Luật sư: 2.000 cá nhân và tổ chức xã hội xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ

Thứ Hai, 23/12/2019 14:37

|

(CAO) Sáng 23/12, tại phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, các bị cáo và luật sư đều thừa nhận tội danh truy tố bị cáo là có cơ sở, đúng người, đúng tội.

Đồng thời, các bị cáo và luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều nội dung nhằm cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử bổ sung thêm tình tiết này trong vụ án.

Giống như các bị cáo khác, bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) không có ý kiến về tội danh bị truy tố mà chỉ mong muốn Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo Vũ, Luật sư Trần Hoàng Anh nhấn mạnh, ngay khi có dư luận về việc giá mua bán AVG cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa khởi tố vụ án, chưa bị xác định là có sai phạm hay không, chưa có yêu cầu khắc phục gì… bị cáo Phạm Nhật Vũ đã cùng gia đình lo liệu tiền, chủ động xin hủy hợp đồng chuyển nhượng, trả lại toàn bộ số tiền mua bán cổ phần.

Thậm chí, để đảm bảo Nhà nước không bị thiệt hại, bị cáo Phạm Nhật Vũ còn tự nguyện trả thêm tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán với số tiền hơn 329 tỉ đồng.

Cùng bào chữa cho bị cáo Vũ, Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga trình bày, khi biết trong kho của MobiFone còn thiết bị, vật tư tồn kho (mà MobiFone đã đầu tư mua sắm sau khi nhận chuyển nhượng) với tổng số tiền khoảng 120 tỉ đồng, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã chủ động mua lại số thiết bị, vật tư này của MobiFone, đảm bảo không để xảy ra thiệt hại cho Nhà nước, nâng tổng số tiền bị cáo Vũ tự nguyện thanh toán thêm lên gần 450 tỉ đồng. Chi tiết này không có trong Kết luận điều tra cũng như trong cáo trạng. Vì vậy, Luật sư Hằng Nga đề nghị Hội đồng xét xử bổ sung thêm chi tiết này trong vụ án.

Nhằm cung cấp các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Vũ, các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều nội dung thể hiện bị cáo Vũ đã tích cực hợp tác, cung cấp đầy đủ giấy tờ tài liệu, khai báo thành khẩn tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử thuận lợi, sớm làm sáng tỏ nội dung vụ án. Về nhân thân, bị cáo Vũ là người có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Theo luật sư, bị cáo Vũ đã đóng góp hơn 1.300 tỉ đồng để thực hiện các hoạt động tài trợ cho nhiều dự án, chương trình an sinh xã hội từ y tế, giáo dục, hạ tầng điện đường trường trạm, trợ giúp khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói giảm nghèo…

Sau khi bị cáo Vũ bị bắt tạm giam, hơn 1.700 cá nhân và hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho bị cáo Vũ, trong đó có ngài Kirsan Ilyumzhinov (cựu Tổng thống đầu tiên của Nước cộng hòa Kalmykia thuộc Liên bang Nga); ngài Konstantin Vasilievich Vnukov (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam); Thượng tọa, Tiến sĩ Manor Kumar (Phó Trụ trì thánh tích Bồ đề đạo tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn độ)…

Trong phần trình bày của mình, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho MobiFone) đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng cho các bị cáo nguyên là những cán bộ lãnh đạo của MobiFone, đồng thời đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Nhật Vũ do đã có ý thức cầu thị, vì lợi ích chung, chủ động cùng với MobiFone thực hiện các bước khắc phục hậu quả của vụ án.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp), Luật sư Nguyễn Văn Thái nhận định, trong Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, bị cáo Phạm Đình Trọng chỉ là công chức hành chính, làm theo mệnh lệnh cấp trên. Lời khai của hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là bị cáo Nguyễn Bắc Son và bị cáo Trương Minh Tuấn đều xác nhận điều này.

Liên quan đến giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án, Luật sư Nguyễn Văn Thái cho rằng, hồ sơ vụ án đã thể hiện bị cáo Phạm Đình Trọng không biết gì về hiệu quả đầu tư của dự án, cũng như có đến 4 lần đề xuất trong các văn bản về việc quyết định giá mua, nhưng cũng 4 lần bị cáo Nguyễn Bắc Son gạch bỏ các nội dung này.

Luật sư Hoàng Văn Dũng (bào chữa cho bị cáo Phạm Đình Trọng) cho rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo Trọng đã phối hợp tích cực, chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án, giúp vụ án được điều tra nhanh chóng. Bị cáo Trọng đã tích cực ngăn chặn và khắc phục hậu quả của vụ án ngay từ đầu năm 2016, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về dự án. Tuy nhiên, thời điểm đó, tiền đã được MobiFone chuyển cho AVG.

Các luật sư đã đề xuất với Hội đồng xét xử cho bị cáo Phạm Đình Trọng được hưởng chính sách hình sự đặc biệt bởi bị cáo Trọng chỉ tham gia giúp sức, là công chức làm theo chỉ đạo của cấp trên, có vai trò mờ nhạt và những hành vi của bị cáo Trọng ảnh hưởng không đáng kể đến hậu quả của vụ án. Bị cáo Trọng không hưởng lợi gì từ dự án. Trên cơ sở đó, các luật sư đề xuất Hội đồng xét xử miễn hình phạt cho bị cáo Trọng.

Sau lời bào chữa của các luật sư, bị cáo Phạm Đình Trọng đã tự bào chữa bổ sung, trong đó tập trung phân tích về sự lúng túng trong áp dụng hai luật: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26/11/2014 (Luật số 69) và Luật Đầu tư ngày 26/11/2014 (Luật số 67) khi thực hiện dự án. Bị cáo Trọng cho biết, ngay cả tên gọi của dự án cũng đã thay đổi. Ban đầu, MobiFone có báo cáo về dự án mua lại dịch vụ truyền hình, sau lại chuyển thành Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.

Bị cáo Phạm Đình Trọng cho rằng, thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước lúng túng trong áp dụng hai luật này trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư, góp vốn ra ngoài doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có cách hiểu đúng, thống nhất để tránh mắc phải sai phạm tương tự.

Chiều 23/12, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát với các bị cáo, luật sư.

Những điểm nhấn trong phiên tòa xử vụ MobiFone mua AVG
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang