Cảnh giác cao độ với chiêu lừa đảo hợp tác đầu tư

Thứ Sáu, 03/06/2022 10:11

|

(CATP) Bằng chiêu dụ ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, giao dịch mua bán trao đổi bất động sản, "Nhà đầu tư rút tiền... ra ngân hàng nhận sau 24 giờ làm việc. Mua sản phẩm của công ty giảm giá từ 5-20%. Nhà đầu tư nhận hoàn gốc 100%...", ban đầu họ trả lãi nhanh chóng nhưng sau đó chiếm đoạt luôn tiền gốc. Bên cạnh đó, tình trạng giả nhân viên điện lực vẫn tung hoành trên mạng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã phải liên tục cảnh báo.

THỦ ĐOẠN TINH VI

Ngày 02-6-2022, anh P.C.T (ngụ TP.Thủ Đức) bức xúc cho biết, do có nhu cầu làm phần mềm nên khi nhận được lời mời thực hiện hợp đồng để viết phần mềm về quản lý kinh doanh. Khi đối tác yêu cầu anh phải ký hợp đồng trước và chuyển tiền rồi họ mới thực hiện. Bằng cái hợp đồng bên kia (mà anh T. hoàn toàn không biết là ai, ở đâu), nhưng tự xưng là một tập đoàn lớn, chuyên về phần mềm máy tính... Tin tưởng với bản hợp đồng "mẫu" mà công ty này đã ký kết với một khách hàng ở tận miền Trung, anh T. làm theo hướng dẫn chuyển một khoản tiền gọi là "đặt cọc".

Sau một tháng vẫn không thấy đối tác gửi phần mềm theo thỏa thuận hợp đồng đã ký (trên mạng), anh T. gọi điện thì người bên kia cho rằng phần mềm hơi rắc rối, cần thêm thời gian và tiền. Vì đã trót gửi tiền cọc, anh T. cắn răng chuyển một khoản nữa và dài cổ chờ cho đến khi bên kia chặn mọi liên lạc. Biết bị lừa, nhưng theo anh T., đây là "bài học xương máu" bởi tin người lạ, cũng như tìm kiếm trên mạng dễ gặp phải kẻ mạo danh lừa đảo.

Chị N.T.H.H (ngụ Q3) trấn tĩnh lại sau khi mất một khoản tiền tính ra là cả tháng lương đi làm đầu tắt mặt tối mới có được, bởi tin vào hợp đồng đầu tư. Vốn làm công nhân, trên Facebook mời chị làm nhà đầu tư sàn giao dịch bất động sản và phải đóng khoản tiền gọi là đầu tư giao dịch bất động sản. Tuy không nhiều tiền nhưng lo ngại bị lừa đảo, chị H. e dè và chỉ tham gia ban đầu là 10 triệu đồng. Với lãi suất cao ngất ngưởng, bằng số tiền hơn cả một ngày làm việc cật lực, bọn lừa đảo liên tục chuyển vào tài khoản cho H. đều đặn. Rồi chúng yêu cầu chị gửi thêm khoản tiền lớn hơn để đầu tư mới có lãi suất nhiều hơn. Vay mượn bạn bè, chị H. đầu tư thêm. Cho đến khi thấy không thể "moi" thêm được từ chị H., bọn lừa đảo khóa máy, cuối cùng nạn nhân ôm nợ vài chục triệu đồng sau khi đã trừ đi khoản lãi mà bọn lừa đảo dùng để "câu mồi".

Trấn tĩnh lại, chị H. đọc kỹ các điều khoản mới thấy hợp đồng của bọn lừa đảo "gài bẫy" hết sức tinh vi, như "không hình sự hóa", "vi phạm chính sách hoạt động và quy chế của Bên A", hay "làm ảnh hưởng hoạt động nội bộ, kinh doanh, đối tác của Bên A"... trong hàng loạt những trường hợp "gài bẫy" nhà đầu tư gọi là Bên B, thì hợp đồng hợp tác đầu tư bất động sản hiện nay của những kẻ lừa đảo khiến không ít người trúng "độc".

Tình trạng các loại hợp đồng mẫu (có dấu đỏ, ký kết sẵn) được làm giả khiến nhiều người nhìn vào cứ tưởng là thật. Tuy nhiên, để phân biệt có dấu hiệu lừa đảo mà theo một điều tra viên Công an TPHCM, đầu tiên nhà đầu tư cần tránh tình trạng mời chào mức lãi suất cao, lãi hàng ngày, lãi tuần... rồi "gặp nhau" trên mạng ảo. Các điều khoản ghi trong hợp đồng đa số đều ràng buộc người ký kết tham gia. Vì vậy mọi người cần sáng suốt và không nên tin vào những lời đường mật trên mạng, mời chào đầu tư có lãi suất cao... cũng như ký kết những điều khoản bất lợi cho nhà đầu tư.

GIẢ NHÂN VIÊN ĐIỆN LỰC "CHĂM SÓC" KHÁCH HÀNG

Thời gian gần đây Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) tiếp tục cảnh báo tình trạng kẻ gian giả danh ngành điện để gọi cho khách hàng vì mục đích xấu lại tái diễn tại TPHCM. Tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng liên tục nhận được cuộc gọi của khách hàng phản ánh việc nhiều số điện thoại lạ, giả danh nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhân viên EVNHCMC thông báo nợ tiền điện với giá trị lớn hoặc vi phạm sử dụng điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu cung cấp thông tin, đóng tiền... Có trường hợp khách hàng tiếp tục cuộc gọi thì kẻ giả danh yêu cầu bấm số để gặp công an, gặp lãnh đạo ngành điện... (cũng là giả mạo). Khi gọi ngược lại vào các số lạ này đều không liên lạc được.

Nhân viên chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực TPHCM

Bên cạnh đó, hiện trên mạng xã hội, một số trang web, kể cả tổng đài mạo danh đã xuất hiện các số điện thoại không đúng của ngành điện để tiếp nhận và trả lời các thông tin về ngành nhằm mục đích trục lợi phí cước điện thoại của khách hàng. Khi gọi đến các số điện thoại giả mạo này, khách hàng sẽ bị tính cước phí rất cao (từ 5.000 đến 8.000 đồng/phút) mà không được giải đáp thông tin hoặc giải quyết kịp thời các yêu cầu về điện.

Nhiều đầu số khi người dân, khách hàng gọi tới thì chỉ được giới thiệu tổng đài cung cấp thông tin tổng hợp kèm nhạc chờ, mặc dù không kết nối được điện thoại viên nhưng vẫn bị tính cước 5.000 đồng/phút. Một số đầu số khác, sau khi để người dân nghe nhạc chờ, gặp điện thoại viên thì được hướng dẫn liên hệ số tổng đài chính thống của ngành điện là 19001006. Khi người dân kiểm tra cước phí thì bị tính 16.000 đồng/phút. Thậm chí có trường hợp, đối tượng làm giả thông báo tạm ngưng cung cấp điện (do khách hàng chưa thanh toán tiền điện đúng hạn) của ngành điện, nhưng xóa thông tin, số điện thoại, chỉ số tiêu thụ điện... và ghi số điện thoại mạo danh để liên hệ nhằm mục đích lừa đảo.

Công an cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo bằng công nghệ tinh vi

Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc EVNHCMC, tất cả các cuộc gọi, làm giả số điện thoại, làm giả thông báo như trên đều là giả danh ngành điện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, vi phạm pháp luật. Thông thường, khi cần trao đổi với khách hàng, nhân viên các công ty điện lực khu vực (thuộc EVNHCMC) sẽ liên hệ trực tiếp với các khách hàng qua số điện thoại hoặc email khách hàng đã cung cấp cho ngành điện. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực đã phối hợp với nhà mạng Viettel và Mobifone đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi (Voice Brandname) với tên định danh hiển thị là EVNHCMC khi liên lạc với khách hàng. Đối với các khách hàng sử dụng thuê bao điện thoại của các nhà mạng khác sẽ hiển thị số điện thoại đại diện là số 02822201155.

EVNHCMC đề nghị khách hàng sử dụng điện tại TPHCM tải ứng dụng "EVNHCMC CSKH" trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) để thuận lợi cho việc giao dịch và trao đổi thông tin chính thức với ngành điện. Bên cạnh đó, khi có sự thay đổi về địa chỉ, số điện thoại liên hệ, quý khách hàng vui lòng truy cập trang web EVNHCMC CSKH hoặc App của Tổng Công ty Điện lực TPHCM để cập nhật, điều chỉnh, giúp việc liên lạc được chính xác, không bị gián đoạn. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực TPHCM, chỉ có 1 đầu số duy nhất là 1900545454, trang web chăm sóc khách hàng https://cskh.evnhcmc.vn/ và các kênh ứng dụng App/Zalo CSKH EVNHCMC của ngành điện Thành phố phục vụ, chăm sóc khách hàng sử dụng điện trên địa bàn TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang