(CAO) Ngày 3/2/2025, Công an huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) cùng các phòng nghiệp vụ: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng An ninh điều tra và Phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai công tác đầu năm, thông tin: các đơn vị vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an phối hợp điều tra, triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo trên không gian mạng quy mô rất lớn chiếm đoạt tài sản hàng ngàn tỉ đồng của người dân.
Công an
Đắk Lắk làm việc với 4 đối tượng trong đường dây bị triệt phá
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Krông Pắc cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện tại huyện có 1 nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục An ninh mạng - phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã xác minh, truy vết, điều tra, làm rõ, xử lý 57 đối tượng liên quan.
Qua khám xét, Tổ phá án đã thu giữ 45 máy tính các loại, 63 điện thoại, 41 xe máy, 180GB dữ liệu cùng nhiều tang vật chứng liên quan của các đối tượng sử dụng để hoạt lừa đảo trên không gian mạng.
Qua đấu tranh khai thác nhanh, Tổ phá án xác định 4 đối tượng có vai trò chính trong đường dây này, gồm: H’Nguyên Niê Kdăm (SN 1985), Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1988); Nguyễn Trần Trung Hiếu (SN 2000) cùng trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắc và Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1989), trú TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Nhóm đối tượng bị Công an Đắk Lắk khởi tố, bắt giam
Bước đầu các đối tượng khai nhận, từ đầu năm 2024, thông qua ứng dụng Telegram, H’Nguyên Niê Kdăm đã liên hệ với 1 đối tượng không rõ lai lịch để nhận công việc cầm đầu nhóm này tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Sau đó H’Nguyên Niê Kdăm đã lên mạng xã hội tuyển nhiều "nhân viên" để thực hiện hành vi phạm tội; phân chia nhiệm vụ quản lý và thanh toán tiền cho 3 đối tượng Nhàn, Hiếu và Ngọc. Với mỗi cuộc gọi thành công, mỗi "nhân viên" sẽ được trả công 30.000 đồng, mỗi ngày 1 nhân viên được trả khoảng 300 – 600 ngàn đồng.
Cụ thể, phương thức lừa đảo như sau: đối tượng thuê H’Nguyên sẽ gửi cho H’Nguyên các trang chứa thông tin của người dân, bao gồm: họ tên, số điện thoại và địa chỉ để H’Nguyên chuyển cho các "nhân viên tư vấn Telesale". H’Nguyên yêu cầu các "nhân viên" Telesale chuẩn bị điện thoại di động, máy tính, cài đặt 1 phần mềm gọi điện qua internet nhằm tránh sự truy vết của cơ quan chức năng và lắp đặt 3 đường truyền internet tốc độ cao.
Hàng ngày, các "nhân viên" Telesale gọi điện cho khách hàng với kịch bản do H’Nguyên cung cấp, giả danh "nhân viên Công ty TNHH công nghệ TikTok" gọi điện cho khách hàng với nội dung "khách hàng may mắn trúng thưởng phần quà từ TikTik" và đề nghị cung cấp thông tin cá nhân để nhận quà tri ân 0 đồng. Sau đó yêu cầu kết bạn Zalo với tài khoản của "Công ty" để gửi địa chỉ nhận quà.
Các đối tượng bị lực lượng Công an bắt giữ tại hiện trường
Bên cạnh đó còn có thể tham gia làm việc tại nhà bằng cách xem video, like tăng tương tác để nhận tiền thưởng từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng cho mỗi lần thực hiện. Sau khi đã tạo được lòng tin, các đối tượng sẽ đưa các nhiệm vụ gọi là "thương mại điện tử", chúng hứa hẹn khách hàng sẽ được nhận tiền hoa hồng khi mua các sản phẩm của "Công ty" cung cấp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ "Công ty" sẽ trả lại số tiền ban đầu và trả thêm từ 20-30% tiền hoa hồng. Với các giao dịch với số tiền nhỏ thì khách hàng được nhận lại đầy đủ như thỏa thuận đề tạo lòng tin. Nhưng khi thực hiện các giao dịch với số tiền lớn thì các đối tượng lại đưa ra nhiều lý do như sai cú pháp, sai lệnh... để khóa tài khoản của khách hàng và chiếm đoạt tiền.
Theo điều tra ban đầu, hàng ngày các đối tượng sử dụng thông tin trái phép của khoảng 50.000 người dân, thực hiện trên 100.000 cuộc gọi để thực hiện hành vi lừa đảo. Qua thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, các đối tượng trong đường dây đã chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng. Riêng nhóm đối tượng ở tỉnh Đắk Lắk đã được trả công trên 200 tỷ đồng.
Nhiều người dân đã bị nhóm đối tượng lừa đảo trên chiếm đoạt số tiền rất lớn, bình quân từ và chục triệu đến hàng tỷ đồng. Nhóm Telesale này quy định sau 15 ngày sẽ xoá toàn bộ dữ liệu trên "trang tính" để tiêu huỷ chứng cứ. Trong nhóm các "nhân viên" này, có những đối tượng chỉ mới hơn 16 tuổi và có đối tượng đã hơn 50 tuổi. Vì thấy "việc nhẹ, lương cao" mà không biết hành vi của mình đang tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật; bản thân trở thành kẻ lừa đảo, lừa đồng bào mình.
Hiện cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng có tên nêu trên về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Qua Báo Công an TPHCM, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo và đề nghị những ai là bị hại, bị lừa chiếm đoạt tiền hoặc bị có các hành vi liên quan theo phương thức, thủ đoạn nêu trên, liên hệ với Điều tra viên Phạm Tú Anh, số điện thoại: 0966.639.569 hoặc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ số 58 Nguyễn Tất Thành, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, số điện thoại 0694.389.131 hoặc 0694.389.133 để trình báo. Trường hợp không đến trình báo, cơ quan An ninh điều tra sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Từng nhóm đối tượng trong tổng số 57 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đại án trên đã bị Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ trong thời gian qua