Trái tim màu nắng

Thứ Hai, 31/01/2022 22:17

|

(CAO) Khu biệt thự ấy nằm giữa vuông đất có thể được xem là đắc địa nhất vùng. Ngoài trục đường chính dẫn ra các đại lộ, cao tốc thuận tiện cho việc giao thông từ đông sang tây, phía sau được bao bọc bởi một đoạn sông còn khá trong lành.

Ngoài phong thủy, nó còn là bức tranh hữu tình tô điểm thêm cho cuộc sống của số cư dân ít ỏi nhưng nhiều diễm phúc ấy. Trên diện tích hơn hai mẫu tây, mười căn hộ nằm theo vòng xuyến, mặc dù cùng xoắn tít trong dãy tường rào biệt lập nhưng hầu như ai cũng lo phận mình, tất cả mọi việc giao tiếp, ra vào đều thông qua chốt bảo vệ đặt cạnh chiếc cổng chào uy nghi, bề thế được dựng lên theo mẫu Khải Hoàn môn ở Paris.

Người ta nói vui, tài sản của nhóm nhà giàu này bằng của cải cả phường cộng lại, nếu mỗi tháng họ “nhín” cho không phẩy mấy phần trăm, thì ngân sách phúc lợi xã hội của địa phương sẽ dễ thở lắm! Khu “tiểu Paris” hình thành ngót hai mươi năm, cái phú quý của nó lấn át cả một vùng rộng lớn, nhưng với những người làm công tác dân phố thì đây là “miếng thịt” khó nhai, hương vị nhạt nhẽo không biết gọi tên là gì…

Đến sau nhưng ngôi nhà của ông Năm Đất lại bề thế, che khuất những công trình bên cạnh. Với lối kiến trúc theo phong cách Roman pha trộn với nghệ thuật Gothic của châu Âu, dinh thự này càng tỏ rõ sức mạnh của đồng tiền và ý thức phô trương của gia chủ. Ngoài người giúp việc, nhân khẩu vỏn vẹn chỉ bốn người nhưng trong sân vườn lát đá hoa cương luôn luôn hào nhoáng bởi ba chiếc Mercedes Maybach, chưa kể những chậu bonsai cổ thụ và hệ thống đèn, cửa hoạt động theo kỹ thuật thông minh. Sự hiện diện của ngôi nhà phá vỡ mọi “truyền thuyết” về sự giàu có của các nhân vật trong khu và cư dân lập tức giao quyền điều hành, quản lý cho kẻ giàu nhất.

Người thường xuyên có mặt trong “tiểu Paris” là Ba Đẹt. Anh là một trong những người địa phương còn ít ỏi trên mảnh đất ven đô đầy biến động, được Ban quản lý thuê dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây trồng. Hàng ngày, từ lúc bình mình cho đến tà dương, anh cặm cụi với công việc, sự cần mẫn, trách nhiệm khó có thể tìm người tốt hơn. Những lúc mưa giông, một mình thu dọn cây lá không xuể, anh còn gọi người vợ đến giúp với mong muốn sau mỗi buổi chiều cảnh quan trong khu phải sạch đẹp như tên gọi của nó.

Ấy vậy mà đã hơn mười năm, công việc tẻ nhạt này đã ngốn thời gian một cách vội vã, đẩy anh từ độ thanh xuân sang ngưỡng cửa trung niên. Sau này, có một “kẻ” giúp anh vài phút giây thư giãn, những thời khắc mà anh quý như ngụm nước lúc giữa trưa, đó chính là con chó hoang được đặt tên “Cút Côi”. Con chó này có bộ lông màu vàng đất, bờm chạy thẳng từ cổ đến chóp lưng, nặng khoảng ba mươi ký, trông rất dữ dằn. Không biết nó đến từ đâu, thỉnh thoảng thập thò bên mấy thùng rác, thấy người là chạy biến vào các lùm cây dại mọc ven sông.

Nhiều ngày, Ba Đẹt theo dõi cử chỉ của nó, ngược lại thấy người làm vườn có vẻ “vô hại”, con vật không trốn chạy như trước nữa. Buổi sáng, Ba đẹt túm theo thức ăn thừa quẳng vào nơi nó thường nằm, có lúc anh mua ổ bánh mì chan nước xốt, gọi tên, nó chạy ra ngoắc đuôi thích thú. Dần dần, Cút Côi cứ quấn quýt bên người bạn hiền lành, mỗi buổi chiều khi Ba Đẹt xong việc, nó tiễn bạn đến cổng bảo vệ rồi mới chạy tít vào xó xỉnh nào đó.

Ông Năm Đất không thích chó vì cho rằng không thể hiệu quả hơn các phương tiện quan sát và báo động tân kỳ, chưa kể tốn kém thời gian, tiền bạc chăm sóc. Từ quan niệm đó, ông ký văn bản đề nghị các hộ dân không để chó ra khỏi nhà, nên xích cổ, bịt mõm dù đó là chó cưng hay giống Tây, Tàu gì đó. Mặc dù không thích, nhưng các hộ dân không dám lên tiếng, có lẽ do ngại đụng chạm với người giàu có hơn mình.

Chiều ấy, từ công ty về nhà, nhác thấy con chó màu vàng đất lấp ló bên hàng rào, ông ta lập tức gọi bảo vệ phải bắt cho bằng được. Tội nghiệp hai ông bảo vệ ốm yếu tay gậy tay dây, lùng sục các ngóc ngách đến cả tiếng đồng hồ vẫn không tìm đâu ra con vật đáng ghét. Ông Năm Đất hậm hực tuyên bố nếu không tống được nó, cả tổ bảo vệ sẽ phải… lên đường.

*

* *

Chờ gần hai giờ, Ba Đẹt mới thấy ông Năm Đất lững thững bước ra khỏi nhà với chiếc Samsonite láng bóng trên tay. Nhác thấy thằng làm vườn khép nép ngoài cổng, đại gia tiến đến, hất hàm: “Gì đó?”. Ba Đẹt hơi lúng túng: “Thưa chú, con muốn trình bày một việc… chỉ có chú mới giải quyết được…”. Trưởng khu vén tay áo nhìn đồng hồ: “Việc gì? Hôm nay tao ngủ dậy trễ, nói mau đi…”. Gã làm công gấp gáp: “Con làm việc ở đây lâu rồi, làm cực quá mà lương mỗi tháng chỉ có bốn triệu rưỡi. Chú tăng lương cho con chút ít, gia đình khổ quá!”. Người bên trong chiếc cổng thản nhiên: “Tăng… là bao nhiêu?”. Ba Đẹt ấp úng: “Thêm… năm trăm ngàn cũng được!”. Năm Đất nhếch mép: “Tiền ở đâu ra?”. Gã làm công dẫn dụ: “Mỗi tháng mỗi hộ ở đây đóng góp hai triệu rưỡi, trừ các khoản tiền quỹ cũng còn khá lắm…”.

Chuông điện thoại reo, ông Năm Đất bật chiếc iPhone mạ vàng, mặt rạng rỡ: “Anh Bảy hả? Đúng hẹn 18 giờ nghen, ở nhà hàng Hoa Ngọc Lan, phòng VIP 3. Đặt món hết rồi, sơn hào hải vị, trên núi dưới biển đều có cả. Đã giao kèo, nếu hóa đơn tính dưới ba mươi triệu thì không trả tiền. Có mấy anh ở ngoải nữa hả, vậy thì tốt quá…”. Đầu máy bên kia: “Mười mẫu ở gần sân bay đó, nếu mai họ ký cho nhượng quyền sở hữu, thì ông đã chở về dinh một ngàn tỷ rồi còn gì… khà, khà…”. Năm Đất giọng hân hoan: “Bán hơi bèo đó cha, lẽ ra phải thêm vài gang nữa. Thôi, dẫu gì thì mình cũng sòng phẳng với anh. Chiều gặp nhé! Nhớ rồi, ô kê anh!”.

Đại gia vừa cho chiếc máy vào túi áo vét, chưa kịp tính gì thì đứa giúp việc chạy ra đưa tấm “thư ngỏ” của khu phố, giọng nhèo nhẹo: “Họ đề nghị hỗ trợ cho trẻ em nghèo vui tết Trung Thu, ông quyết đi, một lát họ đến nhận…”. Năm Đất tỏ vẻ khó chịu, làu bàu: “Xin hoài, lễ tết gì cũng xin, tiền đâu mà chi cho xuể… Sáu, mày vô lấy ba trăm ngàn cho họ, nói lúc này ổng kẹt lắm… Nói cho khéo đó nghe, đừng có gây gổ với họ, miệng mồm mày ăn ba khía quen rồi nên dễ quạu lắm…”.

Chợt nhớ thằng làm công nãy giờ vẫn đứng khúm núm, đại gia lên giọng kẻ cả: “Yêu sách của mày sẽ được giải quyết, trưa mai đứng ở cổng này đợi tao. Bây giờ thì tránh đi, để xe tao ra… À quên, ở đây có con chó hoang nào đó, nếu mày đập nó chết được, tao thưởng lớn…”. Gã lái xe bấm remote, hai cánh cổng bằng thép chạm khắc chim muông bật ra, chiếc xe bóng lộn lao đi, để lại thằng làm vườn với bao nỗi niềm hiện lên đôi mắt.

*

* *

Hẹn trưa, nhưng đến quá 14 giờ chiếc Mercedes có bốn con số 5 mới chui vào cánh cổng thép. Ông Năm Đất mở cửa bước xuống, chân nam đá chân chiêu, mặt đỏ như Quan Công, giọng nhừa nhựa: “Thằng dọn vườn ở đâu rồi?”. Nép bên hàng rào, Ba Đẹt đút vội trái bắp đang ăn dở vào túi quần, lên tiếng: “Dạ, con đây… con chờ ông từ mười một giờ đến giờ”.

Chủ nhà bước đến chiếc cổng thép đã khép kín, đầu lắc lại: “Tao suy nghĩ nhiều lắm rồi… thêm năm trăm ngàn chẳng là bao… Nhưng mà mày làm hết tháng này, lãnh lương như cũ… rồi nghỉ luôn đi!”. Ba Đẹt sững sờ: “Thưa ông, con đâu làm điều gì xấu!”. Ông “vua đất” vẫn lạnh lùng: “Tao đã có người chịu làm với giá cả đó…, nó còn khỏe mạnh hơn mày… khu này sẽ thanh lịch hơn…”.

Gã làm công lắp bắp: “Ông ơi, vợ con sắp đẻ, chủ nhà trọ tối qua đến đòi tiền tháng… tình cảnh khổ lắm, ông xét lại dùm đi…”. Người đứng sau cánh cổng gắn điếu thuốc lá lên môi, nói trong làn khói trắng: “Tình cảnh của mày đáng thương… nhưng đó là do thượng đế sắp đặt. Thôi đi đi, nắng quá, hạnh phúc khó tìm lắm em ơi!...”.

Chủ nhà khuất dạng đã lâu mà Ba Đẹt vẫn đứng tại chỗ như chôn chân. Dưới cái nóng như đổ lửa, mồ hôi trên thân người gầy đét cứ tuôn ra, chảy thành dòng trên gương mặt, rịn ướt cả lưng áo. Gã làm vườn thế cô đang chơi vơi trước một viễn cảnh đen đúa mà bản thân khó đủ nghị lực để vượt qua.

Hạnh phúc đúng là khó tìm và dường như “vị thần” này luôn xa lánh những kẻ cùng khổ trên thế gian. Kẻ quá thừa thãi, hoang phí, cho phép mình đứng trên cả đạo lý, xé toạc chiếc áo lương tâm; kẻ tìm chén cơm trong nỗi đau cùng cực, chạy mãi trên cuộc đời mà chẳng biết dừng ở đâu. Anh ơi… Ba Đẹt nghe loáng thoáng bên tai tiếng người vợ đang cần trợ giúp. Cái loáng thoáng từ ảo giác của người đang tàn lực trên sa mạc. Anh vụt bỏ chạy, chạy thật nhanh như muốn xua đi những hình ảnh phút chốc đã bội bạc với người có hơn mười năm đổ biết bao sức lực cho nó.

*

* *

Ông Năm Đất có đứa cháu từ tỉnh lên xin tá túc để học hết năm cuối đại học. Ông vui lòng tiếp nhận vì ngôi nhà quá to mà con Sáu làm không xuể, có thêm người phụ giúp, trông nom thì ông yên tâm hơn trước những tháng ngày mải mê… săn tiền. Để tạo điều kiện cho thằng cháu tập tành lao động trước khi vào trường đời và có tiền trang trải việc học hành, ông giao cho nó làm công việc trong khu thay cho Ba Đẹt. Chàng thanh niên dáng vẻ thư sinh đồng ý và mỗi ngày, lúc rảnh rang, anh tưới cây hoặc kéo lê chiếc thùng khá to đi dọn rác. Con đường nhựa trong khu hình vòng cung khá dài, hai bên lề trồng những khóm cây trang trí, nhà nào cũng có sân vườn, nên việc dọn dẹp chất thải không phải dễ như chuyện trong nhà.

Người làm cật lực như Ba Đẹt mà cứ cặm cụi suốt ngày, huống chi dân nghiệp dư, làm một lúc đứng thở, đi một đoạn kéo áo lau mồ hôi như chàng sinh viên nọ. Theo nắng mưa, bộ mặt hai bên đường dẫn vào khu ngày càng nhếch nhác, bùn đất ứ đọng, cỏ dại mọc loang, những khóm kiểng thiếu nước có lúc ỉu xìu, héo úa. Ai cũng nhìn thấy điều đó nhưng e ngại không lên tiếng. Ông Năm Đất không thể không nhận ra, nhưng… “mặc xác chúng nó”, khi hai mục đích của ông đã trôi chảy.

*

* *

Buổi sáng chủ nhật trời trong, gió nhẹ, ông Năm Đất trong bộ đồ ngủ mở cổng bước ra, nhìn quanh một lúc, ông chậm rãi đi về phía cuối khu, nơi còn mấy lô đất chưa xây dựng, cỏ lau, cây dại mọc um tùm. Năm năm rồi có lẻ, kể từ ngày chọn nơi đây làm chốn náu thân, lần đầu tiên ông mới đặt chân trên con đường nội khu này. Ông muốn mua thêm vài ngàn mét vuông đất để làm vườn “địa đàng”, trưng bày cây kiểng bonsai, tuyển chọn các loại đá mỹ thuật, dựng hòn non bộ to như quả đồi, dòng suối giả uốn lượn len qua các hang động… không có nơi nào an toàn và cảnh quan lý tưởng hơn khu “tiểu Paris” này. Bạn bè, các mối quan hệ làm ăn của ông khi bước vào đây chắc hẳn phải nể phục cách chơi thông thái, hưởng thụ đẳng cấp của người biết sống và… đáng sống.

Gừ… gừ… Ông “vua đất” giật mình quay về thực tại khi thấy con chó màu vàng đất xuất hiện nhe nanh chuẩn bị đâm bổ vào người. Nổi gai óc, nhìn quanh không thấy vật gì khả dĩ làm vũ khí tự vệ, ông huơ tay: “Cút đi! Đồ chó chết!...”. Con vật phóng đến, đớp ngay vào bắp chân, ông Năm quỵ xuống kêu la. Thấy vậy, nó càng hùng hổ cấu xé liên tục, chẳng bao lâu khắp người ông máu tuôn đỏ ối, ngã vật trên đường. Sự việc diễn ra nhanh chóng, xung quanh vắng lặng như tờ, nhà nào cũng kín cổng cao tường, chỉ có tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại.

Sau ba tháng chiến đấu với bao nỗi khó khăn, cuộc sống của gia đình Ba Đẹt tạm ổn khi anh vay tiền mua được chiếc xe ba gác chở hàng và buổi sáng hôm ấy, anh được chủ căn hộ ở cuối khu “tiểu Paris” gọi đến để chuyển cây kiểng. Đây cũng là dịp anh trở lại vùng đất xưa, ôn những kỷ niệm mà nước mắt nhiều hơn nụ cười, mồ hôi đặc hơn muối biển. Vừa đến nơi, Ba Đẹt thấy con chó vẫn đang cố xé bắp chân của người đã nằm bất động. Anh hoảng hốt xuống xe, kịp nhận ra con vật có một thời gian gần gũi, mừng rỡ vào mỗi sáng, quyến luyến vào mỗi chiều và hôm chia tay, anh còn ném cho nó ổ bánh mì chan nước xốt, liền hét lên: “Cút Côi, Cút Côi bỏ ra…”.

Con chó ngẩng đầu lên, thấy “người bạn” cũ, nó vẫy đuôi, đổi ngay thái độ, bốn chân chùng xuống, ra vẻ ngoan hiền. Máu ra nhiều quá, có lẽ bắp chân bị đứt động mạch, nếu không cứu kịp thì… Ba Đẹt lẩm bẩm, một khắc quyết định, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc ra quấn chặt nơi bị thương tích nặng nhất trên người nạn nhân, rồi đập cửa căn hộ gần đó.

Một người đàn ông bước ra, nghe lời đề nghị, liền cùng Ba Đẹt xốc vị đại gia lên xe. Vốn tính cẩn thận, sau khi mở chiếc áo mưa trùm xung quanh, anh lái xe còn tháo chiếc gối nệm tựa lưng kê đầu cho người bị nạn đỡ bị dằn xóc. Chiếc ba gác lúc này quý giá hơn bất cứ phương tiện gì để làm công việc cấp cứu. Giữa lằn ranh sống chết, dù cao sang quyền quý, dù tiền muôn bạc vạn cũng không đổi được cái nhân, cái hậu của lòng người. Một thoáng nhìn gương mặt tái nhợt của ông tỷ phú, bất giác trên khóe mắt người làm vườn dạo ấy ứa ra một giọt lệ. Giọt lệ như muốn chia đôi, nửa đau cho mình, nửa thương cho người.

Chiếc xe nổ máy. Con chó chồm dậy, miệng ú ớ mấy tiếng như muốn nói: “Cho tôi theo với”. Người bạn cùng khổ ngoái cổ, hét lớn: “Cút Côi, mày ác lắm!... Về nhà đi… về đi…”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang