Lập xưởng trong khu dân cư
Thời gian gần đây, lực lượng công an đã bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển thuốc lá điện tử, thực phẩm chức năng, đồ uống, cà phê, thậm chí cả thức uống làm đẹp da có chứa ma túy tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các thành phố lớn. Mới đây, các đối tượng còn lập cả xưởng điều chế ngay tại trong các khu dân cư để sản xuất rồi bán trên mạng xã hội nhằm tối ưu lợi nhuận thu được từ mặt hàng cấm này.
Cụ thể, ngày 14/9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an chủ trì phối hợp cùng các đơn vị bắt quả tang 4 đối tượng đang có hành vi pha trộn, dùng xilanh tiêm tinh dầu chứa ma túy vào thuốc lá điện tử "ampire chill" tại kho ở xã Phương Nhị, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tang vật gồm hơn 3.500 điếu thuốc lá thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa chất ma túy; 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy; 1 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp; gần 300 thùng carton chứa thiết bị lắp ráp thành hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử, 1 triệu vỏ điếu thuốc lá sợi cùng nhiều dung môi, hóa chất, nguyên vật liệu dùng vào việc sản xuất, đóng gói thuốc lá điện tử.
Ngoài ra, công an còn thu giữ gần 15.000 điếu thuốc lá điện tử chứa tinh dầu vị được các đối tượng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam chờ bán ra thị trường. Tại cơ quan điều tra, Lê Anh Thơ (28 tuổi, là kẻ cầm đầu) khai lên mạng tìm kiếm công thức, sau đó liên hệ với các đối tượng ở Trung Quốc đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử, ống thuốc lá sợi chuyển về kho tại Hà Nội thông qua các công ty vận chuyển rồi thanh toán bằng đồng Bitcoin.
Nguyễn Thị Hoài
Sau đó, Thơ cùng các đối tượng pha chế, tẩm ướp bằng cách bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi rồi lắp ráp, chạy máy để thành thuốc lá điện tử, điếu thuốc lá sợi có chứa chất ma túy. Tẩm ướp ma túy xong, bọn chúng dán nhãn thuốc lá điện tử Ampire chill và thuốc lá điếu Dominix được Thơ đặt làm riêng, có cả chế độ bảo hành rồi đăng bài quảng cáo, livestream trên mạng xã hội nói là các sản phẩm này chứa chất kích thích nhưng không phải ma túy nhằm đánh lừa người sử dụng.
Trước đó, ngày 05/6/2023, Cục C04 cũng phá xưởng pha chế, đóng gói "nước vui" quy mô lớn, đồng loạt bắt giữ 17 đối tượng, thu giữ 217kg ma túy tổng hợp các loại, trong đó có gần 9.000 gói ma túy thành phẩm nhãn Chali, Deadpool, Foryou, Coffee, Cristy fruit, 208kg vỏ bao bì cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng pha trộn, đóng gói, vận chuyển ma túy. Mở rộng vụ án, ngày 17/8, C04 phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TPHCM bắt giữ Bùi Trung Nguyên (18 tuổi), thu 3kg ma túy tổng hợp cùng băng chuyền, bột, phụ gia, bao bì dùng sản xuất, đóng gói ma túy.
Đối tượng cầm đầu đường dây là Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi, trú TPHCM) khai thời gian làm nghề DJ ở nước ngoài đã học được công thức pha chế ma túy "nước vui" rồi về nước, tuyển người bắt tay vào sản xuất hàng cấm. Thủ đoạn của nhóm này là mua bán ma túy qua mạng xã hội, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, thuê các công ty vận chuyển đưa ma túy, các loại phụ gia, bao bì đóng gói về Việt Nam tập kết tại kho ở TPHCM. Để tránh bị phát hiện, bọn chúng thường xuyên thay đổi nơi cất giấu, pha chế, đóng gói ma túy. Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, trong nửa năm, các đối tượng đã pha chế, đóng gói và xuất ra thị trường khoảng 750kg ma túy "nước vui".
Các loại máy móc, nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc lá điện tử và đồ uống chứa ma túy
Cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục C04 cho biết, ma túy "núp bóng" các loại thực phẩm, đồ uống đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước, nhưng thời gian gần đây, tình trạng này đang trở nên hết sức phức tạp, đặc biệt là ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử, nước uống như cà phê, nước trái cây... Trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử cũng nở rộ, đặc biệt là trong giới trẻ như một cách để thể hiện đẳng cấp, sành điệu, thời thượng. Để tăng độ "phê”, đồng thời tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh dầu ma túy vào những điếu thuốc này.
Theo Phó Cục trưởng C04, ma túy thường được đóng trong những gói cà phê, trà thảo mộc có bao bì hấp dẫn, bắt mắt, mỗi gói 15 gam, mùi vị quyến rũ, thơm ngon để nhắm tới nhóm khách hàng tiềm năng hiện nay là giới trẻ. Do tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên, vị thành niên (có cháu mới 12-13 tuổi) rất thích khám phá, thể hiện mình, đồng thời cũng dễ bị lôi kéo, kích động, thích sành điệu, chỉ cần đi quán bar, tổ chức sinh nhật thôi đã có thể sử dụng ma túy. Còn "nước vui" (còn gọi là nước khoái) cũng na ná như vậy.
Qua giám định, Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an phát hiện chủ yếu có 5 loại ma túy được các đối tượng hay dùng để pha trộn vào đồ ăn, thức uống gồm: tinh dầu cần sa, Ketamin, Methamphetamin và các loại ma túy khác. Tác hại của ma túy dạng này nhẹ cũng gây kích thích thần kinh, gây ảo giác, ảnh hưởng hệ tim mạch, nếu dùng quá liều sẽ gây ngộ độc, tử vong.
Thời gian qua, lực lượng công an các địa phương đã tập trung đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển các loại thức ăn, đồ uống, sản phẩm chứa ma túy. Thế nhưng hiện nay, các đối tượng còn có xu hướng tự tìm công thức trên mạng rồi mua các nguyên liệu ở nước ngoài về gia công, sản xuất với số lượng ngày càng lớn. Thủ đoạn hoạt động của chúng cũng ngày càng tinh vi.
Để phòng ngừa loại ma túy đang ngày đêm tấn công giới trẻ, theo lãnh đạo Cục C04, biện pháp quan trọng nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh, sinh viên, cho thanh niên về hiểm họa ma túy. Thời gian qua, Cục C04 cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi tuyên truyền ở các địa phương. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ ngành liên quan đề xuất việc quản lý đối với thuốc lá điện tử, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả việc tẩm ướp chất ma túy vào thuốc lá điện tử, thực phẩm, đồ uống; không để ma túy "núp bóng" tấn công vào trường học, ảnh hưởng thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên...