Thường ngày, chị Phạm Thị L. (SN 1970 - chúng tôi xin được viết tắt tên nạn nhân) không đi đâu xa quá hai ngày. Có đi đâu, chị cũng báo cho gia đình biết. Chị cũng hay dậy sớm nấu cơm cho con cái ăn để đi học, đi làm. Hôm ấy, chị dậy từ rất sớm rồi đi đâu không rõ. Chái bếp lạnh tanh, không có người thổi lửa. Không thấy chị báo tin, cả gia đình đợi chị suốt ngày.
Dòng tin nhắn lúc bình minh
Vợ chồng anh N. và chi L. xây dựng gia đình vào năm 1991. Cưới nhau xong, họ về sống bên nhà cha mẹ chị L. là hai cụ Phạm Văn T (SN 1920), Trần Thị R (SN 1935, cùng ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Năm 1993, đứa con trai đầu lòng của vợ chồng chị L. chào đời. Về sau, họ có thêm một trai và một gái. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng rất đầm ấm.
Em Phan Minh L (con trai đầu của vợ chồng chị L) kể: "Thông thường, buổi sáng mẹ em dậy sớm nấu cơm cho cả nhà. Khoảng 6 giờ 30 sáng, mẹ thúc tụi em dậy ăn cơm để đi học, đi làm. Có hôm, em út của em học bài khuya, nó cũng dậy sớm phụ mẹ. Hôm 12/3/2015, mẹ em dậy sớm tưới mấy liếp ớt lẻ gần nhà rồi vào kêu tụi em dậy, sau đó mẹ đi đâu không rõ. Em đánh răng, rửa mặt xong, xuống bếp thấy cơm chưa nấu. Lấy làm lạ, nhưng lúc này em nghĩ đơn giản, chắc mẹ xuống nhà người quen hay lên nhà bà Tư gần nhà thôi.
Bà Tư kể chuyện chị L. mất tích
Ra vườn ớt thấy vắng lặng khác thường, không thấy bóng mẹ tưới vườn trong khi chờ các con ăn sáng như mọi ngày. Thật lạ, vườn ớt nay cũng chỉ được tưới sơ sài vài liếp sát vách nhà, chứ không được tưới đều như mọi khi. Gọi điện thoại cho bà Tư hỏi thăm mẹ có xuống dưới đó không? Lúc ấy, bà Tư đi chợ chưa về. Em tính gọi cho dì Tư ở gần nhà để hỏi mẹ có lên đó không? Nhưng chưa kịp gọi thì dượng Tư đã gọi điện thoại xuống hỏi: "Sao mẹ con không lên đi xin thuốc uống với dì, vì hồi hôm mẹ có hẹn với dì Tư là sáng nay cùng dì đi xin thuốc uống?".
Nghe xong cuộc điện thoại của dượng Tư, em L. vòng ra ruộng ớt lần nữa xem mẹ có làm việc ngoài đó không, nhưng ruộng ớt vẫn hoàn toàn vắng lặng. Khoảng 7 giờ sáng, dì Tư xuống hỏi sao mẹ không lên đi xin thuốc cùng, nhưng cả nhà đều lắc đầu, không biết mẹ đi đâu từ sớm. Dì Tư ngồi chờ tới khoảng 8 giờ thì ra về. Không thấy mẹ lên, dì Tư cũng ở nhà ăn cơm, không đi xin thuốc như đã định. Trưa đó, L. xuống bà Tư, xong lại quay sang nhà ngoại để tìm mẹ, nhưng vẫn không thấy.
Nhớ lại buổi sáng đi tìm mẹ, L. cho biết thêm: Trên đường về, em ghé nhà chị ở gần chỗ ba xem sáng giờ có thấy mẹ không? Lúc đó ba em cũng ngồi gần đó. Em quay sang hỏi ba, khuya giờ mẹ có ra ba không? Sáng giờ ba có thấy mẹ không? Ba chỉ trả lời gọn lỏn: "không".
Trở về nhà, bà ngoại gọi điện hỏi mẹ nhưng vẫn không thấy. Nóng lòng, L. lên lại nhà dì để tìm nhưng cũng chưa thấy mẹ về. Vừa ra khỏi nhà dì chút xíu thì ba em gọi điện bảo: "Ba mới gọi điện lên nhà dượng Tư ở Tây Ninh, hỏi mẹ có lên trên đó không? Dượng Tư nói có. Chắc nó đang lên mà chưa có tới? Thật lạ, một lúc sau thì dì Tư ở Tây Ninh gọi cho em hỏi "mẹ có nhà không?" Rồi dì bảo: "Lúc nãy ba mày có gọi cho dượng Tư. Bữa hôm Tết, ba giận gì vợ chồng tao không biết. Khi nghe ba mày hỏi, dượng Tư nói đại là mẹ mày đang lên đây, chứ tao cũng không biết mẹ mày có lên hay không...".
Căn nhà nơi mẹ con chị L. ở cùng ông bà ngoại
Đến chiều cũng không thấy mẹ về. Linh cảm mách bảo có điều gì đó chẳng lành xảy ra, nhưng thật khó lý giải. Hôm mẹ em mất tích, mọi người ai cũng nghĩ, với tính cách hiền hậu, chăm nom cho gia đình chu đáo, thì mẹ không thể bỏ đi lâu mà không nói tiếng nào được. Bình thường, nếu đi làm mà có việc đột xuất không về ăn cơm thì mẹ sẽ gọi điện thoại báo cho tụi em biết. Hoặc nếu có đi đâu xa, mẹ cũng chưa từng đi quá hai ngày. Em bắt đầu cảm thấy lo nên đi kiếm xung quanh các kênh ao gần nhà suốt cả buổi. Tối đến thì có dượng Tư, cậu và mấy đứa em, mấy đứa cháu ở gần nhà cùng phụ đi kiếm trong các đám cây nhưng vẫn không thấy.
Tối hôm đó, em tính đi báo công an, nhưng bà Tư bảo hãy để từ từ, báo sớm quá cũng không làm được gì. Hôm mất tích, mẹ không cầm điện thoại theo, mà bỏ điện thoại trong chiếc máy may để ở nhà. Trong lúc đang đi tìm thì thấy có cuộc gọi của dượng Tư. L. nghe máy xong thì thấy trong điện thoại mẹ có 2 tin nhắn của ba, nội dung: "Sao hôm nay em không ra chỗ anh" và "Hôm nay em có đi làm không?". Hai tin nhắn được gửi đến lúc 5 giờ 25.
Nghi vấn dồn về căn chòi tạm
Thường ngày, cuộc sống gia đình vốn đầm ấm. Thế rồi không hiểu làm ăn thế nào lại bỗng sinh ra nợ nần. Từ dăm ba chục, rồi lên hàng trăm triệu đồng. Mỗi lần chủ nợ kéo đến là vợ chồng L. - N. lại ngồi thở dài ngao ngán. Buồn cảnh nợ nần, N. ra đầu đường dựng lán tạm ở riêng, sửa chữa máy, hoặc đi lái thuê máy cày, lúc nông nhàn lại theo nhóm thợ xây, thợ hồ kiếm sống.
Nhớ về người cháu gái hiền lành, vắn số, bà Tư mắt đỏ hoe: "Tiếng là có chồng, chứ nó khổ lắm! Chuyện buồn nhiều hơn vui. Tui cũng nhiều lần khuyên nhủ nó, có ra ngoài lán với thằng N. thì đừng đi một mình. Ấy vậy mà... ai xui ai khiến thế nào mà hôm ấy một mình nó ra đó”.
Vườn ớt chị L. thường hay tưới
Bà Tư thở dài thườn thượt rồi tiếp lời: "Nghe thằng N. khai với công an là hôm ấy út L. ra tính toán nợ nần gì đó mà tui giận lắm. Tui không hiểu được, tụi nó bán nhà trả nợ rồi, nợ nần đâu nữa mà tính? Nợ 360 triệu, bà già bán đất cho tiền trả, còn lại 190 triệu đồng. Vợ chồng nó bán nhà, người nhà chồng cho tụi nó 100 triệu đồng để nó trả nợ nữa cơ mà... Chuyện nợ nần đã rõ ràng rồi thì bàn bạc thêm chi nữa?...". Buổi sáng hôm út L. mất tích, N. dậy đẩy cát từ rất sớm. Thấy lạ nên tui mới hỏi: "N, mày làm gì mới sáng sớm mà đẩy cát rồi?". Nó nói: "Đẩy để cán cái nền". Nghe N. nói làm nền cho sạch sẽ cái nhà, bà Tư lẳng lặng đi chợ và cũng chẳng để ý gì thêm.
Cũng theo bà Tư, khoảng 1 giờ chiều hôm sau khi nhận được thông tin trình báo về sự mất tích của chị L, công an xã đã xuống địa bàn nơi gia đình chị L. cư trú, phối hợp với ấp để xác minh. Lúc này, bà Tư gọi thêm 7 - 8 người bà con chòm xóm túa ra đi tìm. Mọi người đi tìm từ bờ kênh lớn, rồi vòng xuống khắp ruộng rau mà tung tích cô cháu gái vẫn bặt vô âm tín. Bà Tư bùi ngùi nhớ lại: Trong khi Công an và mọi người cuống cuồng đi kiếm, thì nó (chỉ N. - chồng nạn nhân) ngồi tỉnh bơ ở cửa. Tui hỏi, "người ta đi kiếm vợ mày sao mày hổng đi?". Nó làm thinh, không trả lời trả vốn gì. Hỏi nhiều lần thì nó cáu: "Giờ biết đâu mà kiếm?".
Linh tính mách bảo có điều gì đó chẳng lành, nghi ngờ sự mất tích của cô cháu gái có nguyên do từ N, bà Tư nói với ông trưởng ấp: "Anh Hiếu ơi, dì Bảy nghi ở trong nhà thằng N, anh cho anh em tìm kỹ ở trong đó đi". Nghi ngờ N. sát hại vợ rồi giấu xác trong nhà nên trưa hôm đó, bà Tư viện cớ chở N. xuống nhà mình ăn cơm, để mọi người tìm kiếm trong căn nhà của N. Tuy nhiên, sau khi lục tìm khắp mọi ngóc ngách của căn nhà tạm mà vẫn không thấy L. đâu nên mọi người ra về. Những nghi vấn về bàn tay của N. liên quan đến sự mất tích của chị L. cũng tạm thời gác lại.
Nói về mối nghi ngờ hôm chị L. mất tích, Minh L (con trai nạn nhân) kể: Hôm xảy ra việc, em thấy ba em không có biểu hiện gì lạ. Hôm đó ba có gọi cho em hai ban lần gì đó hỏi thăm là mẹ về chưa thôi chứ ba em không đi kiếm. Sau khi tìm thấy mẹ, em để ý lại mới thấy có một vài điểm lạ. Ví dụ, bình thường, buổi tối ba em thường nhắn tin cho mẹ em, có lúc thì gọi điện thoại nói chuyện, nhưng hôm mẹ mất tích, hơn bảy giờ tối, ba cầm máy gọi điện cho mẹ, trong khi điện thoại của mẹ thì để trong bàn máy may ở nhà. Mười người trong nhà thì hết chín người đoán trước mẹ em sẽ gặp nạn rồi. Tụi em không bị sốc! Tội nhất là đứa em gái út. Hay tin mẹ mất tích, nó bị sốc nặng. Suốt mấy ngày liền nó không ăn, không uống gì, thấy thương lắm.
Chị Phạm Thị Kim H. (SN 1964, chị gái của chị L.) kể: "Thấy thái độ dửng dưng của N, mọi người đều nghi ngờ nhưng không có cách gì để làm sáng tỏ. Lúc công an chưa tới, mấy đứa nhỏ đòi lục tìm khắp căn chòi nơi N. ở. Tuy nhiên, biết tính khí của N. cộc cằn và thất thường nên không ai dám động. Chỉ mấy ngày sau khi lực lượng Công an vào cuộc và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lúc này sự thật mới dần được hé lộ...
(Còn tiếp...)