Chỉ hơn 1 năm sau đó, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc được tổ chức (ngày 24-11-1946). Trong bài phát biểu khoảng 40 phút của mình, Hồ Chủ tịch bày tỏ: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi tin rằng văn hóa Việt Nam sẽ có được một tương lai rực rỡ”. Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa như ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến tương lai: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Giá trị luận điểm “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng một nền văn hóa dân tộc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học viên trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương (Ảnh tư liệu)
Kế tục và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ưu tư rằng, lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”.
Mượn lời tiền nhân: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Tổng bí thư mong muốn, sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định nhận thức của Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ đổi mới ngày càng được hoàn thiện và sâu sắc hơn. Văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, chính trị, kinh tế, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc.
Tuy vậy Tổng bí thư cũng bày tỏ lo lắng khi các quan điểm của Đảng về văn hóa triển khai chậm. Tình hình văn hóa văn nghệ hiện nay có phần sa sút trên nhiều mặt. Nguyên nhân do các cấp các ngành chưa có nhận thức sâu sắc về tầm vóc, vai trò của văn hóa. Văn hóa chưa thành nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.
Tổng bí thư lo âu khi chúng ta thiếu vắng những tác phẩm lớn, những nghệ sĩ lớn. Đời sống văn hóa thiên về giải trí, tính giáo dục bị xem nhẹ.
Tổng bí thư cảm thán: “Bây giờ có thấy tác phẩm lớn nào không? Bảo tàng thì cho thuê mặt bằng làm kinh tế mất cả giá trị bản sắc văn hóa đi...”; và đặt câu hỏi: “Mai kia ta có còn giữ được văn hóa không?”.
Thực trạng đó làm chúng ta nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ”. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lạc quan: “Tôi tin rằng văn hóa Việt Nam sẽ có được một tương lai rực rỡ”.
Vì thế trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để chấn hưng văn hóa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...
“Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc…, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Tổng bí thư nhấn mạnh trong bài phát biểu.
Thực hiện những nhiệm vụ đó là thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa, để văn hóa “soi đường đường cho quốc dân đi”, như minh triết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ hơn 75 năm trước…
Môi trường bị phá hủy chỉ mất vài chục năm để khắc phục, nhưng mất văn hóa là mất nhiều thế hệ mới khắc phục được, thậm chí là sụp đổ. Chúng ta nhất thiết phải đặt ra nhiệm vụ, tự thôi thúc mình phải kiên trì chấn hưng văn hóa một cách thiết thực. Cần kiên trì chấn hưng văn hóa và phải bắt đầu từ giáo dục. Phải thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục, phải cầu thị và rất kiên trì.
Khẳng định các nghị quyết của Đảng về văn hóa đã rất đầy đủ, “không thiếu bất cứ điều gì” để ưu tiên phát triển văn hóa, chiến lược phát triển văn hóa cũng đã có, vì vậy Phó thủ tướng cho rằng chỉ cần làm đủ những điều như Bác Hồ dạy thôi cũng đủ để chấn hưng, phát triển văn hóa.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - phát biểu bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021
Ngành văn hóa phải làm sao thực hiện chiến lược này, góp phần khơi dậy khát vọng trong toàn dân tộc về dựng xây đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, phải chống “giặc tụt hậu” bằng tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm xưa”.