Tà đạo ‘Long hoa hội’ của Bảy Te vẫn làm mưa làm gió:

Kỳ 1: ‘Giáo chủ’ hành xác mẹ 8 ngày mới an táng

Thứ Năm, 11/02/2016 11:32  | Văn Cương

|

(CATP) Nguyễn Văn Te có nhiều tên khác như Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Hoàng Minh, Bảy Te, Út Te, “thầy” Te, sinh ngày 29-12-1956, ngụ P.An Phú Đông, Q12, TP.HCM.

Xuất thân từ một lái buôn, Bảy Te bỗng dưng nhảy dựng rồi tự xưng “giáo chủ”, là “đấng bề trên” hạ phàm trần để thống lĩnh “tam giáo”, cứu nhân độ thế (!). Te tự viết ra “giáo lý” dưới dạng "kinh thơ, sấm trạng” tán phát khắp nơi, thực chất chỉ là những bài thơ “con cóc” nặng mùi mê tín, hết sức nhảm nhí, dung tục, xằng bậy; thậm chí còn bày bác, xúc phạm đến các tôn giáo khác.

Đến nay, tà đạo của Bảy Te đã vươn vòi bạch tuộc ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, dẫn dụ, lôi kéo hàng nghìn người nhẹ dạ cả tin và đang mở rộng ra nước ngoài. Mưu đồ làm “giáo chủ” đã bị bẻ gãy khi Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM vừa mới ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Long Hoa do Bảy Te sáng lập theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Khi khoác lên mình chiếc áo “thi sĩ”, Bảy Te lấy tên là Hải Hồ, Nguyễn Hồng. Trong sơ yếu lý lịch, Bảy Te khai lập gia đình năm 1976, có ba con gồm một gái và hai trai. Khởi nghiệp bằng nghề buôn bán gỗ, sau đó phất lên Bảy Te mua xe tải chuyển sang chở thuê đất, cát cho các cửa hàng vật liệu xây dựng ở Q12.

ĐẦU ÓC ĐIÊN LOẠN CỦA KẺ HOANG TƯỞNG

Trước năm 1996, Bảy Te thường tụ hợp đông người tại nhà mình (số 1718/3D, Quốc lộ 1A, KP 3, P.An Phú Đông, Q12) đàn ca múa hát, nghe “thầy” giảng “đạo”. Ngày 1-2-1996 (âm lịch), Bảy Te nhảy dựng rồi tuyên bố mình đứng đầu cõi “tam giáo”, trở thành “Thông thiên giáo chủ”, là “Hồng Mông lão tổ”, Phật sống”, “Đức chí tôn thượng đế”, “Đức chúa trời” hạ phàm, dùng “kinh thơ, sấm trạng” để “phổ độ chúng sanh” và các đệ tử thân tín! Te lu loa: tất cả các pháp ở thế gian đều bị “chiếu bí” nên càng làm càng sai, tội càng chồng chất. “Cậu Bảy” được trời ban cho “ngọc tỷ”, triệu tập “Hội yến bàn đào”, thống nhất các cõi, cung, tầng, miền lập ra “Long Hoa hội” (LHH); hợp tất cả các “pháp” từ khai thiên lập địa đến hiện đàng, thành “tam giáo”. “Cậu Bảy” xuống trần “thế thiên hành đạo”, dẫn dắt chúng sanh giác ngộ vào “LHH” để kiếm chỗ trên chuyến xe chiều về cõi thần tiên trên trời (!).

Bảy Te tự cho mình là “đấng cứu thế” ra đời ngày 29-12-1956 và biến thành “giáo chủ” ngày 1-2-1996 (âm lịch)

Gắn mác “giáo chủ”, là “đấng bề trên”, Bảy Te luôn cho mình tinh thông mọi thứ, bụng chứa đầy kinh luân, miệng “phun châu nhả ngọc”. “Cậu Bảy” còn khoác lác, ví lời nói của mình khi phát ra như “chuỗi lưu ly”, mỗi chữ ký là “đóa hoa sen!”.

Để các đệ tử tin tưởng đi theo, “giáo chủ Bảy Te” đã cho ra đời bộ “Thông thiên thơ pháp” dài đến hàng chục vạn câu, chia thành nhiều “tập”, vừa đánh máy, vừa viết tay, lấy tựa đề “Văn học hiện thực thế kỷ 21” hay “Văn học văn hóa thơ ca - Tâm linh vật chứng đồng nhất lý kim cổ hòa điệu long lân quy phụng”. Bảy Te “nổ” đây là “Thiên trường ca bất tử”, hay “Một thiên tình ca mới cho loài người” với “lời thơ tha thiết, thống triết, đi trước thời đại, thuộc về chủ nghĩa thiêng liêng, có giá trị như Chủ nghĩa Mác-Lê nin” (?!)...

Không chỉ ở TP.HCM, Bảy Te mở rộng ra nhiều địa phương khác lôi kéo được nhiều người tham gia, đa số trình độ văn hóa thấp, nhận thức hạn chế. Cá biệt, một số trường hợp có học hay “đại gia” lắm tiền nhiều của cũng bị “giáo chủ” mê hoặc. Do Bảy Te là “Hồng Mông lão tổ” nên tất cả đệ tử đi theo đều phải mang họ “Hồng”, như Hồng Lý Kỳ Hương, Hồng Lý Thái Lan, Hồng Lý Thiên Đạo”, Hồng Mẫu Thiên Đạo, Hồng Đinh Thiên Đạo...Ngoài “ân sủng” được thay tên đổi họ, “thầy” còn tặng “xá lợi” cho những đệ tử thân tín để được hỗ trợ “thiêng liêng” và uống ly “cam lồ” (thực chất là nước lã) để giải bách bệnh! “Thầy” còn dạy các đệ tử hàng đêm phải đọc “Thông thiên thơ pháp” hay “phục nguyện” để đem phước đức về cho gia đình, người thân, dòng họ (?!)...

Một đệ tử của Bảy Te cho biết, trên thực tế, khi nhận lấy “hồng ân” của Bảy Te, các đệ tử phải “đáp lễ” bằng... tiền! Nói là tùy hỷ nhưng một quyển kinh thơ, sấm trạng thường cũng 100.000 đồng, ai khá hơn thì 500.000 đồng; nếu “phát tâm” thì vài triệu hay cao hơn; một đĩa CD, VCD thường không dưới 50.000 đồng. Bên cạnh Te có cả đội ngũ chuyên đi gom tiền của các đệ tử từ khắp các tỉnh, thành; nhiều đệ tử sẵn sàng mở hầu bao để “cúng” cho “giáo chủ” số tiền rất lớn.

Để lôi kéo “tín đồ”, Bảy Te luôn tìm mọi thủ đoạn để biến mình thành “đấng bề trên” hay “Phật sống”, cứu khổ giải nghiệp cho các “tín đồ” và cả cửu huyền thất tổ cùng “đắc quả trường sanh, huyền di mầu nhiệm”. Nhiều đệ tử tin tưởng, cúng tiền cho “thầy” in ấn kinh thơ, băng đĩa, truyền dạy đạo để cứu hồn tội lỗi, thoát bể khổ trần gian, phục sinh về trời dự “LHH”.

Lấy danh nghĩa là “Đấng chí tôn tối thượng”, “giáo chủ” đưa ra quy định, bất cứ ai theo làm đệ tử, nếu chưa chồng chưa vợ thì cấm tuyệt không được lập gia đình; nếu đã lấy nhau rồi thì không được sinh con đẻ cái. Trong khi đó, Bảy Te cho con gái mình thoải mái sinh con! Tất cả các đệ tử dù lớn hay nhỏ tuổi khi gặp “giáo chủ” phải cúi đầu, khúm núm gọi bằng “thầy” ngọt xớt! Khi nghe “thầy” giảng “đạo”, nhiều đệ tử còn chắp tay quỳ lạy một cách cung kính như người cõi trên! Chưa hết, “thầy” còn tuyển chọn các nữ đệ tử mặc đồng phục (màu trắng hay hồng) để phục vụ massage, ca hát nhảy múa kể cả “nỉ non tâm sự” giống như những cung tần mỹ nữ phục vụ cho vua chúa ngày xưa! Khi tổ chức đi du lịch tắm biển, thầy cũng được các đệ tử bao quanh xoa bóp (!)

HẾT MẸ VỢ ĐẾN MẸ RUỘT BỊ HÀNH XÁC

Nếu bên ngoài “giáo chủ” là “Hồng Mông Lão tổ” thì trong gia đình Bảy Te tự xưng là “Phật Vương chiếu chỉ”; “phong” cho vợ (bà Lê Thị Út) là “Hoàng mẫu Như Lai”, mẹ ruột (cụ Nguyễn Thị Nương) là “Phật mẫu Hoàng Thái Lão Cung Đình” và mẹ vợ (cụ Lê Thị Hội) là “Phật mẫu Hồng Lai Thái Thái”!

Vì đã “phong” làm “Phật mẫu” nên khi cụ Út qua đời, Bảy Te tổ chức linh đình suốt bảy ngày đêm! Cáo phó ghi rõ: cụ bà Lê Thị Hội (tức “Hồng Lai Thái Thái”) sinh năm 1920, từ trần lúc 0 giờ 15 phút ngày 11-10-2007, hưởng thọ 88 tuổi; lễ nhập quan lúc 10 giờ ngày 11-10-2007 (nhằm ngày 1-9 năm Đinh Hợi); lễ động quan lúc 13 giờ ngày 17-10-2007 (nhằm ngày 7-9 năm Đinh Hợi), sau đó an táng tại chùa Pháp Bảo, Đức Hòa, Long An.

Các đệ tử bao quanh “giao chủ ” trong một chuyển du lịch tại Bà Rịa – Vũng tàu

Một đệ tử thân tín của Bảy Te kể lại, cụ Hội nằm một chỗ nhiều năm và mất tại nhà ở P.An Phú Đông. “Giáo chủ” đã chuẩn bị từ trước một sớ” dài 18 trang với hàng trăm câu thơ được đặt tên “Niết bàn quả” của “Hồng Lai Thái Thái”. “Niết bàn quả” này không chỉ được các đệ tử của Bảy Te thay phiên nhau đọc suốt từ lúc “Phật mẫu” tắt thở cho đến khi an táng mà còn được khắc xung quanh bia mộ. Thực chất, “Niết bàn quả” là những câu thơ “con cóc” của một kẻ “tâm thần”, nhiều lần “chúc mừng” nhạc mẫu qua đời:

“Chúc mừng bà lão thăng thiên

Chúc mừng bà lão tròn duyên Niết bàn

Chúc mừng bà đạt nhiệm mầu

Và chầu được Phật, cung lầu bồng lai

Mừng bà ngồi được trên mây

Hương sen tỏ sáng đó đây lạ thường”

Hay:

“Thật hỷ lạc, rành rành thọ giới

Thật hồng lai, rõ giới nhiệm mầu

Trời cung hỷ cho bà vào nước

Nước bồng lai vào nước bồng lai”...

Xem mẹ mất là một niềm “hoan hỉ” nên Bảy Te không chỉ làm thơ chúc mừng mà miệng luôn cười toe toét. Phận làm con, nhưng Bảy Te nghĩ mình là “giáo chủ” nên không cần để tang mẹ.

Đã có hàng chục đoàn đệ tử của Bảy Te từ Nam chí Bắc (TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa) đến cúng bái phúng điếu “Phật mẫu” và nghe Bảy Te giảng “đạo”. Te đã biến đám tang thành nơi để “thuyết pháp”, rao giảng công khai “LHH”. Bảy Te còn tổ chức đàn ca múa hát, ăn uống linh đình; lúc động quan múa lân tiễn “Phật mẫu”!

Hàng chục ôtô, xe máy không đếm xuể nối đuôi nhau đưa linh cữu về chùa Pháp Bảo. Người đưa tang được uống nước chanh, tắc muối miễn phí. Do làm quá nhiều nên dư đến mấy thùng to phải đổ bỏ rất lãng phí...

Các đệ tử quỳ lạy “giáo chủ”

Đến lượt mẹ ruột qua đời ngày 19-7-2012, Bảy Te để đến 8 ngày mới chôn. Cáo phó được treo trước căn biệt thự lộng lẫy của “giáo chủ” ghi rõ: cụ bà Nguyễn Thị Nương sinh năm 1920, từ trần lúc 12 giờ ngày 19-7-2012; lễ nhập quan lúc 20 giờ ngày 19-7-2012 (nhằm ngày 1-6 năm Nhâm Thìn); lễ động quan lúc 7 giờ thứ năm ngày 26-7-2012, an táng tại chùa Pháp Bảo. Tính ra, từ lúc cụ Nương qua đời cho đến khi an táng đúng tám ngày, bảy đêm. Đã chết rồi mà còn bị hành xác suốt hơn một tuần lễ thì quá khủng khiếp! Lúc cụ Nương còn sống, “giáo chủ” từng làm chuyện khác người cho “Phật mẫu” vui (?!). Trong lễ mừng thượng thọ 91 tuổi của cụ Nương vào ngày 8-3-2010, có đông đảo đệ tử của Te đến dự chúc mừng; nhiều người quỳ lạy sống bà cụ; một số thì mua hay thuê mướn “đồ nghề”, hóa trang làm thánh thần từ “cõi trên” về chúc mừng “Phật mẫu”…

(...còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang