Quảng Nam: Bí ẩn trong “trang trại kiểu mẫu”

Thứ Năm, 28/05/2015 05:58  | Xuân Hoài

|

(CAO) Gần một tháng thâm nhập, điều tra xác minh, phóng viên Báo CA TP.HCM đã “vạch mặt” chân tướng mạo danh “trang trại kiểu mẫu”, cải tạo trồng rừng để khai thác đá trái phép mà chính quyền địa phương làm ngơ và cơ quan chức năng của huyện cũng biết nhưng chưa kiểm tra xử phạt lần nào…

Lãnh đạo UBND xã “tiếp tay”?

Trung tuần tháng 4-2015, chúng tôi nhận tin báo của người dân về việc tại khu “trang trại” của đại gia Phan Ngọc Anh (Giám đốc Cty TNHH-Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh) tại thôn Phú Đa 2 (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) có việc khai thác đá trái phép.

Bên trong “trang trại” là một “công xưởng” khai thác, chế biến đá trái phép

Qua nhiều ngày quan sát, khu “trang trại” trên nằm cạnh nhà máy gạch Duy Thu (thuộc Cty Phan Ngọc Anh) với diện tích khoảng 5 ha được xây tường rào hoành tráng phía trước, xung quanh được khoanh lưới B40 rất quy mô. Phía bên trong là hàng loạt xe múc, xe ben đậu đỗ, hoạt động như một công xưởng giữa chốn không người. Rất nhiều tảng đá to tướng được múc lên nằm lổn ngổn, trong đó nhiều tảng đá đã được cưa xẻ to hơn cả mặt bàn. Một khu trại được làm bằng sắt kiên cố, trên che bạc và bên dưới có nhiều công nhân chế biến đá chẻ.

Người dân hết sức bức xúc vì sự việc đó diễn ra đã khá lâu mà chưa thấy cơ quan chức năng nào xử lý. Người dân cũng hiểu rằng, đụng đến đại gia Ngọc Anh thì “khó xử lí cũng đúng?”. Có thông tin đáng tin cậy (một cán bộ HĐND xã Duy Thu xác nhận), thì người khai thác đá tên Khánh (ông Anh bàn giao việc khai thác đá cho ông này) ở khu “trang trại” đó đã mang 30 triệu đồng đến nộp cho xã nên mới được “du di”…
Từng tảng đá lớn được khai thác, cưa xẻ nhưng không bị xử lý

Đem những bức xúc của dân, ngày 23-4-2015, chúng tôi làm việc với ông Phan Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Duy Thu và ông Phan Thế Kế (cán bộ địa chính xã). Ông Sơn cho rằng, khu đất trồng cây lâu năm đó do ông Phan Tám chuyển nhượng lại cho ông Ngọc Anh để ông Anh làm “trang trại kiểu mẫu”. Và hai vị này nói “xã đã làm việc với huyện Duy Xuyên, và xã tạo điều kiện cho ông Ngọc Anh làm mô hình kiểu trang trại mẫu”. Nhưng khi chúng tôi hỏi, trang trại kiểu mẫu là như thế nào thì ông Sơn ậm ừ: “Thì chỉ trồng cây lâu năm”.

Cũng theo ông Sơn, sau khi ông Ngọc Anh phát hiện có đá ở trong “trang trại” đã giao cho ông Nguyễn Văn Khánh (trú tại xã Duy Thu) khai thác. “Đúng ra phát hiện đá nhiều phải báo cho xã. Nhưng họ trồng cây và hất đá qua một bên, nếu bán hay cưa xẻ thì phải thông qua địa phương để báo lên cấp trên”, ông Sơn nói.

Thế nhưng, khi chúng tôi chứng minh có việc khai thác, cưa xẻ, chở đi… thì ông Sơn lấp liếm: “Địa phương không có quyền thu. Nếu có cưa xẻ thì không được chở đi. Hiện chúng tôi cũng chưa kiểm tra kỹ”. Còn chuyện “nộp cho xã 30 triệu đồng” thì ông Sơn cho rằng “không có chuyện đó”.

Huyện cũng biết nhưng… chưa kiểm tra

Sau đó vài ngày, chúng tôi có làm việc với ông Nguyễn Thế Hởi, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Duy Xuyên. Ông Hởi khẳng định huyện chưa hề làm việc và chưa nhận báo cáo, hồ sơ nào về việc khu trồng cây lâu năm của ông Ngọc Anh làm “trang tại kiểu mẫu” như lời của chủ tịch UBND xã Duy Thu.

“Tôi có nghe người dân báo ở đó có hầm đá. Đúng ra phát hiện có đá với số lượng lớn như thế là xã phải báo cáo lên huyện để huyện có phương án giải quyết, xử lý theo quy định. Đằng này, việc khai thác như thế là vi phạm Luật Khoáng sản rồi. Còn nếu xã tự ý thu phí mà không thông báo huyện là xã sai rồi. Sắp tới chúng tôi sẽ đi kiểm tra để có hướng xử lý”, ông Hởi nói.

Đoàn xe tải dùng để vận chuyển đá

Kể từ khi “thấy động”, việc hoạt động khai thác đá trái phép tại khu “trang trại” trên có tạm lắng xuống, nhưng cũng được một vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Từ những thông tin phóng viên cung cấp, phòng TNMT sau đó mới đi kiểm tra.

Ngày 14-5-2015, phòng TNMT huyện Duy Xuyên đã đến lập biên bản tại khu đất trồng cây lâu năm của ông Ngọc Anh có nhiều vi phạm. Trong biên bản làm việc cho thấy: “Qua kiểm tra hiện trạng khu đất xin cải tạo trồng cây lâu năm của ông Anh, tổ công tác phát hiện tại hiện trường nằm trong khu đất của ông Anh có một bãi đá tảng lăng, trong đó có công nhân đang đục đá chẻ theo phương pháp thủ công, một xe múc, một máy bơm nước do ông Nguyễn Văn Khánh khai thác và chế biến thủ công (đá chẻ).

“Tổ công tác yêu cầu ông Khánh - người khai thác đá và ông Anh - chủ sử dụng đất dừng ngay việc khai thác đá và chế biến đá, di chuyển toàn bộ máy móc; các phương tiện sử dụng cho khai thác đá ra khỏi khu vực khai thác đá”. Biên bản ghi.

Làm việc với chúng tôi, ông Hỡi cho rằng, sau việc lập biên bản làm việc này, phòng TNMT đang làm đề xuất lãnh đạo huyện hình thức xử lý theo quy định.

Thế nhưng, mặc dù cơ quan chức năng đã chỉ đạo dừng việc khai thác và chế biến, nhưng phía ông Anh và ông Khánh vẫn không chấp hành, những ngày vừa qua vẫn khai thác, chế biến như chưa có chuyện gì xảy ra. Điều đó khiến người dân hết sức bức xúc và cho thấy ông Ngọc Anh và ông Khánh coi thường cơ quan chức năng, pháp luật như thế nào?.

Vạch mặt chuyến xe “bí ẩn”

Chiều ngày 25-5, phóng viên Báo CA TP.HCM nhận tin báo của người dân tại khu đất của ông Ngọc Anh công nhân đang bốc đá chẻ với số lượng lớn lên xe tải cỡ lớn. Ngay lập tức, phóng viên từ Đà Nẵng chạy lên hiện trường (khoảng 70km) để ghi nhận tình hình. Qua quan sát, chúng tôi thấy trong khu đất của ông Anh có rất nhiều đá tảng cỡ lớn, bên cạnh đó có rất nhiều đá chẻ được bốc xếp lên xe tải BS: 92C-06011. Tại hiện trường vẫn còn xe múc, máy móc thiết bị phục vụ công việc xẻ đá (tuy cơ quan chức năng đã yêu cầu kéo ra khỏi khu đất) và một số xe ben chở đất tại khu đất này ra khỏi cổng và chở đi đâu không rõ…

Khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, khi đá đầy ắp nửa thành xe, lái phụ xe cho trùm bạt lại kín mít rồi tài xế điều khiển xe BS: 92C-06011 ra khỏi cổng. Xe chạy ra đường DT 610, trực chỉ hướng về thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) để ra quốc lộ 1A. Ngay lập tức, phóng viên liên lạc với Công an và Đội CSGT huyện Duy Xuyên phối hợp xử lý.

Lực lượng CSGT huyện Duy Xuyên dừng xe tải BS: 92C - 060.11 để kiểm tra xử lý

Ra tới quán mỳ Quảng Mỹ Sơn (xã Duy Châu, Duy Xuyên) lái phụ xe xuống ăn mì khoảng 30 để chờ trời chập choạng tối mới chạy tiếp. Điều đáng nói, tuy xe chở hàng nặng nhưng tài xế chạy xe rất nhanh, khiến xe chạy sau xin vượt cũng không được.

Khoảng 17 giờ 30, khi xe BS: 92C-06011 đang tới khu vực thị trấn Nam Phước thì có hai chiến sĩ CSGT Công an huyện Duy Xuyên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Sau đó, xe được đưa về trụ sở Công an huyện. Vụ việc được trưởng Công an huyện giao cho đội Cảnh sát kinh tế (CSKT) xác minh làm rõ.

Theo điều tra viên Nguyễn Khánh, Đội phó đội CSKT thì, đến 18 giờ 30 ngày 25-5, lái xe Trần Ngọc Châu (SN 1986, trú Duy Xuyên) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp về lô hàng đá chẻ trên xe BS: 92C-06011 nên Công an huyện lập hồ sơ xử lý theo quy định.

“Hiện chúng tôi đang tạm giữ lô hàng để truy ra nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng” điều tra viên Nguyễn Khánh nói. Phóng viên Báo CATP cũng đã cung cấp hồ sơ và hình ảnh bất hợp pháp của lô hàng trên cũng như hình ảnh tại hiện trường mấy lâu nay ông Anh và ông Khánh tự tung tự tác khai thác khoáng sản trái phép để công an bổ sung hồ sơ xác minh làm rõ.

Lô đá trên xe tải BS: 92C - 060.11 và tài xế không xuất trình được giấy tờ hợp lệ

Ngày 27-5, ông Nguyễn Thế Hởi, trưởng phòng TNMT huyện Duy Xuyên cho biết: “Theo lịch, trong tuần này mời ông Khánh xuống làm việc để lập biên bản xử lí hành chính (biên bản làm việc ngày 14-5-2015). Nhưng chiều tối 25-5, Công an (và phóng viên) đã phát hiện xe BS: 92C - 060.11 chở đá chẻ vi phạm nên ngày 26-5 đã cử anh em phối hợp với Công an huyện, xã Duy Thu để tiếp tục kiểm tra tại khu đất của ông Ngọc Anh, có hướng đề xuất lãnh đạo huyện giải quyết sự việc”.

“Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện UBND xã Duy Thu có thu 30 triệu đồng như phản ánh (có phiếu thu) và đang cho kiểm tra tài chính để làm rõ bản chất sự việc”, ông Hởi thông tin.

Còn ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định: Chúng tôi đang chỉ đạo Công an huyện phối hợp với phòng TNMT cùng đơn vị chức năng giải quyết quyết liệt, rốt ráo để làm dứt điểm vụ việc này, tránh bức xúc lâu trong dư luận, nhân dân”.

Đề nghị, cơ quan chức năng huyện Duy Xuyên phải xử lý mạnh tay như lời của ông Chủ tịch huyện đã trao đổi với phóng viên để lấy lại niềm tin trong nhân dân!

Bình luận (1)

Phải xử lý mạnh tay các hành vi làm đạo đức giả. Nói là trồng cây rừng nhưng thật chất là khai thác tài nguyên của nhà nước. Nếu làm nhẹ tay thì sẽ làm cho người dân nghĩ như thế nào? Hãy cho thấy sự cứng rắn và cho người dân thấy sự an toàn của nhà nước. Cảm ơn.

Lê Văn Lực - Thứ Tư, 03/06/2015, 20:44 Trả lời | Thích
Lên đầu trang