Quảng Nam:

“Kỳ án” gần 30 năm làm vợ không được công nhận: Công lý đang được thực thi

Thứ Bảy, 17/09/2016 00:11  | Xuân Hoài

|

(CAO) Đầu tháng 5-2013, Báo Công an TP. Hồ Chí Minh có 2 bài phản ánh về việc bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1950, trú tại tổ 19, phường Thanh Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) làm vợ bé ông Lê Đình Tùng (SN 1941, trú phường Cẩm Phô, Hội An, nay đã mất) gần 30 năm.

Bà Hồng đã giúp chồng gây dựng cơ nghiệp, nhưng khi ông Tùng chết thì vợ đầu và các con ông tìm cách “đẩy” người vợ kế ra khỏi nhà để khỏi phải chia thừa kế khối tài sản lớn (một khách sạn lớn tại TP. Hội An) khiến bà điêu đứng phải đi thuê căn nhà rách nát để trú ngụ.

Bao nhiêu năm trời đi kiện, nhưng qua các phiên tòa sơ thẩm của TAND Hội An và phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam, bà Hồng bị “ép” hết sức phi lí, không công nhận bà Hồng là vợ ông Tùng. Nhưng, mới đây, công lý đang được thực thi khi Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giao cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng công nhận bà Hồng là vợ của ông Tùng, được chia theo hàng thừa kế thứ nhất của ông Tùng.

Theo đó, ngày 29-6-2016, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng gồm 9 thành viên tham gia xét xử giám đốc thẩm vụ “tranh chấp về thừa kế tài sản và chia tài sản chung”. Theo HĐXX TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, ông Lê Đình Tùng kết hôn với bà Ngô Thị Thế (được chế độ cũ cấp Giấy hôn thú ngày 9-3-1960), hai người có hai con chung là chị Lê Thị Hoa (SN 1963) và anh Lê Đình Sen (SN 1966). Các đương sự trong vụ án đều thừa nhận năm 1974, ông Tùng đã hỏi cưới bà Nguyễn Thị Hồng và đưa bà Hồng về sống chung như vợ chồng. Ông Tùng và bà Hồng không có con chung.

Trong sổ hộ khẩu thể hiện bà Thế, bà Hồng đều là vợ ông Tùng - Ảnh: Xuân Hoài 

Theo điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định “…Cấm lấy vợ lẽ”, nhưng đến ngày 25-3-1977 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 mới có hiệu lực ở Miền Nam (theo quy định tại Nghị Quyết số 76-CP ngày 25-3-1977 của Hội đồng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước). Vì vậy, khi xem xét quan hệ hôn nhân giữa ông Tùng và bà Hồng xác lập từ năm 1974 thì không áp dụng Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 để tuyên bố bà Hồng không phải là vợ của ông Tùng.

HĐXX Tòa Cấp cao tại Đà Nẵng viện dẫn, tại điểm a, mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định: “Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-1-1960) ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977 ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ…”.

Theo điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9-6-2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3-1-1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000…”.

Khi vụ kiện tụng trở nên căng thẳng, tên bà Hồng trên bia mộ bị xóa vết sơn - Ảnh: Xuân Hoài 

Theo các quy định nêu trên, của pháp luật thì ông Tùng và bà Hồng chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1974 tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) nên được pháp luật công nhận là vợ chồng, bà Hồng là người thừa kế hàng thứ nhất của ông Tùng.

Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không công nhận bà Hồng là vợ của ông Tùng, nên bà Hồng không phải là người thừa kế theo pháp luật của ông Tùng để bác yêu cầu chia thừa kế của bà Hồng cũng là không đúng pháp luật.Về yêu cầu chia tài sản chung của bà Hồng, khi giải quyết lại vụ án cũng cần xem xét, đánh giá công sức đóng góp của bà Hồng trong việc tạo lập khối tài sản chung, trên cơ sở công nhận bà Hồng là vợ của ông Tùng.

Theo đó, HĐXX giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2013/DSPT ngày 31-1-2013 của TAND tỉnh Quảng Nam và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2012/DS-ST ngày 12-9-2012 của TAND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản và chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hồng với bị đơn là bà Ngô Thị Thế, anh Lê Đình Sen, chị Lê Thị Hoa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Trần Thị Duy Tiên, Công ty TNHH Hoa Sen, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.

HĐXX giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) để xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định của pháp luật.

Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử trái khoáy, bà Hồng phải đi ở mướn, không có nơi thờ tự chồng - Ảnh: Xuân Hoài 

Trao đổi với chúng tôi, bà Hồng chia sẻ: “Nỗi buồn của tôi mấy chục năm làm vợ mà bị cấp sở thẩm, phúc thẩm không công nhận là vợ ông Tùng. Nay, quyết định giám đốc thẩm theo hướng công nhận tôi là vợ ông Tùng khiến tôi cảm thấy ấm lòng, mong cơ quan chức năng xét xử lại đúng quy định pháp luật. Nếu được chia thừa kế, vì không có con cái nên tôi cũng dồn tâm sức để làm việc từ thiện”.

Phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam nhận định: “Toàn bộ tài sản của Xí nghiệp sửa chữa tàu thuyền Hoa Sen được chuyển cho Cty Hoa Sen sở hữu, thể hiện qua 60% vốn góp”. Theo tính toán, định giá Cty Hoa Sen gần 46 tỷ đồng, trừ các khoản nợ còn gần 29 tỷ đồng, nếu tính 60% ông Tùng góp vốn vào Cty Hoa Sen được chia 17,3 tỷ đồng (làm tròn số).

Theo định giá tài sản được chia tài sản thuộc sở hữu chung, thì khoản này chia ba người thì ông Tùng, bà Thế, bà Hồng (mỗi người gần 5,8 tỷ đồng). Trong đó, về phần di sản thừa kế, ngoài khoản tiền vốn góp của ông Tùng chia cho hàng thừa kế thứ nhất là bà Thế, bà Hồng, bà Hoa, ông Sen thì 2 lô đất được định giá hơn 8 tỷ đồng cũng được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất như đã nêu”.

TAND tỉnh Quảng Nam khẳng định “Tài sản chung của ông Tùng, bà Hồng và bà Thế chính là phần vốn góp 60% của ông Tùng với tư cách là thành viên công ty (Hoa Sen). Thế nhưng, cuối cùng TAND tỉnh Quảng Nam lại phũ phàng ra quyết định: “Không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Hồng đối với khối di sản của ông Tùng; không chấp nhận chia tài sản chung của bà Hồng đối với khối tài sản của ông Tùng”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang