ví dụ trích từ một bài báo gần đây: “Kẻ xấu (không loại trừ là những nhân viên biến chất của chính ngân hàng) chỉ cần vài cú nhấp chuột, đã đột nhập cơ sở dữ liệu, đánh cắp toàn bộ thông tin của khách hàng như số tiền gửi, thông tin cá nhân, mật mã tài khoản vv… để từ đó dễ bề ra tay chiếm đoạt”.

Hay: “Một số cán bộ trong ngành giáo dục có trách nhiệm bảo quản bài thi, kết quả kỳ thi, đã gian dối trong việc sửa điểm. Với dữ liệu lưu trữ trong tay, chỉ cần vài thao tác nhấp chuột trên máy tính, họ đã liều lĩnh sửa đổi hàng loạt điểm thi cho nhiều thí sinh để trục lợi bất chính”.

Nhiều trường hợp cấp trên sai sót, thay vì nhận lỗi, họ đổ cho “nhân viên đánh máy” đã sơ suất trong soạn thảo văn bản, vì trục trặc khi sử dụng… chuột máy tính (!?).

Tóm lại, không chỉ ngày xưa mà cả thời hiện đại 4.0, họ hàng nhà chuột chúng tôi vẫn tiếp tục mang tiếng xấu, dù đã đóng góp vô số sinh mạng cho những cuộc thí nghiệm khoa học, thử nghiệm các loại thuốc, vắc-xin phòng bệnh, cấy ghép nội tạng vv… Hay đơn giản là trởthành mồi ngon trong những cuộc nhậu “tới bến” của nhiều quý ông.

Vì thế nhân dịp xuân Canh Tý, chúng tôi gửi thư này tới thế giới loài Người mong được xóa tiếng oan. Họ hàng chúng tôi thiển nghĩ, để xóa được tận gốc tiếng xấu cho loài chuột, loài Người hãy từ bỏ tệ nạn tham nhũng, “đục khoét”; kiên quyết chống quan tham mà không sợ “đánh chuột vỡ bình”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang