“Có đưa tôi ra xử bắn thì cũng thế thôi”
Ngày 31-8, Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị Tổng kết công tác điều tra, xử lý vụ án “Nguyễn Văn Thúy cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả, hài cốt”.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” trở về địa phương, vợ chồng Nguyễn Văn Thúy (SN 1959, trú thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) và Mẫn Thị Duyên (54 tuổi) tiếp tục hành nghề tìm kiếm mồ mả, hài cốt lệt sỹ (HCLS) bằng cách lấy tiểu sành cũ, giao cho Nguyễn Văn Hoành (47 tuổi, em ruột Thúy) đưa đi chôn làm giả mộ.
“Cậu Thủy” – Nguyễn Văn Thúy (ngoài cùng bên trái) và đồng bọn đã bị pháp luật trừng trị
Thúy dùng phương thức “quy vong”, “nhập vong” để người nhập đi theo hướng xác định; Duyên đi sau lưng người nhập vong để “dẫn vong”, “dỗ vong” hỗ trợ cho Thúy “điều khiển vong” đến hiện trường dựng sẵn. Với mỗi bộ hài cốt tìm được, Thúy nhận được 120 – 150 triệu đồng.
Năm 2010, nhu cầu tìm kiếm HCLS lớn nên Thúy, Duyên, Hoành lôi kéo thêm Mẫn Đức Phương (em ruột Duyên), Nguyễn Anh Chiều (con rể Duyên), Nguyễn Trường Sơn (29 tuổi, trú thôn Yên Sào, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) và Vũ Đức Chung (70 tuổi) - nhân viên quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) huyện Đăk Tô (Kon Tum) vào cuộc.
Thủ đoạn của chúng là ban ngày giả làm khách đến viếng NTLS thắp hương, tìm mộ liệt sĩ, ban đêm lẻn vào cạy lật từng phần mộ rồi bốc đất, xương, chia thành các nhóm rồi đem chôn cùng các đồ dùng cũ: bi-đông, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo của bộ đội rồi cho vào các hố chôn tập thể. Khi cất bốc HCLS, Thúy chỉ cho mọi người các vị trí có HCLS đã tạo dựng trước.
Chiều 25-7-2013, nhóm của “cậu Thủy” cùng Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXHVN) cất bốc HCLS qua “Chương trình tìm kiếm, quy tập HCLS” của NHCSXHVN tại thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị) thì bị cơ quan chức năng phát hiện, vạch trần.
Ngày 28-10-2013, Công an Quảng Trị bắt Thúy, Duyên và sau đó là các đối tượng còn lại. Từ tháng 12-2012 đến tháng 10-2013, Thúy và đồng bọn đã lấy trộm khoảng 70 mộ HCLS, làm giả 97 bộ HCLS tại Quảng Trị, Bình Phước và Đắk Lắk, chiếm đoạt 7 tỷ đồng của NHCS XHVN và thêm 8 bộ HCLS, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của 8 gia đình.
Đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Ngày 16-10-2015, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Thúy án chung thân, Duyên 25 năm tù, Hoành 23 năm tù, Phương 18 năm tù, Sơn 15 năm tù, 4 năm tù, Chung 1 năm án treo; phải hoàn trả hơn 8 tỷ đồng cho bị hại. Phương và Chiều kháng cáo. Ngày 21-1-2016, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.
Đại tá Nguyễn Huỳnh Đường – phó Thủ tưởng Cơ quan ANĐT Công an Quảng Trị kể lại những khó khăn trong quá trình điều tra: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng, nhiều địa phương, hoạt động có tổ chức với nhiều đối tượng có quan hệ khép kín, thủ đoạn tinh vi là lợi dụng lĩnh vực tâm linh, sự cả tin và nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ.
Đây cũng là lĩnh vực mà lần đầu cơ quan ANĐT tiếp xúc nên kinh nghiệm chưa nhiều. Phần lớn các đối tượng có tiền án, tiền sự nên rất ngoan cố, có nhiều kinh nghiệm đối phó, rất lỳ lợm, khai báo nhỏ giọt.
Thúy nhiều lần tuyên bố: “Bây giờ có đưa tôi ra xử bắn thì sự việc cũng thế thôi, tôi không còn gì để khai nữa. Duyên thì kêu oan, nói chồng được “Thánh mẫu, bề trên” gửi gắm, có khả năng “soi” thấy HCLS. Mặt khác do vụ án được phát hiện chậm nên chúng có thời gian bàn bạc khai báo, tiêu hủy tài liệu chứng cứ”.
Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Bộ Công an, sự phối hợp của các cơ quan liên quan, nhân dân tin tưởng, Cơ quan ANĐT Công an Quảng Trị chủ động xác minh điều tra, khắc phục, tháo gỡ khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, với ý chí quyết tâm tấn công, trấn áp tội phạm đến cùng, nhạy bén sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, làm tốt công tác thông tin, phối hợp, kết hợp,… nên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Hồi chuông cảnh tỉnh, đừng mơ hồ tìm hài cốt bằng ngoại cảm
Thành công lớn, nổi bật là buộc các bị can phải cúi đầu nhận tội, bị pháp luật trừng trị; ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng lĩnh vực tâm linh của Thúy và đồng bọn bởi chúng đã lên kế hoạch thực hiện ở các địa phương khác nữa. Tội ác này không thể dung tha về pháp luật, đạo đức và tâm linh.
Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn tin tưởng, kỳ vọng vào quá trình tìm kiếm HCLS bằng con đường ngoại cảm, tâm linh. Thực tế thì phong trào tìm kiếm HCLS như vậy sau đó gần như chấm dứt trên cả nước.
Đại tá Nguyễn Huỳnh Đường – phó Thủ tưởng Cơ quan ANĐT Công an Quảng Trị
Trung tướng Trần Đăng Yến – phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh Bộ Công an
Những năm trước đây, xe trên Quốc lộ 1A mỗi ngày có hàng chục chuyến xe dán biển đỏ “Tìm kiếm HCLS”, không ai kiểm soát được, không ai biết họ chở gì. Và từ năm ngoái đến nay hầu như không thấy tình trạng này nữa.
Trung tướng Trần Đăng Yến – phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh Bộ Công an nhấn mạnh: “Đây là một trong những vụ án hiếm có mà ANĐT Quảng Trị và các cơ quan liên quan đã thực hiện gần đầy đủ các hoạt động theo quy định tố tụng mà lâu nay ít thực hiện.
Vụ án được tiến hành khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình điều tra. Chúng ta có thể khẳng định, tự hào rằng đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền hoặc không thuộc đối với cơ quan ANĐT và các địa phương hoàn toàn có khả năng làm tốt, thành công”.
Trung tướng Trần Đăng Yến chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc đó là vụ việc không thuộc lĩnh vực, khả năng, kinh nghiệm của ANĐT nên ban đầu còn lúng túng.
Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo ở một số khâu chưa được chặt chẽ, còn bị động, tiến độ còn chậm so với yêu cầu của cấp trên, so với nhu cầu cần biết thông tin của nhân dân, thân nhân liệt sĩ.
Vì vậy, yêu cầu các đơn vị, các địa phương làm tốt khâu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong và ngoài lực lượng, thực hiện đầy đủ các khâu tố tụng. Tài liệu, nguồn tin phải bắt nguồn từ công tác trinh sát, nắm bắt tình hình, địa bàn cơ sở, chú ý những hiện tượng bất thường trong xã hội, phải luôn đặt ra những câu hỏi, những nghi vấn,...
Ông Mai Thức – phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt. Sau chiến tranh, trên địa bàn tỉnh có 72 Nghĩa trang liệt sĩ với gần 60 vạn liệt sĩ. Đây là con số rất lớn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy, quy tập.
Vì thế công tác này luôn được các cấp, các ngành và thân nhân liệt sĩ thực hiện. 10 năm trở nay xuất hiện phương thực tìm kiếm HCLS bằng tâm linh. Vấn đề này khoa học vẫn chưa chứng minh được. Trong khi đó các nhà ngoại cảm, làm rất nhiều chuyện về HCLS phi đạo đức, phi nhân tính để mua bán kiếm tiền.
Khi nhận được báo cáo ban đầu về vụ việc, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu phải điều tra làm rõ. Lãnh đạo NHCSXHVN đề nghị UBND tỉnh phải làm lễ an táng, nhanh chóng đưa vào nghĩa trang. Tuy nhiên chúng tôi cân nhắc, bàn bạc kỹ, thống nhất với các lực lượng, cơ quan chức năng để làm rõ vụ án”.
Sau vụ án, NHCSXHVN đã tài trợ cho Quảng Trị 7,5 tỷ để tổ chức trại sáng tác điêu khắc tại Thành cổ Quảng Trị và khánh thành ngày 27-2016. Hiện đã thực hiện việc thi hành án, thu được gần 6 tỷ đồng của “cậu Thủy”.
Các cơ quan chức năng đang giải quyết, xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục xử lý vụ án, một số việc liên quan đến NHCSXHVN, Bộ LĐ-TB&XH, những HCLS đã cất bốc, an táng...
Ghi nhận thành công vụ án, đóng góp to lớn của các cơ quan, Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Trị, Huân chương Chiến công hạng Ba cho 2 cán bộ Công an Quảng Trị; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, Khoa Xét nghiệm Viện Pháp y quân đội - Cục quân y Bộ Quốc phòng, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Trị và 3 cá nhân thuộc Công an Quảng Trị; Bằng khen của Bộ Công an cho 2 tập thể, 7 cá nhân; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho 2 tập thể và 4 cá nhân; Tổng Cục An ninh tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 6 cá nhân; Giám đốc Công an Quảng Trị tặng Giấy khen của cho 9 tập thể và 11 cá nhân.