Công an TPHCM:

Khuyến cáo các biện pháp phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng

Thứ Tư, 18/12/2024 09:47

|

(CAO) Tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, diễn ra vào sáng nay (18/12), Thượng tá Trần Tiến Quang – Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM đã nêu lên những cách thức nhận diện tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng và khuyến cáo các biện pháp phòng, chống.

Theo Thượng tá Trần Tiến Quang, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu và khách mời tham dự Tọa đàm
Các thủ đoạn tội phạm truyền thống trong hoạt động tín dụng như: Vi phạm trong hoạt động cho vay, thẩm định giá tài sản đảm bảo, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra hồ sơ vay, lập khống hồ sơ, phương án vay, cho vay các công ty trong cùng hệ sinh thái để quay dòng tiền (đảo nợ, phát hành trái phiếu sai mục đích), cố ý làm trái quy định của ngân hàng, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy trình cấp tín dụng, kho quỹ, cho vay khi tài sản thế chấp không đảm bảo, chuyển tiền trái phép, gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hiện nay xuất hiện tội phạm phi truyền thống hoạt động trên không gian mạng, trên các nền tảng ứng dụng trực tuyến, xuyên biên giới, đa quốc gia và không kể thời gian ngày hay đêm.
Thượng tá Trần Tiến Quang – Phó Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM phát biểu

Loại tội phạm này chủ yếu sử dụng công nghệ cao để lừa đảo khách hàng có liên quan đến các vụ án đang điều tra, phải cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tạo dựng website, đường link, ứng dụng giả mạo của các ngân hàng, cơ quan nhà nước... để chiếm đoạt thông tin tài khoản.

Các nhóm tổ chức tội phạm trên không gian mạng còn nhắm vào các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, chứng khoán để phát tán mã độc, tấn công vào máy chủ, hệ thống quản lý dữ liệu của các công ty tài chính, tổ chức tín dụng đễ đánh cắp dữ liệu, phá hoại hệ thống để đòi tiền chuộc, chiếm đoạt tiền và lấy cắp thông tin cá nhân của khách hàng để bán trục lợi, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh gây thiệt hại cho khách hàng và các tổ chức tài chính có liên quan.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây tội phạm hoạt động mua bán trái phép hoá đơn tại các tỉnh, thành trên cả nước nói chung, tại TP.HCM nói riêng có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp có tổ chức, với quy mô thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Với hình thức xuất hóa đơn điện tử, các đối tượng không cần gặp mặt vẫn có thể trao đổi việc mua bán hóa đơn công khai trên các mạng xã hội như: Zalo, facebook, telegram… gây thất thu số tiền thuế rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Các đối tượng không chỉ bán hoá đơn cho các doanh nghiệp để trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế, mà còn xuất bán cho các doanh nghiệp có nhu cầu, nhằm tạo doanh số ảo để thực hiện các hành vi phạm tội khác như: Vi phạm quy định về cho vay, phát hành trái phiếu sai mục đích, chuyển tiền trái phép qua biên giới, thực hiện các hành vi tham nhũng.

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - Giám đốc Dự án Phòng chống lừa đảo và ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm dự án ChainTracer, Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tham dự Tọa đàm

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định số khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” phát hiện tại Trường Cao đẳng giao thông Vận tải Trung ương III.

Đặc biệt, Thượng tá Trần Tiến Quang cho biết thời gian gần đây các đối tượng tội phạm còn sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lừa đảo đầu tư tài chính, đầu tư tiền số vào các sàn giao dịch ảo do các đối tượng lập nên. Sau khi dẫn dụ người dân tham gia đầu tư với số tiền rất lớn, các đối tượng lừa đảo đánh sập trang mạng để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

“Thời gian qua Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp nhận nhiều thông tin tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên hiện nay tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra xử lý tội phạm”.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng và các Công ty tài chính cần đầu tư công nghệ, nâng cấp hệ thống an ninh mạng, bảo mật thông tin khách hàng để hạn chế việc tấn công của tội phạm trên không gian mạng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các TCTD đặc biệt tại các bộ phận hay xảy ra sai phạm…

 
Ban tổ chức chương trình Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành: Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Công ty CP Địa ốc Kim Oanh - Kim Oanh Group; Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON; Tổng Công ty Điện lực TPHCM - EVN HCMC; Công ty cổ phần AlphaTrue; Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Kyros; Công ty Cổ phần Truyền thông Công nghệ AC.
Toạ đàm Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang