Những cây bút trẻ của lực lượng Công an nhân dân

Thứ Hai, 31/01/2022 18:22

|

(CAO) Trong thâm tâm, lâu nay tôi (và có lẽ cũng không ít người dân) vẫn nghĩ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) là những người luôn nghiêm khắc, là những người “khô như ngói”, những người rất “khó”. Vì thế, nhiều người dân khá e dè khi tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ công an.

Đã đành, trong lực lượng CAND, có nhiều văn nghệ sĩ thành danh, có những đóng góp đáng kể với nền văn học - nghệ thuật (VHNT) nước nhà. Ở lĩnh vực sân khấu - điện ảnh, có thể kể đến các nghệ sĩ gạo cội, như: NSƯT Ngọc Tản, NSƯT Trần Nhượng, NSƯT Hương Dung, NSƯT Thu Hạnh…

Ở lĩnh vực văn học - báo chí, có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như: Huỳnh Bá Thành, Hữu Ước, Hồng Thanh Quang, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Khổng Minh Dụ, Nguyễn Ngọc Mộc, Từ Kế Tường, Trần Tử Văn, Nguyễn Như Phong, Bùi Anh Tấn, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Hồng Lam, Chu Thanh Hương…

Nhưng tôi vẫn nghĩ họ là những văn nghệ sĩ chuyên nghiệp trong lực lượng công an, chứ chưa thật sự là cán bộ, chiến sĩ CAND đang công tác nghiệp vụ, trừ số rất ít mà tôi biết như nhà văn Khổng Minh Dụ, từng trưởng thành từ người lính, lên tới cấp bậc thiếu tướng, chức vụ Cục trưởng Cục An ninh văn hóa.

Thế rồi những năm gần đây, đọc tác phẩm của những tác giả trẻ trong lực lượng CAND, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ của mình. Thật ra, cán bộ, chiến sĩ CAND đều là những người sống rất tình cảm, gần gũi. Họ có đời sống tinh thần rất phong phú, tràn đầy sinh khí và đầy chất nhân văn. Do tính chất công việc, họ cần có sự nghiêm túc (có phần nghiêm khắc) và vì thế, nét mặt họ có vẻ gì đó hơi “hình sự”. Khi công việc đã xong, về với đời thường, họ cũng như mọi người Việt Nam khác, có đời sống tinh thần rất phong phú, có yêu thương, buồn, vui, giận hờn.

Trong những ngày cuối năm 2021, đầu năm 2022, tin vui đối với các chiến sĩ CAND vừa “cầm súng” vừa “cầm bút” là có bốn cán bộ, chiến sĩ CAND vinh dự tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức dự kiến sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Đây là bốn cán bộ, chiến sĩ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ từ các học viện, các nhà trường của ngành công an, đang trực tiếp công tác tại các đơn vị nghiệp vụ. Với họ, công tác nghiệp vụ vẫn là chính, sáng tác là sự thôi thúc của đam mê.

Cả 4 tác giả trẻ của lực lượng CAND đều là những người đang trực tiếp công tác và chiến đấu trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự và được đào tạo cơ bản về lý luận và nghiệp vụ công an, đều đã có những thành công trên lĩnh vực VHNT. Các anh là sự bổ sung quan trọng nguồn lực và là những người kế tục sự phát triển VHNT trong lực lượng CAND.

Đón năm mới 2022, hy vọng và chúc các anh tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên cả hai mặt trận: an ninh - trật tự và văn hóa - tư tưởng.

Nhà văn Phan Đức Lộc, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nhân dân, Hội viên Hội VHNT tỉnh Điện Biên; Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020; đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X: “Nghe lời bố chọn ngành công an là điều mình thấy đúng nhất”.

Phan Đức Lộc sinh năm 1995 tại Yên Thành, Nghệ An. Anh tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân tháng 9-2017, hiện đang là cán bộ công an thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên với cấp bậc trung úy. Phan Đức Lộc viết từ rất sớm. Tác phẩm của anh đăng tải trên các báo và tạp chí, như: Nhân dân hằng tháng, Nhà văn và Tác phẩm, Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội, Tiền phong, Tuổi trẻ... Khi đang học năm cuối của Học viện Cảnh sát Nhân dân, anh xuất bản tập truyện ngắn đầu tay.

Đến nay, Phan Đức Lộc đã có 3 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 1 truyện dài, 2 tập tản văn được xuất bản bởi những Nhà xuất bản danh tiếng. Trong 03 năm (2018 - 2021), Phan Đức Lộc đã giành được 15 giải thưởng VHNT của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 4 giải khuyến khích ở các thể loại truyện ngắn, tản văn, thơ, kịch bản văn học, văn xuôi. Với những thành công của mình, không quá để nói rằng Phan Đức Lộc là một tài năng quý đầy triển vọng của lực lượng CAND trong lĩnh vực VHNT.

Nhà văn trẻ Phan Đức Lộc tâm sự, năm 2013, 18 tuổi, đứng trước ngưỡng cửa quan trọng nhất của cuộc đời, tôi đã rất phân vân về việc nên chọn ngành nào giữa công an, báo chí, sư phạm và sáng tác văn học. Những ngày sắp sửa hết hạn nộp hồ sơ, được sự quan tâm tư vấn của gia đình, thầy cô và bạn bè, tôi mạnh dạn đăng ký thi Học viện Cảnh sát nhân dân. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng học ngành công an vẫn có thể theo đuổi giấc mơ báo chí, sáng tác văn học hay thậm chí cả sư phạm nữa.

Bây giờ nhìn lại hành trình tuổi trẻ, tôi thường nói đùa với bố: “Con không thể nhớ nổi từ nhỏ đến lớn, con đã sai bao nhiêu lần. Nhưng nghe lời bố chọn ngành công an là điều con thấy đúng nhất”. Ngành công an đã có những tác động tích cực đến con đường sáng tác của tôi. Qua quá trình học tập và làm việc, tôi đã rèn luyện, trau dồi, thu thập được các kiến thức căn bản về pháp luật, nghiệp vụ và đặc biệt là vốn sống từ những trải nghiệm thực tiễn. Đó chính là chất liệu, là nguồn cảm hứng để tôi viết nên một số tác phẩm về đề tài CAND như tiểu thuyết “Tuyết đỏ”, các truyện ngắn “Pảng Cò Moong”, “Vượt qua cơn lũ”, “Thung lũng Mưa”, “Mùa hoa chảy xuống”...

Nhà văn Võ Chí Nhất, tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân, cán bộ Công an huyện Củ Chi (TPHCM): “Người viết phải bắt đầu từ những điều gần gũi nhất, am hiểu nhất”.

Sinh ra và trưởng thành tại huyện Củ Chi (TPHCM), Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất chính thức bắt đầu văn nghiệp của mình vào năm 2013. Tiểu thuyết lịch sử đầu tay Hoàng Cung được anh cho ra mắt năm 2016 (NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM). Sau đó, anh chuyển sang chuyên viết về mảng đề tài cảnh sát và tội phạm theo đúng nghề nghiệp mà bản thân đang theo đuổi. Đều đặn 2 năm xuất bản một tập truyện: Khiếu ăn mày (NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, 2018) và Nghệ sĩ sáng tạo và Nhà phê bình (NXB Tổng hợp TPHCM, 2020). Năm 2022, Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất sẽ trình làng tập truyện trinh thám Muội tro. Đọc Võ Chí Nhất, sẽ thấy những câu chuyện trinh thám với những kết thúc rất bất ngờ và đầy tính nhân văn.

Nhà thơ Trần Lê Anh Tuấn, tốt nghiệp trường Đại học An ninh Nhân dân, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút Áo trắng - Nhà xuất bản Trẻ, năm 2018.

Nhà thơ trẻ Trần Lê Anh Tuấn sinh năm 1988 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Anh tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân và hiện đang công tác tại Công an tỉnh Phú Yên. Khi đang ngồi trên giảng đường đại học, Trần Lê Anh Tuấn đã có thơ, tạp bút đăng trên nhiều báo, tạp chí Trung ương và địa phương, như: Tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Thái Nguyên, Văn nghệ Cà Mau, Văn nghệ Phú Yên, Áo trắng, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh & Truyền hình Phú Yên, Báo Đà Nẵng, Báo Thanh Niên. Anh viết điềm đạm, cẩn trọng. Tuy bận bịu với công tác chuyên môn, Nhà thơ Trần Lê Anh Tuấn cũng sắp cho ra mắt tập thơ riêng của mình vào năm 2022.

Nhà thơ Trần Ngọc Mai, tốt nghiệp và công tác tại Trường Đại học An ninh Nhân dân.

Nhà thơ Trần Ngọc Mai sinh năm 1988 tại TPHCM. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học An ninh Nhân dân, anh được giữ lại công tác tại trường. Hiện anh là biên tập viên Tạp chí An ninh Nhân dân và chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ Hành chính công tại Học viên Hành chính Quốc gia.

Trần Ngọc Mai viết sớm và cũng sớm thành công với giải thưởng đầu đời là giải ba cuộc thi thơ Bút mới lần thứ 9 (2012) do tập san Áo Trắng tổ chức. Từ đó đến nay, nhà thơ Trần Ngọc Mai đã đạt 4 giải thưởng (2 giải nhì, 2 giải ba) trong các cuộc thi do các cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương tổ chức. Anh xuất bản tập thơ riêng “Sau lưng là biển” vào năm 2016. Năm 2022 anh sẽ xuất bản tập tiểu thuyết mới. Thơ Trần Ngọc Mai luôn trăn trở với vô vàn câu hỏi và tự trả lời cho những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang