Vụ án “Cướp bánh mì”

Cần phải xem xét lại vụ án một cách toàn diện

Thứ Ba, 26/07/2016 21:18

|

(CAO) Đó là ý kiến chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trong buổi làm việc với lãnh đạo TAND TP.HCM ngày 25-7 vừa qua.

Đây là vụ án không lớn, cũng không thuộc loại án phức tạp nhưng dư luận rất quan tâm.

Trong lúc dư luận đang bức xúc về việc không khởi tố lãnh đạo Vinaconex gây thiệt hại 13,458 tỷ đồng không chỉ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về vật chất, mà còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác như: Các lần vỡ ống nước đã ngừng cung cấp nước sạch cho 177.000 hộ dân với thời gian dừng cấp nước là 343 giờ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội; làm mất lòng tin của người dân vào các cấp chính quyền…thuộc trường hợp có khung hình phạt từ 8 năm đến 20 năm tù lại thoát tội hoặc như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh gây thiệt hại hơn 3000 tỷ đồng vẫn được cất nhắc đề bạt, rồi luân chuyển công tác để rồi tiếp tục “thăng quan tiến chức", thì việc Tòa án quận Thủ Đức lại phạt tù giam hai bị cáo khi phạm tội là người chưa thành niên chỉ vì đói mà cướp giật chiếc bánh mỳ trị giá 45.000 đồng.

Việc Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình kịp thời chỉ đạo các cấp tòa án cần phải xem xét lại vụ án cướp giật bánh mì là một động thái rất đáng mừng; được dư luận hoan nghênh.

Tuy nhiên, khi xem xét lại vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng không nên chỉ chú ý đến việc áp dụng hình phạt đối với hai em Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân, mà còn phải xác định lại xem hành vi của hai em có cấu thành tội “cướp giật” hay không ?

Về lý luận, điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản, có thể nói đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc). Chính vì vậy nhà làm luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật trong cấu thành cũng là điều dễ hiểu.

Thông thường, hành vi giật tài sản một cách nhanh chóng đã tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người đang quản lý tài sản làm cho những người này không có khả năng giữ được tài sản. Ví dụ: A nhìn thấy chị B đeo chiếc đồng hồ loại đắt tiền đang điều khiển xe máy, nên A cho xe của mình vượt lên đồng thời bất ngờ giật chiếc đồng của chị B rồi phóng xe bỏ chạy; chị B chỉ còn biết kêu cướp! Hành vi của A thực hiện một cách nhanh chóng bất ngờ làm cho chị B không kịp trở tay.

Tuy nhiên, thực tiễn có những trường hợp người phạm tội không giật mà lấy tài sản một cách công khai trước mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi bỏ chạy làm chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản chỉ biết đứng nhìn và hô cướp cũng coi là cướp giật. Ví dụ: A thấy chị B đang bán giao hàng cho khách, A giả vờ vào xem, bất ngờ cầm tài sản rồi bỏ chạy.

Để thực hiện hành vi giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản không chú ý, bất ngờ giật lấy tài sản, lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đang bị vướng mắc hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông để giật tài sản…

Trong các thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng, có những thủ đoạn nếu không xem xét một cách toàn diện sẽ dễ bị nhầm lẫn với các tội phạm khác gần kề như tội cướp tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc cả tội trộm cắp tài sản.

Các thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng dễ nhầm lẫn với hành vi phạm tội khác, thường là:

- Dùng thủ đoạn chen lấn, xô đẩy người giữ tài sản để người này không chú ý đến tài sản nên mới giật được tài sản rồi tẩu thoát, nếu chỉ căn cứ vào một vài hành vi tác động đến thân thể sở hữu chủ thì có thể nhầm lẫn hành vi phạm tội cướp tài sản, thực chất trường hợp này người phạm tội chỉ dùng thủ đoạn để cướp giật mà không có ý định đương đầu với chủ sở hữu.

- Lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản vướng mắc, không có khả năng đuổi bắt hoặc giằng giật lại tài sản để chiếm đoạt tài sản như: lợi dụng người bán hàng đang bán hàng cho khách, người phạm tội đã lấy hàng trong sạp hàng rồi bỏ chạy, trường hợp phạm tội này dễ nhầm với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.

- Người phạm tội có thể dùng thủ đoạn có vẻ như đe dọa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như: làm giả cán bộ quản lý thị trường đến kiểm tra rồi bất thần giật tài sản hoặc tạo điều kiện cho đồng phạm khác giật tài sản rồi tẩu thoát, trường hợp phạm tội này dễ nhầm với hành vi cưỡng đoạt tài sản.

- Người phạm tội có thể dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận gần chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi giật tài sản của họ như: giả vờ đổi mật gấu lấy nhẫn, khi người có nhẫn tháo nhẫn để trong lòng bàn tay để người phạm tội xem, lợi dụng người có nhẫn không để ý, người phạm tội đã lấy nhẫn rồi bỏ chạy, trường hợp phạm tội này dễ nhầm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Người phạm tội cũng có thể dùng thủ đoạn lén lút để tiếp cận chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi bất ngờ giật tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, như: bí mật đột nhập từ phía sau chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đang ngồi nghỉ trên một chiếc ghế trong công viên, rồi bất ngờ giật chiếc giây chuyền của người này rồi bỏ chạy, trường hợp này dễ nhầm với hành vi trộm cắp tài sản.

Đặc điểm của tội cướp giật tài sản là người phạm tội hành động trong thế yếu, nếu không bỏ chạy thì sẽ bị bắt ngay.

Tuy nhiên, dấu hiệu chạy trốn không phải phải là dấu hiệu bắt buộc, vì có trường hợp người phạm tội sau khi giật được tài sản đã không chạy trốn mà có thể đứng tại chỗ hoặc bỏ đi một cách bình thường nhưng người bị hại không thể đuổi bắt hoặc giật lại tài sản. Ví dụ: trong đám đông, A đã giật chiếc đồng hồ của B, sau khi giật được đồng hồ, A liền đưa cho đồng bọn của mình là C giấu vào túi quần, B nhìn thấy A giật đồng hồ của mình, nhưng A lại chối ngay rằng B vu oan cho mình vì B không thấy A còn giữ đồng hồ. Do đó, chạy trốn chỉ là một đặc trưng của tội cướp giật tài sản chứ không phải là dấu hiệu bắt buộc, người phạm tội có chạy trốn hay không còn phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nếu như trong hoàn cảnh nhất định người phạm tội không cần chạy trốn mà vẫn không bị bắt.

Trở lại vụ án cướp giật bánh mì, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định:

Nếu Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân giả vờ mua bánh mì và tự tay lấy bánh mì, rồi lên xe chạy trốn thì mới phạm tội cướp giật tài sản.

Nếu Tuấn và Tân giả vờ mua bánh mì, người bị hại đã đưa bánh mì cho các bị cáo rồi sau đó các bị cáo lên xe chạy trốn thì lại không phải cướp giật tài sản mà là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn việc lên xe bỏ trốn chỉ là dấu hiệu “tẩu thoát” của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và như vậy hành vi của Tuấn và Tân chưa cấu thành tội phạm vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản giá trị tài sản phải từ 2.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, vụ án này các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định thật rõ hành vi của Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân xem có đúng là hành vi cướp giật tài sản không?

Nếu đúng là cướp giật thì cũng chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều 136 BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng lại được người bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự thì không nên áp dụng hình phạt đối với các bị cáo. Vì Theo BLHS 2015 thì trường hợp “người phạm tội ít nghiêm trọng và được người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.” Đây là quy định có lợi cho người phạm tội thì nên áp dụng đối với Tuấn và Tân.

Đừng vì các bị cáo đã bị tạm giam mà Tòa án “hợp thức hóa” bằng thời hạn tạm giam đối với các em.

Bình luận (2)

Nhân ngày thương ninh liệt sĩ, thay mặt cán bộ trong các cơ quan tố tụng và giới luật sư, xin kinh chúc Thầy Đinh Văn Quế giữ gìn sức khoẻ để có những bài viết hay có tính lý luận và hực tiễn giúp cho đời, cho người

Thanh Tùng - Thứ Tư, 27/07/2016, 04:22 Trả lời | Thích

Bài viết của bác Quế quá hay ! Bác còn bình luận các dấu hiệu đặc trưng của tọi cướp giật giúp cho những người tiến hánh tố tụng biết để nâng cao trình độ nghiệp vụ . Cảm ơn bác-một chuyên gia

Hoàng Trang - Thứ Tư, 27/07/2016, 04:14 Trả lời | Thích
Lên đầu trang