(CATP) Sau 12 tháng đấu tranh, mới đây, Phòng điều tra Tổng hợp tại TPHCM, Cục An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án "tổ chức môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ, nhận hối hộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB và XH) tỉnh Bình Dương và một số tỉnh khác" đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 17 bị can.
Phá án từ địa chỉ ở bìa cuốn sổ tay
Qua công tác quản lý người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện một số đối tượng sử dụng pháp nhân chi nhánh Công ty TNHH thiết kế xây dựng trang trí nội thất Tuấn Lộc Phát (Công ty Tuấn Lộc Phát, địa chỉ tại tỉnh Bình Dương) để làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức, bảo lãnh cấp giấy phép lao động (GPLĐ) cho NNN ở lại Việt Nam trái phép.
Theo thẩm quyền, vụ án được chuyển đến Cục ANĐT Bộ Công an điều tra xử lý. Hồ sơ tiếp nhận điều tra vụ án ban đầu chỉ liên quan đến 1 doanh nghiệp "ma" - Chi nhánh Công ty Tuấn Lộc Phát bảo lãnh cấp GPLĐ cho 44 NNN ở lại Việt Nam. Trong đường dây này, các đối tượng liên quan sử dụng thông tin để liên lạc nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, điều tra viên phát hiện Nguyễn Văn Trường - giám đốc một công ty chuyên làm dịch vụ xin visa, thẻ tạm trú cho NNN có liên quan.
Quá trình làm việc với Trường, điều tra viên phát hiện chi tiết rất nhỏ là dòng địa chỉ ghi ở bìa cuốn sổ tay. Nhận định có thể địa chỉ nêu trên có liên quan địa điểm của đối tượng làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, do đó cán bộ điều tra tập trung đấu tranh với Trường. Sau thời gian đấu trí, đối tượng buộc phải cung cấp thông tin, số điện thoại, địa chỉ nơi làm giả tài liệu, con dấu liên quan vụ án.
Từ ngày 15/3/2022 đến 18/3/2022, lãnh đạo Cục ANĐT trực tiếp cùng lãnh đạo Phòng điều tra tổng hợp tại TPHCM và các điều tra viên thực hiện liên hoàn các hoạt động điều tra khám xét khẩn cấp, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Lâm, Vương Hoàng Phúc và Nguyễn Kiên Cường. Với kết quả đấu tranh khai thác và tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra không chỉ điều tra làm rõ hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, đưa hối lộ, nhận hối lộ của Thanh, Cường, chuyên viên thuộc Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương mà còn điều tra mở rộng, phát hiện nhiều đầu mối mới, ở nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều tỉnh, thành.
Hiện trường vụ khám xét
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra làm rõ 3 đường dây do Thanh, Trần Mai Hồng, Sẳm Nhịt Sau cầm đầu, làm giả tổng cộng 8.043 tài liệu của cơ quan, tổ chức để đưa vào 3.107 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN nộp tại Sở LĐTB và XH, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (BQL các KCN) Bình Dương và Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KTT) tỉnh Bình Phước. Đồng thời, khám phá các đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan việc cấp GPLĐ tại các cơ quan nêu trên.
Ban đầu, các đối tượng đều không khai về việc đưa hối lộ, nhận hối lộ để được tạo điều kiện cấp GPLĐ cho NNN. Quá trình đấu tranh, phát hiện thông tin về tài khoản ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ và nhận định đây là chứng cứ quan trọng, các điều tra viên tập trung xác minh. Đến 22 giờ ngày 18/3/2022, Thanh thừa nhận hành vi đưa hối lộ cho Cường bằng cách chuyển tiền vào tài khoản để tránh sự phát hiện.
Theo đó, Thanh - Hồng - Sau thỏa thuận đưa hối lộ tổng cộng hơn 10 tỷ đồng cho Cường, Hoàng Thanh, Đinh Thái Tuấn là chuyên viên, lãnh đạo cấp Phòng thuộc Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương, BQL các KCNB Bình Dương, BQL KTT tỉnh Bình Phước để được thẩm định, đề xuất GPLĐ cho NNN. Bên cạnh đó, các bị can là lãnh đạo cấp Sở, Ban Quản lý trong vụ án (Lê Minh Quốc Cường, Đặng Quang Việt, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thành Nhân) vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ, ký cấp tổng cộng 3.107 giấy phép lao động cho 2.866 NNN không đúng quy định pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại về quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, có 2.754 NNN sử dụng GPLĐ được cấp trái pháp luật để làm hồ sơ xin ở lại Việt Nam trái phép.
Đặng Quang Việt và Nguyễn Thành Nhân
"Phù phép" giấy tờ
Quá trình đấu tranh, Phòng Điều tra tổng hợp tại TPHCM xác định, từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021, Sẳm Nhịt Sau nhận hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN và một số giấy tờ khác từ Nguyễn Văn Trường (12 hồ sơ) và một số đầu mối trung gian, nhân viên bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương (406 hồ sơ) để làm 619 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN làm việc tại 113 doanh nghiệp (trong đó có 5 hồ sơ xin cấp GPLĐ do chi nhánh Công ty Tuấn Lộc Phát bảo lãnh), với giá từ 6 đến 8 triệu đồng/GPLĐ.
Sau đó, Sẳm Nhịt Sau thỏa thuận chi cho Nguyễn Kiên Cường từ 3 đến 6 triệu đồng/GPLĐ để được tạo điều kiện giải quyết cấp GPLĐ đối với các hồ sơ do Sau nộp tại Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương và được Cường đồng ý. Cơ quan điều tra xác định, Sau nhận hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN để làm 619 hồ sơ xin cấp GPLĐ với tổng số tiền khoảng 3,7 tỷ đồng và chi 879 triệu đồng để thuê Trần Mai Hồng, Quảng Thành Thao, Nguyễn Đức Thành cùng một số đối tượng khác làm giả 1.465 tài liệu. Sau khi đưa hối lộ, nộp tiền lệ phí cấp GPLĐ, Sẳm Nhịt Sau thu lợi bất chính 630 triệu đồng.
Quảng Thành Thao thỏa thuận và nhận ảnh chụp hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN do Sau gửi qua Zalo để làm giả 498 tài liệu, gồm phiếu lý lịch tư pháp nước ngoài và văn bản chứng minh là nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật có đóng dấu chứng thực chữ ký người dịch thuật của Phòng Tư pháp quận 10, Phòng Tư pháp quận Phú Nhuận; giấy khám sức khỏe có đóng dấu Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Thao không trực tiếp làm giả mà thuê "Khánh" và "Nam" làm giả 498 tài liệu trên. Đối tượng được Sau thanh toán chi phí làm giả tài liệu hơn 298 triệu đồng và thu lợi bất chính hơn 19 triệu đồng.
Trần Mai Hồng thỏa thuận và nhận ảnh chụp hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN do Sau gửi qua Zalo để làm giả 413 tài liệu, gồm phiếu lý lịch tư pháp nước ngoài/văn bản chứng minh là nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật có đóng dấu chứng thực chữ ký người dịch thuật của Phòng Tư pháp quận 5, Phòng Tư pháp quận 10, Phòng Tư pháp quận Phú Nhuận; giấy khám sức khỏe có đóng dấu Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y dược Sài Gòn... Hồng được Sau thanh toán chi phí làm giả tài liệu, tổng cộng 247 triệu đồng... Trừ chi phí, đối tượng thu lợi bất chính hơn 41 triệu đồng. Ngoài ra, Hồng còn có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ liên quan đến 626 hồ sơ xin cấp GPLĐ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, thu lợi hơn 300 triệu đồng.