Cà Mau: Bệnh viện nợ như… chúa chổm

Thứ Tư, 04/01/2017 16:27  | Đăng Khoa

|

(CAO) Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐKCM) nợ gần 100 tỷ đồng, mất cân đối thu chi gần 50 tỷ đồng.

Nhiều đối tác của bệnh viện nhiều lần đề nghị thanh toán số nợ chồng chất nhưng chỉ nhận được những lời hứa. Trong khi đó, quyền lợi người bệnh không được quan tâm.

ĐỐI TÁC… “CHẠY MẶT”

So với các bệnh viện khác, BVĐKCM là bệnh viện hạng 2 có 900 giường bệnh với gần cả ngàn nhân viên. Nơi đây tập trung lớn số lượng bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.

Thế nhưng, do quản lý lỏng lẻo về tài chính, nguyên tắc thu chi không rõ ràng đã khiến nơi đây là nỗi ám ảnh của các đối tác kinh doanh dược phẩm.

Một công ty dược cho biết, trong thời gian dài lãnh đạo công ty này nhiều lần nhắc nhở bệnh viện thanh toán số tiền nợ từ nhiều năm trước nhưng chỉ nhận được lời hứa. Từ công ty dược tận Khánh Hoà đến các công ty dược ở TP.HCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, BVĐKCM nợ từ vài triệu đồng đến vài tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9-2016, BV nợ gần 200 đối tác là các công ty dược, Trung tâm huyết học truyền máu số tiền gần 55 tỷ đồng.

Ngoài ra, BV đang oằn lưng gánh nhiều khoản nợ khác. Các cơ quan chức năng kiểm tra nợ tạm ứng trước tăng thu nhập, phúc lợi, khen thưởng cho cán bộ công nhân viên của BV từ năm 2011 đến ngày 30-9-2016 với số tiền lên đến gần 15 tỷ đồng. Nhiều khoản nợ hết sức bất thường nhưng kéo dài nhiều năm như: nợ tạm ứng đi học, nợ tạm ứng đi công tác, mua sắm, sửa chữa… Đặc biệt, BV nợ phải thu các nguồn như: khoản nợ thu hồi quyết toán do chi sai chế độ theo quy định, số tiền mất quỹ tiền mặt…

Bệnh viện đa khoa Cà Mau 

Điều nghịch lý là chứng từ xuất kho bảo hiểm y tế chưa thanh toán lên đến gần 70 tỷ đồng; trong đó, chứng từ xuất kho thuốc bảo hiểm y tế từ năm 2012 đến năm 2013 chưa thanh toán lên đến gần 30 tỷ đồng khó có khả năng thanh toán và thu hồi.

Kết luận của các cơ quan chức năng cho biết BVĐKCM đang gánh món nợ gần 100 tỷ đồng gồm: nợ phải trả các đối tác gần 55 tỷ đồng, nợ sửa chữa máy CT Scan 1,7 tỷ đồng, nợ các công ty bảo lãnh dự thầu thuốc, vật tư y tế gần 100 triệu đồng, nợ tạm ứng Bảo hiểm xã hội hơn 31 tỷ đồng…

Sau khi đối trừ các chứng từ thanh toán, BV mất cân đối gần 50 tỷ đồng.

BỆNH NHÂN BỊ MÓC TÚI

Bên cạnh việc nợ các đối tác, nợ bảo hiểm, BVĐKCM còn nợ cả bệnh nhân. Tính đến cuối tháng 9-2016, BV nợ bệnh nhân hơn 4 tỷ đồng; trong đó, nợ tiền bệnh nhân đã xuất viện chưa nhận lại gần 1,5 tỷ đồng còn lại nợ bệnh nhân đang nằm viện.

Trong thời gian dài, bệnh nhân điều trị tại đây liên tục phàn nàn về trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế tại BV được xem lớn nhất tỉnh Cà Mau. Mặc dù, BV được tỉnh ưu tiên trong việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh nhưng người bệnh lại bị làm phiền.

Khi bác sỹ yêu cầu chụp CT phục vụ việc chữa bệnh thì các bác sỹ lại ghi giấy giới thiệu sang Bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ Cà Mau. Máy CT Scan tại BV hoạt động quá công suất nên không tiếp tục hoạt động (?). Một số bệnh nhân cho rằng, chữa trị ở BVĐKCM nhưng lại phải chụp CT tại BV tư nhân có dấu hiệu lợi ích nhóm trong công tác khám và chữa bệnh.

Năm 2014, Sở Y tế tỉnh Cà Mau và Công ty cổ phần dịch vụ ký hợp đồng 200 giường bệnh BOT. Hai bên thoả thuận việc phân chia lợi nhuận với BVĐKCM từ nguồn thu dịch vụ giường bệnh y tế. Theo đó, phía công ty được hưởng 90%, BV được chia 10%. Số tiền thanh toán cho BV 3 tháng công ty chi trả 1 lần.

Bê bối tại bệnh viện đa khoa Cà Mau gây điều tiếng không tốt trong dư luận 

Thế nhưng đến nay, công ty chưa thanh toán cho bệnh viện một lần nào dù thu lãi hơn 4 tỷ đồng. Kiểm tra việc thu tiền bệnh nhân tại giường dịch vụ không hợp lý. UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt mức giá từ 250.000 -400.000 đồng/giường/ngày thì phía công ty căn cứ vào quy định trên mà thu tiền bệnh nhân, không tuân thủ theo quy tắc khi ký hợp đồng với Sở Y tế tỉnh Cà Mau.

Theo đó, bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế thì phía công ty chỉ thu tiền giường bệnh sau khi trừ lại tiền giường bệnh cho BVĐKCM; bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì công ty thu giường bệnh bằng số tiền sau khi đã trừ phần thanh toán của Bảo hiểm y tế.

Theo các cơ quan chức năng, từ ngày ký kết giường dịch vụ, công ty thu của bệnh nhân với số tiền tương đối lớn nhưng không chi trả cho BV để tạo nguồn thu chi trả nợ và thu vượt của bệnh nhân.

Đối với nguyên tắc tài chính trong việc đấu thầu vật tư y tế, hoá chất chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do đó, năm 2014 đến năm 2016, BV bị Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau từ chối thanh toán số tiền gần 6 tỷ đồng. Hiện tại, BV lâm vào cảnh nợ nần chồng chất hết sức nguy hiểm. BV có nguy cơ mất cân đối về tài chính, khó có khả năng chi trả công nợ cho các nhà cung cấp thì không đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hoá chất, vật tư phục vụ cho người bệnh và kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết: “Những tồn tại thiếu sót của BVĐKCM, thanh tra sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, vụ việc kéo dài gây dư luận không tốt có một phần trách nhiệm tập thể lãnh đạo bệnh viện không thực hiện hết chức trách và nhiệm vụ của mình.

Điển hình, bệnh nhân chụp CT được bác sỹ giới thiệu sang bệnh viện tư nhân không hợp lý. Nguyên nhân khách quan, máy CT tại bệnh viện hoạt động quá công suất. Lãnh đạo bệnh viện sao không đề xuất mua máy mới để phục vụ công tác khám chữa bệnh lại giới thiệu sang bệnh viện khác gây dư luận không tốt?

Sở sẽ tham mưu với tỉnh sắp xếp kiện toàn bộ máy nhân sự tại BVĐKCM để hoạt động được tốt hơn”.

Bình luận (2)

Bênh đã khổ mà Bv còn nợ tiền tạm ứng của bn. Chơi vậy là tồi quá

Lê Hoàng Khanh - Thứ Năm, 05/01/2017, 19:23 Trả lời | Thích

Quá nhiều uẩn khúc, càn làm rõ, xử lý vi phạm cá nhân, tập thể mới kiện toàn nhân sự được. Tránh tình trạng đưa đi rồi mới xử lý thì khó

fptviet - Thứ Năm, 05/01/2017, 08:22 Trả lời | Thích
Lên đầu trang