Chuyện bất ngờ về "tổ canh bào thai" vùng biên giới

Thứ Ba, 28/11/2023 09:37  | Văn Tình

|

(CATP) Trước tình trạng nhiều phụ nữ nhẹ dạ bị các đường dây tội phạm lừa đưa ra nước ngoài để bán bào thai, một xã ở vùng biên giới tỉnh Nghệ An đã lập "tổ canh bào thai".

Tổ có 10 thành viên, thường xuyên giám sát, tuyên truyền, vận động các gia đình có thai phụ ký cam kết không được bán bào thai. Công việc này chỉ dừng lại khi thai phụ sinh con và được đưa ra khỏi danh sách được giám sát.

Ám ảnh những vụ mang thai hộ và bán bào thai

Những năm về trước, H.Kỳ Sơn (Nghệ An) có nhiều phụ nữ mang bầu vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai. Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá hàng chục vụ, bắt giữ nhiều đối tượng trong các đường dây mua bán bào thai. Điển hình như ngày 24/4/2021, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và Công an H.Kỳ Sơn ngăn chặn 3 phụ nữ dân tộc Khơ Mú, gồm: V.M.T (SN 1988; mang bầu 7 tháng), L.T.N (SN 2003; mang bầu 5 tháng), M.T.S (SN 1995, cùng ngụ H.Kỳ Sơn; mang bầu 9 tháng), khi họ vừa vượt biên sang Trung Quốc chờ sinh con để bán.

Làm việc với cơ quan công an, các thai phụ trên khai do hoàn cảnh éo le trong tình cảm, gia đình nghèo khó, sợ sinh con nuôi không nổi nên đã nghe lời các đối tượng môi giới rủ vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai. Ba người được dẫn đi bằng 3 chuyến xe khác nhau vào cuối tháng 3/2021. Đến đầu tháng 4/2021, cả ba gặp nhau tại một điểm ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), chuẩn bị đi sâu vào nội địa thì lực lượng chức năng sở tại phát hiện, bắt giữ.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định những đối tượng môi giới đều là người ở H.Kỳ Sơn, nhưng đã sang Trung Quốc lấy chồng và sinh sống ở đó. Để kiếm tiền bất chính, các đối tượng này liên lạc về quê, tìm những phụ nữ mạnh khỏe, không có công ăn việc làm nhưng cần tiền tiêu xài rồi rủ rê sang Trung Quốc mang thai hộ hoặc bán bào thai.

"Tổ canh bào thai" xã Hữu Kiệm đến nhà một thai phụ để tuyên truyền, ngăn chặn nạn bán bào thai

Trước đó, rạng sáng 16/9/2020, Công an TP.Vinh (Nghệ An) đã phá chuyên án "tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" để mang thai hộ nhằm mục đích thương mại và buôn bán bào thai. Đường dây này do Uông Thị Trang (SN 1989, ngụ xã Hưng Lộc, TP.Vinh) cầm đầu. Đầu năm 2019, Trang sang Trung Quốc rồi ở lại tỉnh Quảng Châu để lao động. Tại đây, Trang cũng là đối tượng được thuê mang thai hộ nên nảy sinh ý định lập ra đường dây tìm phụ nữ mang thai hộ hoặc bán bào thai để kiếm tiền bất chính.

Trang trở về nước, câu kết với em gái là Uông Thị Mai (SN 1993, ngụ P.Trung Lương, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) rồi lên mạng xã hội Facebook, các ứng dụng Zalo, Wechat lập nhiều nhóm kín như "MTH", "MTH7", "Mang thai hộ"..., tìm rồi tuyển chọn những phụ nữ khỏe mạnh, không có công ăn việc làm, cần tiền tiêu xài để đưa sang Trung Quốc mang thai hộ và buôn bán bào thai.

Công an TP.Vinh xác lập chuyên án điều tra và rạng sáng 16/9/2020 đã bắt quả tang Mai đang đưa một thiếu nữ ngụ xã Long Nguyên (H.Bến Cát, Bình Dương) lên xe khách đến Cao Bằng để vượt biên trái phép sang Trung Quốc cấy phôi thai. Cùng thời điểm, Ban chuyên án bắt giữ Trang. Khám xét nơi ở của đối tượng, công an thu giữ 2 ĐTDĐ, 5 CMND, 2 hộ chiếu và nhiều tài liệu khác liên quan đến hành vi đưa người trốn đi nước ngoài trái phép phục vụ cho việc mang thai hộ tại Trung Quốc.

Tại cơ quan điều tra, Trang đã thừa nhận hành vi phạm tội. Chị em Trang còn móc nối với một số đối tượng ở Hà Nội, Cao Bằng, đưa những phụ nữ được tuyển chọn sang Campuchia rồi đi máy bay sang Trung Quốc hoặc qua các đường tiểu ngạch ở Cao Bằng vào Trung Quốc để cấy phôi thai. Xong việc, các đối tượng đưa nạn nhân về Việt Nam dưỡng thai.

Khi thai phụ gần đến ngày sinh, các đối tượng lại đưa sang Trung Quốc để sinh và bàn giao con. Mỗi phụ nữ mang thai và sinh con thành công sẽ được trả từ 330 - 350 triệu đồng, còn Trang và Mai mỗi người nhận từ 20 - 30 triệu đồng. Đường dây của Trang đã tổ chức cho hơn 20 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc để mang thai hộ và hưởng lợi bất chính hơn 500 triệu đồng.

Uông Thị Trang
Uông Thị Mai

Trung tuần tháng 02/2020, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm các bị cáo Moong Thị Lý, Xeo Thị Tiến, Moong Thị Ba (đều ngụ H.Kỳ Sơn) về tội "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài". Theo cáo trạng, trong năm 2018, ba đối tượng đã 3 lần tổ chức cho các thai phụ L.T.T, M.T.L và M.T.M (cùng ngụ H.Kỳ Sơn) trốn sang Trung Quốc để sinh con đen bán. Đầu năm 2019, các đối tượng bị cơ quan chức năng Trung Quốc trục xuất về nước. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Moong Thị Lý 12 tháng tù, Xeo Thị Tiến và Moong Thị Ba mỗi bị cáo 18 tháng tù.

Đội "đặc nhiệm" vùng biên giới

Để ngăn chặn tình trạng thai phụ được đưa ra nước ngoài bán bào thai, đầu năm 2022, xã Hữu Kiệm (H.Kỳ Sơn) đã xây dựng mô hình điểm về phòng, chống buôn bán người. Xã tiến hành lập tổ công tác đặc biệt gọi là "tổ canh bào thai". Tổ này có 10 thành viên, gồm lãnh đạo UBND xã, Công an xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Dân vận và các trưởng bản. Nhiệm vụ của tổ là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép. Ngoài ra, tổ còn giám sát những phụ nữ mang thai, vận động gia đình họ ký cam kết không bán bào thai, theo dõi cho đến khi thai phụ sinh con.

Thống kê của Công an xã Hữu Kiệm, từ năm 2018 - 2019, toàn xã có 21 phụ nữ Khơ Mú mang bầu đã vượt biên sang Trung Quốc sinh con xong đem bán. Đa số những người bán bào thai đều hạn chế về nhận thức, có cuộc sống khó khăn nên dễ bị các đối tượng lôi kéo. Toàn xã có 3 bản được xem là "điểm nóng" về nạn bán bào thai là Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ.

Đại úy Trần Danh Hòa (Trưởng công an xã Hữu Kiệm, H.Kỳ Sơn, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống mua bán người của xã) cho biết: Ban đầu, việc tuyên truyền, ngăn chặn nạn bán bào thai gặp rất nhiều khó khăn. Những phụ nữ có ý định bán bào thai viện rất nhiều lý do để tìm cách rời khỏi nhà rồi trốn đi. Nắm bắt điều này, các thành viên "tổ canh bào thai" nhiều lúc phải "dọa" rằng sẽ đề nghị nhà nước cắt trợ cấp gạo hàng tháng thì họ mới trở về nhà, chịu ký vào bản cam kết, từ bỏ ý định trốn đi bán bào thai.

Các thành viên "tổ canh bào thai" phải thường xuyên giám sát chặt chẽ, ghi chép cụ thể tên, tuổi, số tháng thai kỳ, ngày dự sinh của từng thai phụ trong xã. Chỉ đến khi họ sinh con xong, "thư ký” của tổ mới gạch bỏ tên của họ ra khỏi danh sách theo dõi. "Ngoài phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, trưởng bản, Công an xã Hữu Kiệm còn cử các cán bộ "nằm vùng" ở những bản được xem là "điểm nóng" của tình trạng bán bào thai để nắm bắt thông tin.

Khi thấy người lạ đến, có biểu hiện bất minh thì lực lượng Công an xã sẽ có mặt để ngăn chặn, yêu cầu các đối tượng ra khỏi bản" - Đại úy Trần Danh Hòa nói. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an xã Hữu Kiệm đã ngăn chặn 4 phụ nữ có ý định vượt biên ra nước ngoài bán bào thai.

Panô tuyên truyền về phòng, chống mua bán người ở xã Hữu Kiệm

Ban đầu, những thai phụ ở trong xã rất khó chịu vì bỗng dưng bị giám sát. Nhiều người thân của họ cũng phản ứng gay gắt, đuổi các thành viên "tổ canh bào thai" về. Ông Cụt Văn Thuận (Trưởng bản Đỉnh Sơn 2) tâm sự: "Có trường hợp thấy tôi hay đến gặp vợ anh ta để thăm hỏi, động viên và tuyên truyền nhằm ngăn ngừa không bán bào thai thì quay ra ghen tuông, cho rằng người vợ và tôi có tình cảm với nhau. Sau đó, anh ta liên tục truy hỏi người vợ, xem đứa con trong bụng có có phải con của tôi hay không. Thời gian dài tôi phải cố gắng giải thích, khuyên nhủ thì sau này người chồng mới hiểu ra và ký vào bản cam kết không cho vợ bán bào thai".

Theo ông Thuận, những ngày đầu đi tuyên truyền, lập danh sách để giám sát thai phụ, các thành viên trong tổ gặp rất nhiều khó khăn. Đa số người dân không hưởng ứng việc làm của tổ. Họ cho rằng việc con cái họ đẻ ra thì nuôi hay không là chuyện của họ. Một số người bị ông Thuận ngăn chặn, không vượt biên được ra nước ngoài để bán bào thai thì quay ra nói xấu, nảy sinh thù hận. Trâu, bò của gia đình ông Thuận thường bị kẻ giấu mặt tấn công gây thương tích, có con bị chém đến 3 lần. Tuy nhiên, ông Thuận vẫn không nản chí. Một số người sau khi đẻ con thì khó khăn, không có tiền nuôi. Họ cho rằng nếu đi bán bào thai thì cuộc sống gia đình đỡ vất vả. Sau đó, họ gọi điện cho ông Thuận để "bắt đền", yêu cầu mua đường, sữa, quần áo cho đứa bé.

"Gặp những trường hợp như thế, tôi mua ít quà đến thăm và tiếp tục giải thích cho họ về công việc của mình. Về sau, họ đều hiểu những việc tôi làm là vì cộng đồng chứ không phải tư lợi gì nên rất thông cảm" - Ông Thuận kể.

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, Nghệ An: Sau 2 năm thành lập, "tổ canh bào thai" ở xã Hữu Kiệm đã đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Tổ đã giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, qua đó nạn mua bán người từng gây nhức nhối trên địa bàn cũng giảm hẳn. Sắp tới, chính quyền H.Kỳ Sơn sẽ nhân rộng mô hình này đến nhiều xã khác. Ngoài ra, huyện sẽ bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép cho cán bộ các cấp, đồng thời xem xét thêm chính sách hỗ trợ nhằm động viên tinh thần những người tham gia.

Bình luận (0)

Lên đầu trang