Đêm 25-3-2010, tại thôn Lập Lá (xã Lâm Sơn, H.Ninh Sơn, Ninh Thuận) xảy ra vụ án giết người, gây xôn xao dư luận. Nhận tin báo của Công an huyện, tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Huế (SN 1977, ngụ TT.Phú Lộc, H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), đến Ninh Thuận mở quán kinh doanh đã vài năm. Chuyên án được xác lập. Đối tượng gây án được lực lượng chức năng xác định là Phạm Bá Thu (quê H.Thọ Lộc, Thanh Hóa).
Gây án xong, Thu bỏ trốn đến nhà anh Trương Văn Thư ở ngã ba Dầu Giây (H.Thống Nhất, Đồng Nai). Ở Đồng Nai được 3 ngày, kẻ thủ ác đón xe về quê nhưng không về nhà, mà đến tá túc tại nhà cậu ruột ở H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ở nhà cậu được một tháng, y bỏ vào Nam.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án xác định Thu xuất hiện tại xã Rạch Chèo (H.Phú Tân, Cà Mau). Một tổ trinh sát lập tức được cử vào miền Tây truy bắt hung thủ. Tại dải đất cuối cùng của đất nước, tổ công tác phối hợp với công an địa phương rà soát tất cả người dân các tỉnh phía Bắc sinh sống trên địa bàn, nhưng thông tin về Thu vẫn bặt tăm.
Đại tá Phan Văn Chỉnh
Không nản lòng, các trinh sát mở rộng rà soát các địa bàn xung quanh. Tới xã Đất Mới (H.Năm Căn, Cà Mau), các anh phát hiện cô giáo N.T.V dạy tại một trường học có quê ở H.Thọ Lộc (Thanh Hóa). Xác minh mối quan hệ của cô giáo này, tổ công tác biết được cô giáo mới có chồng, cũng là đồng hương.
Rà soát thêm, trinh sát được người dân cung cấp thông tin quan trọng: chồng cô V. vóc dáng nhỏ thó, mới về sống tại địa phương, đi làm thuê với một người đàn ông cao to, hay nhậu tại nhà cô giáo V. vào buổi tối.
Kế hoạch đón lõng đối tượng lập tức được triển khai. Đêm 3-6-2010, trời tối đen như mực. Phát hiện trong nhà cô giáo V. có hai gã đàn ông giống như người dân mô tả, tổ trinh sát và đồng nghiệp ở địa phương cập ghe máy, áp sát căn nhà. Căn nhà nhỏ bên dòng sông chỉ có tiếng hai người đàn ông đang "chén chú, chén anh". Lúc này, cô giáo V. đi vắng. Hai gã đàn ông, một người nói giọng Nam, một nói giọng miền Trung đang làm nốt chai "cuốc lủi". Trinh sát nghe thoáng qua, gã nói tiếng miền Trung, người thấp bé còn ca mấy câu vọng cổ nghe là lạ rồi hét to: "Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm", giống như trong phim "Bao Công Thiên".
Một nhóm trinh sát bao vây căn nhà bên sông, đề phòng đối tượng tẩu thoát. Sau cái hất hàm ra hiệu của đồng đội, một nhóm lập tức nhảy từ ghe máy lên thềm nhà. Trông thấy người đàn ông cao to, ở trần trùng trục, một trinh sát nói:
- Chúng tôi là công an cần kiểm tra hành chính. Anh tên gì? Yêu cầu anh cho chúng tôi xem chứng minh nhân dân.
Phạm Bá Thu lúc bị bắt
Vị khách nói rành mạch:
- Tui tên Nguyễn Văn Hùng, sống tại TPHCM.
Người đàn ông còn lại nói tiếng miền ngoài. Tổ công tác thấy hắn rất giống với nhân dạng đối tượng nên hỏi y tên gì. Vẻ mặt bỗng dưng chuyển sắc tái nhợt, hắn ấp úng:
- Tui... tên... Bảy.
Trinh sát quát lên:
- Anh không phải tên Bảy. Anh tên là Phạm Bá Thu, đã gây ra cái chết với chị Huế, đêm 25-3-2010, ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).
- Mấy anh nhầm ai rồi, chứ em mới cưới vợ mà, làm sao ra tận ngoài kia giết người được?
Một đồng chí công an đứng cạnh, quát:
- Sau khi anh giết chị Huế, anh trở về quê, rồi trốn vào đây, lập gia đình mới. Anh có cần chúng tôi cho xem chứng cứ không?
Trông thấy quyết định truy nã có dán ảnh, tên cha, tên mẹ, địa chỉ, nơi sinh..., kẻ thủ ác ngã quỵ. Hắn không ngờ đã trốn vào tận vùng cuối cùng của đất nước nhưng vẫn bị công an tìm ra. Chiếc còng số 8 lạnh tanh bập vào cổ đôi tay gầy gò của kẻ giết người.
Đêm trở gió, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc chỉ nghe tiếng ghe máy chở cảnh sát hình sự di lý đối tượng vào bờ. Tổ công tác đưa tên giết người về trụ sở công an sở tại, chờ sáng hôm sau di lý bằng xe cảnh sát về tỉnh Ninh Thuận. Đồng hồ lúc này chỉ 12 giờ đêm. Tổ trinh sát đã mất nửa tháng xa nhà mới tóm gọn được hung thủ. Bụng đói cồn cào, các anh chỉ kịp pha gói mì cầm hơi.
Bên tách trà chỉ còn chúng tôi và đại tá Chỉnh - người từng chỉ huy lực lượng cảnh sát hình sự miền gió cát Ninh Thuận. Ông tâm sự: "Tội phạm hiện nay rất manh động. Nhiều tên lưu manh còn hiểu rõ luật pháp, nên người lính hình sự đứng trước nhiều thách thức. Họ luôn phải thông minh, mưu trí và dũng cảm trong công tác đấu tranh. Cuộc chiến với tội phạm còn là cuộc đấu trí cân não của lực lượng công an".