Nhóm ác nhân trên tàu cá

Thứ Bảy, 04/01/2020 09:43

|

(CAO) Ngày 3/1, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đỗ Quang Bình cùng đồng phạm về các tội “Giết người" và "Xâm phạm thi thể”.

Tại phiên tòa, căn cứ tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên phạt Đỗ Quang Bình (18 tuổi) và Nguyễn Văn Sinh (18 tuổi, cùng trú tại Bình Định), cùng mức án 9 năm tù về hai tội "Giết người", "Xâm phạm thi thể"; Phạm Hiếu (25 tuổi) mức án 18 tháng tù về tội "Xâm phạm thi thể".

Các đối tượng Nguyễn Văn Sinh, Đỗ Quang Bình và Phạm Hiếu. Ảnh: CTV

Theo cáo trạng, ngày 21/4/2019, tàu cá số hiệu BĐ 30653 TS do Phạm Hiếu - chủ tàu kiêm thuyền trưởng xuất bến tại phường 5, thành phố Vũng Tàu, đi đánh bắt hải sản trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Trên tàu còn có các thuyền viên Nguyễn Văn Sinh, Đỗ Quang Bình, Phan Ngọc Anh Vũ và Lê Văn Long.

Ông Lê Văn Long đã hơn 50 tuổi, có dấu hiệu bị bệnh tim. Trong quá trình đánh bắt hải sản, ông Long mệt nên nhiều lần không tham gia làm việc cùng mọi người. Thấy ông Long không chịu làm việc nên Đỗ Quang Bình, Nguyễn Văn Sinh nhiều lần đánh ông này. Riêng Nguyễn Văn Sinh đã nhiều lần đẩy ông Long xuống biển hù dọa.

Tối 12/5/2019, tàu cá thả lưới đánh bắt mực như thường lệ. Khoảng hơn 20 giờ cùng ngày, khi các thuyền viên kéo lưới thì ông Long không tham gia làm việc mà ngồi ở phía cuối mạn tàu cá. Đỗ Quang Bình gọi ông lên làm việc nhưng ông Long kêu mệt và không làm. Lúc này, Bình dùng tay đánh ông Long.

Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, khi kéo lưới mẻ thứ hai, ông Long vẫn không tham gia làm việc. Bình tiếp tục gọi ông lên làm nhưng không được nên bực tức, rồi dùng tay phải nắm cổ áo ông Long lôi đến mạn trái tàu cá gần khu vực cabin rồi đẩy ông Long xuống biển.

Anh Phạm Hiếu thấy ông Long bị đẩy xuống biển đã gọi một thuyền viên khác là Phan Ngọc Anh Vũ hỗ trợ đưa ông lên tàu. Sau khi được vớt lên, ông Long vẫn mặc quần áo ướt rồi đến vị trí phía trước cabin tàu cá ngồi. Đến khoảng 1 giờ ngày 13/5, khi kéo mẻ lưới thứ ba thì Nguyễn Văn Sinh gọi ông Long làm việc, nhưng lúc này do lạnh và mệt nên ông Long không làm nổi. Nguyễn Văn Sinh lấy đôi dép nhựa màu trắng ném về phía ông Long rồi đi đến chỗ ông ngồi, dùng hai tay ôm ngang người ở phía sau kéo đi đến mạn tàu.

Mặc dù ông Long van nài, năn nỉ, nhưng Nguyễn Văn Sinh vẫn dùng hai tay nhấc người ông lên và đẩy xuống biển, rồi bỏ lên làm việc cùng mọi người. Phạm Hiếu cùng Phan Ngọc Anh Vũ thấy vậy chạy đến và hỗ trợ vớt ông Long lên tàu cá. Sau khi lên tàu, ông Long than lạnh nên được Hiếu cùng hai thuyền viên khác đưa vào khu vực cabin tàu cá thay quần áo và cho uống sữa…

Đến khoảng 5 giờ ngày 13/5, Phạm Hiếu đi vào cabin thấy ông Long không cử động, tay chân co cứng không duỗi ra được, da người tím tái, mặt và mũi bị trào ngược sữa. Phạm Hiếu đưa tay vào gần mũi ông Long thì không thấy có hơi thở. Biết ông Long đã chết, Phạm Hiếu đánh thức các thuyền viên dậy và thông báo sự việc. Hiếu nói các thuyền viên đưa thi thể ông Long đi ướp đá để mang vào đất liền nhưng tất cả đều sợ không dám làm.

Lát sau, Phạm Hiếu, Đỗ Quang Bình, Nguyễn Văn Sinh thống nhất ném thi thể ông Long xuống biển, nếu ai hỏi sẽ nói do ông Long ngã nước mất tích. Lúc này, Phạm Hiếu dùng bộ đàm thông báo tin giả cho các tàu cá xung quanh biết có thuyền viên trên tàu cá của mình say rượu té nước mất tích và đã tìm kiếm nhưng không được.

Còn Nguyễn Văn Sinh cùng Đỗ Quang Bình, Phan Ngọc Anh Vũ khiêng thi thể ông Lê Văn Long ra phía cuối mạn tàu rồi ném xuống biển. Sau đó, Phạm Hiếu, Đỗ Quang Bình, Nguyễn Văn Sinh thống nhất với nhau khi vào bờ nếu ai hỏi sẽ khai báo ông Lê Văn Long rơi xuống biển mất tích, không tìm thấy.

Sau đó, một thuyền viên trên tàu đã đến Đồn biên phòng Bến Đá, Bộ Chỉ huy Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu để tố giác hành vi phạm tội của mọi người.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng Nguyễn Văn Sinh cùng Đỗ Quang Bình là những người thực hiện hành vi đánh đập, đẩy ông Lê Văn Long xuống biển. Các bị cáo nhận thức rõ khi tàu cá đang ở ngoài khơi, trong hoàn cảnh đêm tối, bất kỳ ai sau khi bị đánh rồi đẩy xuống biển cũng sẽ dẫn đến cái chết. Dù không có ý thức tước đoạt mạng sống của ông Lê Văn Long, không có sự bàn bạc trước nhưng hành vi của các bị cáo xâm hại trực tiếp đến tính mạng của bị hại. Cho đến nay, thi thể của nạn nhân không tìm thấy được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang