Hai bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân cùng can thiệp, gây áp lực

Thứ Tư, 08/01/2025 14:52

|

(CAO) Mỗi khi được doanh nghiệp nhờ, ông Lưu Bình Nhưỡng lại giới thiệu sang gặp ông Lê Thanh Vân để cùng can thiệp, gây áp lực.

Ngày 8/1, tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và đồng phạm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thái Bình tiến hành làm rõ các nội dung liên quan đến dự án 36 ha ở TP Hạ Long, Quảng Ninh.

HĐXX đã tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Vương (trú tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024).

Theo cáo trạng, năm 2011, Công ty Hạ Long (trụ sở tại phường Hồng Gai, TP Hạ Long) do ông Nguyễn Công Hoan làm giám đốc, làm thủ tục trình UBND tỉnh Quảng Ninh xin đầu tư dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (dự án 36 ha).

Ngày 13/12/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số 33917/QĐ- UBND phê duyệt dự án 36 ha, đồng ý cho Công ty Hạ Long làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án là 374,273 tỷ đồng.

Sau khi dự án được phê duyệt, từ năm 2011 - 2016, Công ty Hạ Long chỉ thực hiện được một phần dự án. Do dự án chậm tiến độ nên ngày 16/2/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư đối với dự án này.

Các bị cáo tại toà 

Tuy nhiên, khi trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Vương quanh co chối tội và cho rằng một số điểm trong cáo trạng không đúng.

HĐXX nêu nội dung, ông Nguyễn Công Hoan (Giám đốc Công ty Hạ Long) qua giới thiệu của người quen đã gặp bị cáo Vương nhờ hỗ trợ để được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha.

Ông Vương đồng ý giúp và có ý định mua lại dự án này nhưng không được phía Công ty Hạ Long đồng ý. Tiếp đó, ông Vương ra điều kiện sau khi xin được tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ bỏ thêm tiền túi ra để làm và hưởng 40% cổ phần.

"Tôi có ý định từ từ tiếp cận, đặt một chân vào dự án rồi sau đó mua hết nếu tác động thành công", ông Vương khai trước tòa.

Ngoài ra, bị cáo Vương yêu cầu Công ty Hạ Long lo 7 tỷ đồng và đưa trước 4 tỷ để bị cáo đi lại, quan hệ tác động. Số tiền này được ông Hoan chuyển cho ông Vương theo dạng viết giấy ghi nợ.

Nhận tiền xong, bị cáo Vương hướng dẫn phía Công ty Hạ Long làm đơn kiến nghị, đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh và gửi ông Lưu Bình Nhưỡng.

Sau khi nhận đơn, bị cáo Vương đã đến gặp ông Nhưỡng nhờ can thiệp để UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án.

Khi bị cáo Nhưỡng chuyển đơn của Công ty Hạ Long đến UBND tỉnh Quảng Ninh thì Vương yêu cầu Công ty Hạ Long phải trích 10% đất dự án 36 ha cho mình. Ông Hoan nhất trí phương án này.

Quá trình nhờ can thiệp, bị cáo Vương nói sẽ cho bị cáo Nhưỡng 1 lô đất diện tích 491,05 m2 ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội và 1.000m2 ở dự án 36 ha tại TP Hạ Long. Ông Nhưỡng đã chuyển cho ông Vương căn cước công dân con gái để làm thủ tục đứng tên lô đất tại xã Vân Nội.

Thực hiện theo thỏa thuận, ngày 18/7/2019 và ngày 11/9/2019, bị cáo Nhưỡng lấy tư cách là Đại biểu Quốc hội, ký 2 văn bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha.

Tiếp nhận đơn và kiến nghị của bị cáo Nhưỡng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có 2 văn bản trả lời không đồng ý cho Công ty Hạ Long tiếp tục đầu tư dự án.

Thấy việc can thiệp chưa đạt kết quả, ông Nhưỡng đã giới thiệu ông Vương gặp ông Lê Thanh Vân (thời điểm đó là Đại biểu Quốc hội khóa 14) nhờ can thiệp.

Từ ngày 10/6/2020 đến ngày 08/12/2020, ông Lê Thanh Vân lấy tư cách là Đại biểu Quốc hội, ký 4 văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long tiếp tục thực hiện dự án 36 ha.

Quá trình nhờ can thiệp, ông Vương hứa cho ông Vân 1 lô đất 406,60 m2 ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội và 1.000 m2 ở dự án 36 ha. Ông Lê Thanh Vân đã chuyển căn cước công dân của con trai để làm thủ tục đứng tên lô đất tại xã Vân Nội.

Tại phiên tòa, khi được hỏi vì sao lại nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng mà không nhờ người khác, bị cáo Vương nói vì là chỗ thân tình với ông Nhưỡng và biết ông này thời điểm đó đang là Đại biểu Quốc hội.

"Tôi đến gặp trực tiếp ông Nhưỡng và trình bày rằng đây là dự án của em, em mua lại rồi (dự án 36 ha). Dự án đã có mặt bằng sạch rồi, nhưng do giám đốc bị ốm nên triển khai có phần chậm trễ. Sau đó bị UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi" - bị cáo Nguyễn Văn Vương khai.

Bị cáo Nguyễn Văn Vương

Về việc hứa cho ông Nhưỡng, ông Vân đất đai trong khi chưa phải chủ sở hữu dự án, bị cáo Vương trả lời: "Tôi hứa cho đất là cho lô đất ngoại giao chứ không phải cho hẳn, nghĩa là bị cáo Nhưỡng và Vân vẫn phải trả tiền thuế đất nhưng giá mua rẻ hơn. Tôi quý hai ông nên muốn rủ về ở cùng cho vui".

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Vương thừa nhận những lô đất hứa cho các ông Nhưỡng, Vân là sai pháp luật vì đất này chưa được cơ quan, chính quyền công nhận ông Vương là chủ sở hữu.

Hành vi của bị cáo Vương khi tác động tới bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân nhằm mục đích hưởng lợi hơn 13.000m2 đất (trị giá hơn 26 tỷ đồng).

Trước khi phạm tội trong vụ án này, bị cáo Vương bị tuyên án 7 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do bị cáo Vương đang kháng cáo nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Cũng trong phần xét hỏi tại phiên toà, nói về mối quan hệ với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, bị cáo Lê Thanh Vân, cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khai, cả hai là đồng môn tại Trường Đại học Luật, sau này cùng là Đại biểu Quốc hội nên thân thiết nhau.

Với hai doanh nghiệp ở Quảng Ninh (liên quan đến vụ án này), bị cáo Vân khai chỉ gặp họ khi tình cờ sang uống nước chè ở phòng làm việc của bị cáo Nhưỡng. Khi được bị cáo Nhưỡng nói doanh nghiệp có vướng mắc với dự án ở Quảng Ninh nên nhờ bị cáo nói thêm với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, bị cáo Vân đã gọi điện ngay cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Chủ tọa phiên tòa cho biết, cuộc điện thoại bật loa ngoài của bị cáo Vân đã được bị cáo Nhưỡng ghi âm toàn bộ và cơ quan chức năng trích xuất từ điện thoại bị cáo Nhưỡng trong quá trình điều tra.

Sau này, khi dự án đã được duyệt, bị cáo Vân cũng gặp lại một trong hai lãnh đạo doanh nghiệp tại phòng bị cáo Nhưỡng.

“Sau khi bị cáo đi bộ về phòng làm việc của mình thì một trong hai doanh nghiệp đi theo dúi phong bì vào túi bị cáo. Bị cáo cầm cho doanh nghiệp vui chứ không đòi hỏi gì từ họ”-cựu Đại biểu Quốc hội nói.

Còn bị cáo Nhưỡng cho biết, khi được doanh nghiệp nhờ thì lại giới thiệu sang gặp bị cáo Lê Thanh Vân để cùng can thiệp, gây áp lực.

Bị cáo Lê Thanh Vân tại toà

Trong vụ án này, VKS xác định, trong các tháng 6, 7, 8 và 12/2020, bị cáo Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (ở Đông Anh, Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng ở dự án này.

Ngoài ra, tháng 7/2023, bị cáo Vân đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác Dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang