(CAO) Bốn đối tượng đã chung tiền mua máy móc, động cơ rồi xâm nhập Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đốn hạ 3 cây gỗ sa mu dầu khổng lồ. Trong lúc chúng chuẩn bị xẻ thành phản mang đi tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Ngày 27-10, tại xã Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An), TAND huyện Quế Phong đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với 4 bị cáo gồm: Lương Văn Tâm (SN 1975), Vi Văn Hoài (SN 1979), Vi Văn Bình (SN 1994, cùng trú tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ) và Cao Minh Quyết (SN 1986, trú xóm 3 Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) về tội khai thác trái phép rừng.
Theo cáo trạng, cuối tháng 4-2015, Tâm, Quyết, Bình và Hoài rủ nhau sang Lào làm nghề xẻ gỗ thuê. Tại đây, các đối tượng góp tiền mua một máy tời kéo gỗ và một máy dùng để nâng lật gỗ. Hết thời hạn làm thuê tại Lào, các đối tượng mang theo số máy móc này về Việt Nam.
Bốn bị cáo phá rừng tại phiên tòa
Sau đó, các đối tượng đã xâm nhập vào vùng lõi đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (thuộc địa phận xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) đốn hạ 3 cây sa mu khổng lồ rồi xẻ thành phản để chuẩn bị kéo sang Lào tiêu thụ.
Lúc 13 giờ ngày 3-7, tổ tuần tra liên ngành gồm: Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cùng Công an và xã đội Hạnh Dịch trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra tuyến biên giới Việt – Lào phát hiện sự việc liền tiến hành bắt giữ các đối tượng.
Tại hiện trường, tổ công tác thu giữ một máy cưa xăng hiệu Husavama 366 (có cả lam cưa dài 80cm và xích cưa), một động cơ hiệu Honda, một động cơ hiệu Yamaha (gồm cả móc và xích) dùng để nâng lật gỗ, một lam cưa hàn nối 3 mối dài 150cm, 4 giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào và một giấy xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Lào.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đã lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường. Qua khám nghiệm cho thấy, cây gỗ thứ nhất có đường kính gốc 2,7m, chiều cao 35m, cây thứ hai có đường kính 2,3m, cao 35m, cây thứ ba có đừa kính 1,8m, cao 32m. Trưng cầu giám định, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng kết luận 3 cây gỗ trên có tên là gỗ sa mu dầu, thuộc nhóm II, nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Căn cứ vào kết quả đo đạc, khám nghiệm cho thấy, 3 cây sa mu này có tổng khối lượng gỗ là 235,240m3.
Tại phiên tòa, xét thấy hành vi phá rừng của các đối tượng không những gây ảnh hưởng đến kinh tế mà còn phá hoại thiên nhiên, môi trường. Các đối tượng đã gây thiệt hại một khối lượng gỗ sa mu lớn và phá hoại hệ thực vật xung quanh những gốc cây đó, làm mất đi nguồn gen quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Đây là vụ án đồng phạm, có tổ chức nên cần phải xử lý nghiêm, cách ly các bị cáo một thời gian nhất định với xã hội.
HĐXX đã tuyên phạt Lương Văn Tâm 6 năm tù giam, Vi Văn Hoài 5 năm tù giam, Vi Văn Bình 4 năm tù giam và Cao Minh Quyết 4 năm tù giam. Ngoài ra, các bị cáo phải nộp phạt tổng số tiền là 35 triệu đồng.