Vào lúc 9h15 sáng nay 11-8, tại trung tâm văn hoá huyện ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (SN 1935, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) do Bộ Công an tổ chức vì án oan 40 năm ông phải mang.
Gần 9 giờ, ông Trần Văn Thêm được người nhà và luật sư đưa đến trung tâm văn hoá huyện dự buổi xin lỗi công khai.
Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ tưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã công bố quyết định đình chỉ bị can đối với ông Trần Văn Thêm. “Đây là 1 văn bản pháp lý của 1 cơ quan có thẩm quyền tố tụng xác định ông Trần Văn Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn”- Thiếu tướng Vũ Quang Hưng nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Tối cao đọc lời công khai xin lỗi trong đó nhấn mạnh: "Việc khởi tố, xét xử không đúng đã gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là 1 bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án".
Đáp lại, ông Thêm cho biết rất vui mừng vì cuối cùng đã được rửa sạch nỗi oan sau 40 năm và mong muốn bà con chòm xóm thông cảm nỗi oan ức mà ông phải chịu đựng suốt thời gian qua.
Ông Thêm trong buổi lễ xin lỗi sáng 11-8 - Ảnh: báo Người lao động
Cả nhà mang tiếng oan
Gặp chúng tôi vào buổi chiều tà ở vùng quê thanh bình thuộc thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh – nước mắt của người mang thân phận tử tù – ông Trần Văn Thêm cứ rỉ rả từ hai hốc mắt sâu ra gò má.
Ông Thêm bảo, hơn 43 năm qua, không khi nào ông được ngủ ngon giấc, thôi trăn trở, suy nghĩ về bản thân, về người em đã chết.
Từ ngày ông Nguyễn Khắc Văn (em con cô con cậu với ông Thêm) bị đánh chết trong đêm ngủ cùng ông cách đây 46 năm trước thì những dị nghị, lời lẽ cay nghiệt của anh em máu mủ thân thiết với gia đình ông, người dân địa phương liên tục chĩa vào ông với “tội danh” giết em trai.
Lau vội nước mắt, ông Thêm kể: “46 năm trước, tôi và người em họ cùng quê là ông Nguyễn Khắc Văn thường đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen.
Đêm 23-7-1970, hai anh em xin ngủ nhờ nhà ông An Thổi (người trước đây ông Thêm và ông Văn thường xuyên ngủ nhờ) thì không hiểu vì sao hôm ấy lại không được chấp nhận. Ông ấy nói anh em tôi ra gốc đa cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ) mà ngủ.
Ông Trần Văn Thêm hơn 40 năm tủi khổ vì mang phận “giết người”.- Ảnh: Đoàn Tuấn
Đang đêm, tôi không ngủ được choàng dậy hút điếu thuốc thì bị một người lạ mặt tấn công. Tôi bị đánh một nhát vào đầu, máu túa ra. Tôi gọi chú Văn thức dậy thì chú ấy bị tên trộm đánh vào đầu, tên cướp sau đó lao xuống sông biến mất. Cả 2 anh em được người dân đưa đi trạm xá, nhưng chú Văn sau đó đã tử vong. Cũng từ đấy, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái khổ cực, bị tù tội và tai tiếng đã giết em mình”.
Dù bị cướp đánh gây vết thương nặng trên đầu nhưng ông Thêm vẫn bị cáo buộc giết em họ để cướp của. Năm 1973, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Phú xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về tội giết người. Một năm sau, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án sơ thẩm.
Cuối năm 1975, ông Thêm được giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường. Khi ra đến hiện trường, ông mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông bị thương.
Sau đó, ông Thêm được đưa về trại giam của Bộ Công an ở Hà Nội. Hai ngày sau, ông được một cán bộ giải thích là do có vết thương ở đầu nên ông được cấp giấy miễn lao động nặng và được đưa ra bến xe Gia Lâm để bắt xe khách về nhà đúng vào chiều ngày 27 Tết năm 1975.
Đầu năm 1976, ông Thêm được ra tù khi hung thủ thực sự của vụ án bị bắt trong một vụ việc khác. Ủy ban Thẩm phán Tòa án Tối cao khi ấy đã quyết định hủy toàn bộ hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao Cơ quan điều tra tỉnh Vĩnh Phú điều tra xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Vết thẹo trên đầu ông Thêm sau vụ án - Ảnh: Đoàn Tuấn
“Nếu tôi thực sự có tội, thực sự giết người thì làm sao cơ quan pháp luật có thể cho tôi về khi đang ngồi tù? Suốt 43 năm, tôi phải sống trong nỗi oan khổ nhục, phải chịu tiếng xấu với hai bên nội ngoại và bà con làng xã. Suốt đời tôi mang tiếng là tên tử tù giết em họ để cướp của”, ông Thêm nghẹn ngào. Dù được trở về nhà, nhưng bà con lối xóm và cả anh em họ hàng vẫn xem ông là “kẻ giết người”. Gia đình bị hại từ mặt ông từ đó đến nay vì cho rằng “ gia đình ông dùng tiền mua chuộc cán bộ để được ra tù sớm”.
Những dị nghị, lời lẽ cay nghiệt không chỉ dành cho ông Thêm, mà ngay cả thế hệ con, cháu trong gia đình ông cũng chịu chung “bản án” khi bị gán là “con cháu của kẻ giết người”.
Anh Trần Văn Được (SN 1974, cháu nội ông Thêm) giọng buồn bã: “Ngày nào ông tôi chưa được giải oan là ngày đó chúng tôi phải chịu những nỗi buồn, sự ghẻ lạnh, dị nghị của người đời, nhất là những lời nói của gia đình bị hại.
Từ chỗ là anh em thân thiết với nhau, gia đình bị hại đã từ mặt gia đình tôi. Thậm chí, khi gặp nhau trong các đám cưới hỏi, ma chay; lúc giáp mặt, hỏi thăm, chúng tôi lại bị họ mắng nhiếc, chửi rủa và từ chối nói chuyện vì cho rằng chúng tôi là con cháu của người đã giết cha ông họ”.
Mong muốn cuối đời
Bà Trần Thị Xuân (SN 1957, con gái ông Thêm) cho biết, khi ấy bà mới 14 tuổi thì biết tin bố bị bắt và kết án tội “giết người”, cả gia đình bà như rụng rời chân tay. “Bố tôi ngồi tù, mẹ tôi một mình nuôi 5 người con, đứa lớn nhất là tôi mới 14 tuổi, còn lại là các em nhỏ, khổ cực trăm bề”.
Nhưng khổ nhất là bị dân làng và gia đình bị hại nghĩ bố tôi giết người cướp của. Sau này, khi gia đình bị hại có sự việc gì, họ đều chửi bới, nhiếc mắng gia đình tôi. Gia đình tôi chỉ biết im lặng, cũng không trách được họ vì đến bây giờ dù bố tôi được thả nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra minh oan cho ông để 2 gia đình được hàn gắn”, bà Xuân nói.
Bà Trần Thị Xuân kể lại nỗi vất vả khi bố ngồi tù - Ảnh: Đoàn Tuấn
Ngồi trước bàn thờ tổ tiên cùng con cháu, ông Thêm có một mong muốn lớn nhất là được cơ quan pháp luật chứng minh và công bố mình bị oan sai để được xóa sạch mọi định kiến, nghi hoặc đối với ông và cả gia đình ông.
“Tôi đã lớn tuổi, ốm đau liên miên chả biết sống chết thế nào. Tôi chỉ mong sao pháp luật sớm làm rõ và công bố minh oan cho tôi để tôi và con cháu được thanh thản, để hai gia đình đi lại với nhau, đoàn tụ với nhau như trước đây”, ông Thêm nói đầy tâm trạng.