Sau nhiều ngày chứng kiến nhiều diện tích rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ bị “rút ruột”, phóng viên tiếp tục theo đoàn chức trách vượt đường xa, băng rừng lội suối, kiểm đếm từng gốc cây, diện tích rừng bị phá; triệu tập các đối tượng vi phạm để phục vụ công tác điều tra;…
Kiểm tra đúng như báo nêu
Như Báo Công an TP.HCM thông tin, đầu tháng 8, nhận được thông tin phá rừng phòng hộ tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) rất rầm rộ, lâm tặc vô tư hạ gỗ rồi vận chuyển ra khỏi rừng, đưa đi các nơi tiêu thụ như ở chốn không người.
Phóng viên nhiều ngày đi thực tế vào rừng do Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải quản lý và bảo vệ. Đường Xa Lời bắt đầu từ bản 4 (xã Vĩnh Ô) và đường Lò Than (từ ngã ba Thạch Cao, xã Vĩnh Hà) từ cửa rừng chạy xuyên qua rừng phòng hộ, gặp nhau tại ngã ba khe Xa Lời chính là “con đường máu” mà lâm tặc đã mở để khai thác, vận chuyển gỗ.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra một khu vực rừng bị khai thác trái phép
Từ phản ánh của báo chí, ngày 5-8, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra. Trước đó, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo quyết liệt.
Ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh biết được thông tin rừng bị phá, lập tức trao đổi với lãnh đạo các xã, ngành yêu cầu báo cáo sự việc, chủ trì các cuộc họp để làm rõ.
Báo cáo bước đầu xác nhận tình trạng người địa phương khai thác gỗ, người dân các xã lân cận vận chuyển thuê gỗ bằng xe trâu và vận chuyển bằng xe reo ra khỏi rừng rồi đưa đi tiêu thụ. Vì thế phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị để gỗ “chui lọt” qua các chốt, trạm.
Lực lượng chức năng đang nghỉ ngơi trên hành trình
Sau nhiều ngày trăn trở, mất ăn mất ngủ chỉ đạo các lực lượng vào cuộc, ngày 3-8, ông Trần Hữu Hùng phê bình trách nhiệm của 4 đơn vị: kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ, chính quyền địa phương và Công an xã Vĩnh Ô cùng Công an huyện Vĩnh Linh; đề nghị thay đổi cán bộ các tổ công tác của kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ trên địa bàn và phải có hình thức xử lý nghiêm minh.
Ông Hùng kiên quyết mạnh tay để nhằm ngăn chặn việc phá rừng, bảo vệ rừng. Ngày 3-8, ông Hà Sỹ Đồng – phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ban ngành liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ vụ phá rừng tự nhiên ở Vĩnh Linh.
Lực lượng liên ngành đột kích vào rừng
Đến ngày 4-8, ông Trần Hữu Hùng ra lệnh huy động lực lượng, phương tiện tham gia kiểm tra, truy quét các tổ chức, cá nhân chặt phá rừng trái phép.
Lực lượng gồm Công an huyện, Hạt kiểm lâm, phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT, BQL rừng phòng hộ, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải,… gần 60 người có nhiệm vụ kiểm tra thực tế hiện trường tại các địa điểm có thông tin phá rừng ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà; phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác, cất giữ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép; phát hiện lâm sản có nguồn gốc không hợp pháp để xử lý.
Lực lượng Công an huyện Vĩnh Linh kiểm kê, đo đếm gỗ
Sáng 5-8, lực lượng chia thành 2 nhóm đi vào rừng thuộc xã Vĩnh Ô và xã Vĩnh Hà từ ngày 5 đến 8-8. Phóng viên theo đoàn trở lại các địa điểm ghi nhận phá rừng. Đây được xem là cuộc truy quét lớn và lực lượng mạnh nhất từ trước đến nay.
Tại ngã ba khe Xa Lời, có hơn 4m3 gỗ được tập kết tại đây. Ở đồi phía Tây ngã ba, có hàng chục cây gỗ bị đốn hạ. Diện tích rừng ở đây không phải bị tàn sát theo kiểu phá rừng làm nương rẫy mà có chọn lọc khi lâm tặc chỉ chọn những cây to, gỗ tốt. Còn hàng chục phách gỗ khác vẫn ở hiện trường do lâm tặc chưa kịp đưa ra khỏi khi biết tin có lực lượng truy quét.
Ngược đồi núi đi về phía Bắc khoảng 700m có 8 phách gỗ Chũa (nhóm 6), mỗi phách dài 4 – 5m, cao 30-40cm, rộng 35-45cm. Đại diện ngành kiểm lâm và chủ rừng khẳng định đây không phải gỗ thuộc rừng của Vĩnh Linh vì không còn cây gỗ lớn như vậy.
Các lãnh đạo nhận định đây có thể là gỗ từ rừng của các địa phương khác, khi lâm tặc vận chuyển qua đường này thấy có động liền vứt bỏ lại rồi đi xe không ra ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải thừa nhận rừng bị phá thuộc các tiểu khu 580, 581, 582 và 583 nằm trong diện tích gần 1.200ha rừng phòng hộ tại xã Vĩnh Ô.
Về trách nhiệm của chủ rừng, ông Hùng cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ rừng do lực lượng mỏng: 17 người, chia chốt tại 3 trạm trong khi diện tích rừng rộng lớn, địa hình hiểm trở, có nhiều cửa rừng.
Lối đi vào rừng tự nhiên
Trước đây đơn vị có hợp đồng với 20 người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng nhưng kinh phí hạn hẹp, trách nhiệm công việc không cao nên việc bảo vệ không hiệu quả...
Về ngành kiểm lâm, ông Nguyễn Long vừa tiếp nhận chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh từ ngày 1-8-2016 (thay ông Bùi Quang Linh có nhiều sai phạm bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền) dẫn đầu tổ công tác của ngành cũng tích cực trong đoàn truy quét.
Có những sai sót, có những lỗ hổng lớn của ngành kiểm lâm xảy ra trong thời gian ông Linh phụ trách. Trước thông tin về việc cán bộ kiểm lâm “tiếp tay”, làm ngơ cho lâm tặc, ông Long cho biết chưa thể khẳng định được. Nhưng chắc chắn ngành kiểm lâm sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và làm rõ sai sót (nếu có).
Những ngày truy quét lâm tặc, đích thân đại tá Lê Phương Nam – Trưởng Công an huyện cùng đại úy Hồ Ngọc Hải, trung úy Nguyễn Như Hiếu, trung úy Hoàng Thanh Hải, thiếu úy Nguyễn Đình Khánh, thiếu úy Trần Đình Tuấn Anh cùng nhiều đồng chí khác trực tiếp băng rừng, lội suối đến các điểm xảy ra phá rừng để xác minh, điều tra vụ việc.
Thu giữ gỗ do lâm tặc bỏ lại rừng
Ban đầu, công an đã triệu tập 2 đối tượng là người dân bản địa để làm rõ hành vi khai thác trái phép lâm sản và mở rộng điều tra vụ việc. Việc mời 2 đối tượng đến làm việc cũng là một quyết định khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh, sự kiên quyết đối với ngành công an bởi người dân địa phương lâu nay bám vào rừng, sống nhờ rừng.
Một bộ phận không nhỏ còn tiếp tay, làm thuê cho lâm tặc nên luôn bảo vệ nhau nếu bị lực lượng chức trách tìm đến. Trong 3 ngày truy quét, lực lượng liên ngành thu giữ gần 20m3 gỗ các loại, ghi nhận nhiều diện tích rừng bị phá. Chỉ trong một tuần, các lực lượng chức trách đã phát hiện, thu giữ hơn 40m3 gỗ các loại.
Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng kiểm lâm bắt 23 vụ vận chuyển gỗ trái phép với 120m3 gỗ. Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, Công an huyện bắt hàng chục vụ vận chuyển gỗ trái phép, trong đó có nhiều vụ gỗ vô chủ. Theo nhận định, đây là con số rất nhỏ so với lượng lớn gỗ đã thất thoát ra khỏi rừng.
Đặc biệt, có những vụ chở gỗ trái phép về cho cán bộ, lãnh đạo đã được cơ quan chức năng làm rõ. Thành công lớn nhất của đợt truy quét này là làm rõ và sẽ xử lý các đối tượng phá rừng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, rừng vắng bóng lâm tặc; tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tính răn đe cao,… đối với một bộ phận khác đã và có ý định phá rừng trái phép.
Cuộc chiến giữ rừng còn lâu dài và gian khổ
Việc phá rừng tự nhiên ở Vĩnh Linh đã diễn ra từ lâu và “nóng” lên trong thời gian gần đây. Chính ông Khổng Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận rất khó để ngăn chặn triệt để.
Để ngăn chặn lâm tặc, hạn chế phá rừng, ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh chỉ hướng giải quyết: “Công tác quản lý bảo vệ rừng còn diễn biến lâu dài, phức tạp nên cần có các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của chính quyền và các cơ quan chức năng và toàn thể nhân dân.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường rừng bị khai thác
Về lâu dài, huyện sẽ kiến nghị cấp trên để tổ chức phân công lại cán bộ, nếu cần thiết thì phải thay đổi các vị trí công tác. Huyện chỉ đạo các xã thống kê các hộ có xe trâu và phải cấm không cho vào rừng vận chuyển gỗ. Nếu địa phương nào để xảy ra việc này thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
Tỉnh, huyện sẽ xem xét chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất để giao cho dân quản lý, khai thác, sử dụng và hưởng lợi trực tiếp. Có như vậy mới đảm bảo kế sinh nhai, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, qua đó hạn chế người dân phá rừng tự nhiên trái phép”.