Phú Yên:

Gây thiệt hại hơn 9,2 tỷ đồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện lãnh án 12 năm tù

Thứ Năm, 15/09/2016 06:02

|

(CAO) Chiều 14-9, sau 9 ngày xét xử, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Tài (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa) cùng 14 thuộc cấp và một bị cáo là người dân về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, gây thiệt hại hơn 9,2 tỷ đồng.

16 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Tài (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa), Huỳnh Ngọc Sương (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa), Nguyễn Kỳ Tổng (nguyên Trưởng Phòng TN-MT huyện), Dương Văn Nhân (nguyên Phó Phòng TN-MT huyện), Nguyễn Trình Văn, Nguyễn Dương Tiến Hùng, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, Nguyễn Văn Sơn (nguyên cán bộ Phòng TN-MT huyện), Huỳnh Công Dự (nguyên cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện), Nguyễn Kích (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện), Huỳnh Ngọc Thắng (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện), Bùi Xuân Quang, Trần Trọng Duy (nguyên nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện), Võ Tấn Vinh (nguyên cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện), Lê Văn Hoàng (nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm) và Nguyễn Hữu Phí (ngụ tại TP Tuy Hòa - là người hưởng lợi trong việc đền bù giải phóng mặt bằng ở xã Hòa Tâm).

 Gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng

Tại phiên tòa xét xử lần 2 (lần 1 hoãn vào 15-8) bắt đầu từ ngày 6-9, trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, HĐXX cho biết 80 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập, tuy nhiên chỉ có 46 người có mặt. Để đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng, ông Võ Nguyên Tùng - Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, Chủ tọa phiên tòa vẫn tiến hành xét xử và yêu cầu áp dụng lệnh dẫn giải đối với những người vắng mặt trong quá trình xét xử.

Đại diện VKSND tỉnh Phú Yên giữ quyền công tố tại phiên tòa công bố cáo trạng dài 17 trang, trong đó truy tố 16 bị cáo cùng tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 165, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Các bị cáo tại phiên xét xử. Bị cáo Tài (vị trí thứ nhất, từ trái sang)

Theo cáo trạng, đầu tháng 9-2012, UBND tỉnh Phú Yên giao cho UBND huyện Đông Hòa xác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.

Sau khi đền bù, hỗ trợ xong đợt 1 cho 10 trường hợp số tiền hơn 4,2 tỉ đồng, ngày 2-12-2013, ông Tài chủ trì cuộc họp với các phòng, ban chức năng của huyện để nghe báo cáo về việc chi trả tiền đợt 1, cũng như Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đang thẩm định đợt 2 gồm 72 trường hợp bị thu hồi đất.

Sau khi Văn phòng UBND huyện trình lên cho ông Nguyễn Tài duyệt dự thảo thông báo để ký phát hành thì ông này lại thay đổi một số chi tiết, sau đó ông Tài có bút phê chỉnh sửa phát hành và Chánh Văn phòng UBND huyện Trịnh Văn Chánh ký gửi các phòng, trung tâm của huyện thực hiện. Vì vậy, trong quá trình triển khai, các thành viên trong các tổ đều biết Thông báo 504 chỉ đạo sai nhưng vẫn thực hiện.

Từ đầu tháng 7-2013 đến tháng 4-2014, trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, các bị cáo nêu trên cùng bị cáo Nguyễn Hữu Phí đã bồi thường về đất không đủ mật độ, đất lấn chiếm, nhà cất trái phép, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh, không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu tại địa phương…

Ngoài ra, các bị cáo nêu trên đã thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trong việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 3 trường hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương đối với 9 trường hợp; hợp thức hóa hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức cho 1 trường hợp và đứng tên 4 người khác để nhận tiền cao hơn so với quy định của pháp luật…, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng.

Trong đó, Nguyễn Kích (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện) nhận hỗ trợ 304 triệu đồng, Nguyễn Hưng Thái (Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện) 780 triệu đồng, Nguyễn Thành Nhân (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa) 870 triệu đồng, Lương Tấn Thuận (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Tây Hòa) 780 triệu đồng…

Cáo trạng cũng đề nghị xử lý hành chính đối với 8 người khác liên quan đến sai phạm ở dự án Đền bù, giải phóng mặt bằng ở xã Hòa Tâm như Nguyễn Văn Tiên, Phó Phòng TN-MT, Phó Ban Giải phóng mặt bằng; Lương Văn Chí, cán bộ địa chính xã Hòa Tâm…

Được biết đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 1,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, những người liên quan và các bị can đã nộp khắc phục với số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử, Nguyễn Tài, Huỳnh Ngọc Sương, Nguyễn Kích cho rằng mình bị oan.

Nguyên Chủ tịch huyện đổ tội cho cấp dưới

Trong ngày xét hỏi đầu tiên, HĐXX tập trung làm xét hỏi trong đó, riêng trường hợp Nguyễn Hữu Phí đã gây thiệt hại đối với Nhà nước hơn 3,7 tỉ đồng. Bị cáo Phí khai nhận do có 11 thửa đất với tổng diện tích hơn 7ha nuôi thủy sản vượt hạn mức quy định, không được bồi thường. Tuy nhiên, các cán bộ huyện Đông Hòa và xã Hòa Tâm giúp Phí hợp thức hóa bằng cách đưa tên 4 người khác vào đứng tên số diện tích trên để được nhận tiền cao hơn so với quy định của pháp luật…

Trong khi các bị cáo Trần Trọng Duy, Bùi Xuân Quang (nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa) cho rằng giám đốc, phó giám đốc trung tâm chỉ đạo, ép buộc các bị cáo này phải lập bản thống kê, áp giá sai quy định.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sương chối tội: “Tất cả các việc đều do các phòng, ban tham mưu. Tôi ký nhưng thiếu kiểm tra, giám sát chứ không cố ý làm trái”. Sương khai nhận, biết rõ việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo Quyết định 806 của UBND huyện này khi chưa thẩm định, lấy ý kiến người dân là sai mà phải thực hiện theo Quyết định 945 nhưng ông Tài nói cứ làm đi. Bị cáo Sương biết sai nhưng không dám tố cáo, nếu tố cáo thì mất chức phó chủ tịch liền nên giờ phải chịu ra tòa thế này.

Bị cáo Tài cho rằng mình không chỉ đạo thực hiện việc đền bù, hỗ trợ theo Quyết định 806 mà chỉ chỉ đạo hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ theo Quyết định 806. “Tôi chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ theo Quyết định 806 nhưng anh em không thực hiện đúng chỉ đạo của bị cáo”, bị cáo một mực khẳng định.

Chiếm đoạt tiền lương của 31 công nhân, lãnh án 5 năm tù

Tuy nhiên, khi đại diện VKSND hỏi khi thực hiện việc đền bù theo Quyết định 806 thì đã đầy đủ thủ tục 12 bước theo quy trình chưa thì ông Tài lại cho rằng: “Khi các cơ quan chức năng trình và tôi kiểm tra thì đầy đủ nhưng không hiểu sao tại tòa, các bị cáo lại bảo chưa đầy đủ”.

Bị cáo đã có khiếu nại về kết luận điều tra nhưng chưa được trả lời. Tuy nhiên, khi đại diện viện kiểm sát hỏi về số tiền 500 triệu đồng mà bị cáo bồi thường cho vụ việc này, ông Tài lý giải “vì thấy thiệt hại nên cùng góp để bồi thường(!?)”.

Tại tòa, bị cáo Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm khai rõ về trường hợp ông Nguyễn Hữu Phí được bồi thường sai với số tiền trên 3,7 tỉ đồng là sai quy định nhưng ông Tài đã chỉ đạo trực tiếp bị cáo và bị cáo Tài đẩy bị cáo vào thế khó xử và ông Tài nói: “Cứ hợp thức hóa cho ông Phí nếu không thì bị cách chức”. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Tài phủ nhận.

Ngoài ra, tại tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra nhiều tình tiết, chứng cứ của vụ án để bảo vệ thân chủ của mình. Đáng chú ý, tại phiên tòa, bị cáo Tài, Sương một mực kêu oan và khẳng định bản thân không phạm tội. Theo tòa, bằng chứng ngoại phạm do các luật sự cũng như các bị cáo đưa ra là không có căn cứ, bằng những chứng cứ đầy đã đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội nên kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên án bị cáo chủ mưu Nguyễn Tài, 12 năm tù; Nguyễn Kích, 10 năm tù và Huỳnh Ngọc Thắng, 4 năm tù; còn 13 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1-3 năm tù nhưng hưởng án treo, trong đó bị cáo Huỳnh Ngọc Sương 3 năm tù treo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang