Tiểu thuyết “Gia tộc tướng cướp” của nhà văn Lại Văn Long

Thứ Năm, 29/10/2020 17:00

|

(CAO) Hoàng Đức Định được ông nội là Đại tá công an Hoàng Đức Liêm – Anh hùng lực lượng vũ trang, nuôi dạy từ khi vừa lọt lòng mẹ. Lớn lên Định theo nghề ông nội vào ngành Công an, là sĩ quan Cảnh sát hình sự, tham gia nhiều chuyên án, lập nhiều chiến công.

Bất ngờ anh được biết mình là con ruột của tướng cướp tàn bạo Hai Cuộc, cháu nội nữ tướng cướp Hai Nếp – Tám Lai và chắt cố tướng cướp Mười Rắc. Càng bàng hoàng hơn khi Định phát hiện một số đối tượng cầm đầu trong một số chuyên án giết người, cướp tài sản mà đơn vị anh đang điều tra là con, cháu của “gia tộc tướng cướp” khét tiếng suốt hơn nửa thế kỷ qua. Các đối tượng đó cũng “lấy tình máu mủ” khuyên Định hãy “về nguồn” và chúng hứa sẽ tôn Định lên làm “đại ca”…

Tiểu thuyết “Gia tộc tướng cướp” của nhà văn Lại Văn Long vừa được trao giải C cuộc thi sáng tác truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống 2017 – 2020”, do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức

Định bàng hoàng rồi mặc cảm với lý lịch “đen” của mình nên xin ra khỏi ngành công an. Được các cấp trên, đồng đội động viên; nhất là được ông nội giải thích về những trớ trêu lịch sử mà một cán bộ tình báo như ông đã trải qua, Định dần lấy lại bình tĩnh. Bà nội của Định – nữ tướng cướp Hai Nếp – Tám Lai khét tiếng một thời, nay tuổi gần 90 đã kể cho Định “lời nguyền” đã làm cả gia tộc này có 4 đời tướng cướp. Định nung nấu quyết tâm phá bỏ lời nguyền này!

Cuối cùng “gia tộc tướng cướp” cũng có những cháu, chắt là bác sỹ, ca sỹ, kĩ sư, tiến sĩ… tốt nghiệp từ các trường danh tiếng ở Mỹ, Châu Âu về. Họ hiểu lỗi lầm của thế hệ đi trước nhưng không trách móc, âm thầm cố gắng “rửa” những vết nhơ của dòng họ, phá bỏ lời nguyền “thằng này làm tướng cướp thì con cháu cũng sẽ là tướng cướp”… của ông cố Mười Rắc từ hơn 70 năm trước!

Tiểu thuyết “Gia tộc tướng cướp” còn phản ánh về cuộc đấu tranh giành độc lập rất bi hùng của nhân dân vùng Đồng Nai, Bà Rịa, Nhà Bè, Cần Giờ, Lái Thiêu… suốt thời chống Pháp, Nhật, qua thời chống Mỹ. Một góc nhìn về xã hội thời chiến và hậu chiến, nạn vượt biên và chế độ bao cấp. Bộ ba chí cốt: Ba Nam (sau là bí thư tỉnh ủy), Chín Đoàn (Thiếu tướng QĐNDVN), Út Liêm (Đại tá công an, AHLLVT)… đã đi hết chặng đường lịch sử hào hùng, bi thương rồi rạng rỡ của dân tộc từ thời trai trẻ cho đến lúc trên dưới 90 tuổi. Họ là “thế hệ vàng” của Cách mạng Việt Nam, đức – tài lồng lộng, nhân hậu bao dung.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Gia tộc tướng cướp"

Mỗi nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết dày gần 700 trang sách khổ lớn này đều có hoàn cảnh, sắc thái rất đặc biệt. Sự phát triển của lịch sử dân tộc gắn với từng số phận cá nhân, tạo ra những trớ trêu, nghịch cảnh khó ngờ: nhà lãnh đạo nợ ơn cứu mạng của nữ tướng cướp; một bà trùm xã hội đen độc ác lại là “bà tiên nhân từ cứu giúp biết bao hoàn cảnh bất hạnh; vị trưởng ban chuyên án dẫn quân bao vây, truy bắt tên cầm đầu băng cướp tàn bạo mà không hề biết đó chính là con trai mình; cô gái nghèo túng trong chốc lát thành giàu có, quyền uy nhờ là “bản sao” của một nữ du kích đã hy sinh trong chiến tranh… Tất cả đan vào nhau làm câu chuyện càng lúc càng ly kỳ, gay cấn, nghẹt thở, cuốn hút…

Tác giả Lại Văn Long còn đầu tư công sức kể về cuộc chiến sinh tử kéo dài suốt hàng chục năm của lực lượng Công an chống các băng nhóm tội phạm xuất phát từ “Cù lao dừa” của gia tộc Tám Lai và đồng bọn. Qua đó tái hiện cuộc sống sinh hoạt của nhiều thôn làng, đô thị vùng Đông Nam Bộ, Sài Gòn – TPHCM qua các thời kỳ: chống Pháp, Mỹ, thống nhất đất nước, thời bao cấp, đổi mới…

Tác giả đã khéo léo để hơn 200 nhân vật từ khắp mọi miền đất nước xuất hiện trong suốt 60, 70 năm theo diễn tiến câu chuyện đan kết chặt chẽ với nhau, làm bùng phát các mâu thuẫn, cao trào dẫn dắt người đọc đến với quan điểm của tác giả về thiện – ác – công lý – đạo lý. Đó cũng chính là thông điệp gửi đến người đọc, người xem phim (tác phẩm “Gia tộc tướng cướp” đã được chuyển thể làm phim truyền hình 40 tập).

Các tác giả được giải trong lễ trao giải chiều 28-10-2020, tổ chức tại Hội trường Bộ Công an, Hà Nội (nhà văn Lại Văn Long thứ 2 từ phải sang)
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chụp ảnh cùng các tác giả được giải và đại biểu dự lễ trao giải

Tác giả Lại Văn Long (Trưởng ban Phóng viên chuyên đề Báo Công an TPHCM) cho biết, anh đã bỏ ra 18 năm để sưu tầm tài liệu, thông tin và mất thêm 8 tháng để hoàn tất tiểu thuyết “Gia tộc tướng cướp”. Đây là cuốn thứ 3 trong bộ tiểu thuyết mà tác giả mong được công nhận kỷ lục là “Bộ tiểu thuyết hình sự dày nhất Việt Nam”. Hiện Lại Văn Long đang chuẩn bị in tiếp 3 cuốn còn lại là “Lật án tử hình”, “Vỏ bọc thần thánh” và “Hồng nhan sương khói” (vừa hoàn thành tháng 6 – 2020).

Tiểu thuyết “Gia tộc tướng cướp” hiện được phát hành tại NXB Công an nhân dân, 92 Nguyễn Du, Hà Nội; 283 Điện Biên Phủ, Q3, TPHCM và phòng phát hành Báo Công an TPHCM, 110 Nguyễn Du, Q1, TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang