"Sóng ngầm trên đảo ngọc"

Thứ Năm, 03/03/2016 08:51

|

(CATP) Thu tiền phí bảo kê những người làm phu khuân vác, đám giang hồ máu mặt còn ngăn chặn không cho thuyền bè cập bến vào cảng cá, nếu không chịu giao hàng cho nhóm "người vận chuyển" của chúng với giá cao. Ngang nhiên hoạt động bất chấp pháp luật, băng giang hồ bảo kê tại cảng cá và một số khu vực giáp ranh đang ngày đêm gây hoang mang cho người dân trên đảo ngọc Phú Quốc.

TỪ GIANG HỒ CẢNG

“Ngư dân cảng cá bị một nhóm xã hội đen nơi khác đến đòi thu phí bảo kê, không nộp thì bị bọn chúng phá phách, ngăn cản cập bến bán hải sản. Vụ việc xảy ra khiến ngư dân ở cảng An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang khốn đốn”, đó là tâm thư của một người dân địa phương gửi lên Báo Công an thành phố phản ánh tình hình. Lần theo những đầu mối cung cấp, chúng tôi đã xuống tận nơi thực địa, tìm hiểu thông tin.

Ghé một quán nước bên đường gần chợ An Thới, ngồi một lúc chúng tôi nghe những người đàn ông tuổi ngũ tuần hỏi nhỏ nhau tình hình hoạt động của đội “pan” (người khuân vác hàng của cảng cá) đã trở lại như cũ chưa. Một vài cái lắc đầu, xua tay ngán ngẩm thì thầm “có ai dám làm đâu”. Thấy vậy, chúng tôi ngỏ ý hỏi chuyện, tuy nhiên người đàn ông đưa ánh nhìn tỏ vẻ nghi ngại rồi lảng tránh.

Một nhóm giang hồ bảo kê cho máy ủi san bằng đất của dân, dù đất đang trong quá trình tranh chấp, đợi tòa án giải quyết (ảnh người dân cung cấp, cắt từ clip)

Sau một hồi lân la tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân khởi nguồn từ việc ông S. - một người làm nghề khuân vác đang di chuyển ra cảng thì bị một nhóm người chặn đường, đòi 10.000 đồng tiền phí bảo kê. Không đồng ý, ông S. bị nhóm người này lao vào đánh hội đồng để “dằn mặt”. Dù vết thương không đến nỗi nghiêm trọng, song sự việc cũng khiến những phu khuân vác như ông S. rơi vào cảm giác hồi hộp, lo sợ.

Nguyên nhân xuất phát từ khi trên địa phận cảng cá An Thới xuất hiện một nhóm người đến thành lập đội “pan” mới. Cũng từ đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thêm hỗn loạn. Tự cho mình là “nhà điều hành”, nhóm này trấn áp không cho tàu ghe cập cảng cũ, bắt họ phải di chuyển sang cảng mới để đội “pan” của nhóm này khuân vác hàng và lấy giá cao hơn. Một số thương lái không chịu thì bị chúng đe dọa, thậm chí xua đuổi không cho cập bến.

Nhóm giang hồ phá rào của dân tại xã Cửa Cạn (ảnh dân cung cấp, cắt từ clip)

Sự việc cũng khiến những người làm nghề khuân vác lâu nay tại cảng cá cũ rơi vào tình trạng mất việc. Nếu không muốn gia đình bị thiếu đói, những phu khuân vác buộc phải qua cảng mới làm việc và nộp phí “bảo kê”. Ai không chịu nộp tiền thì bị nhóm người này ngăn cản không cho làm, thậm chí gây sự đánh bầm dập. Vụ việc xảy ra hơn một tháng nay khiến người dân sống trong cảnh lo lắng, khiếp sợ, song không ai dám báo cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm “pan” này do một đối tượng tên Tèo “mỡ” quản lý. Tuy nhiên, hắn cũng chỉ là một trong những “chân rết” thuộc dạng “cò con”. Phía trên Tèo còn có kẻ “đàn chị” khác là Th. “mỡ” - một nữ quái từng xộ khám vì hành vi chém người gây thương tích. Sau thời gian thụ án, Th. “mỡ” quay về sinh sống tại khu vực thị trấn Dương Đông và bắt đầu vỗ ngực xưng danh, thu phục đàn em để hoạt động “bảo kê”.

Dưới trướng của Th. có khoảng vài chục tên đàn em mặt rô, chủ yếu xuất thân từ An Giang và một số tỉnh miền Tây. Chọn Phú Quốc làm điểm cát cứ, nhóm này thường xuyên tổ chức đánh bài, cho vay nóng và đòi nợ thuê. Phần lớn các đối tượng đều là những kẻ từng mang nhiều tiền án, tiền sự và nghiện ngập.

ĐẾN GIANG HỒ ĐẤT

Ngoài chuyện nhóm “pan” mới do Tèo “mỡ” cầm đầu khiến cảng cá An Thới “dậy sóng” thời gian qua thì việc nhiều nhóm giang hồ đứng ra bảo kê “đất chỉ” (đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cũng khiến người dân thấp thỏm lo sợ ảnh hưởng tính mạng.

Dẫn chúng tôi ra khu đất tại xã Cửa Dương, chị H. lo lắng: “Khu đất này hiện đang tranh chấp, đợi tòa án giải quyết, vậy mà cả tuần nay Công ty N.S thuê người đến nhổ hàng rào, trấn áp ông Chín (người giữ đất) để san bằng hết cây cối, vườn tược của nhà tôi. Đây là mảnh đất được người dân khai khẩn trước năm 1990, phải vất vả lắm chúng tôi mới trồng cây được trên đất cát này. Năm 2009, tôi có nhờ cán bộ địa phương đến bấm tọa độ thì họ xác định đây không phải là đất rừng, hay đất không được khai thác nên tôi mua lại, đang chờ thủ tục thì năm ngoái bỗng dưng có Công ty N.S lại trấn áp, giành đất”.

Không riêng gì hộ chị H. bức xúc trước tình trạng bỗng dưng bị chiếm đất, tại khu đất này còn có 25 hộ dân khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Những hộ này đều là cư dân lâu đời sống tại huyện đảo, lập nghiệp từ khi vùng đất còn hoang sơ. Để trồng được cây xanh tươi tốt trên đất cát như hôm nay, họ đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, tiền của trong thời gian dài để cải tạo. Tuy nhiên, chỉ sau vài đêm, toàn bộ khu đất vườn của họ bị một nhóm người đến trấn áp, san bằng. “Nhiều người lao động nghèo bị chúng đe dọa, hoang mang đến nỗi phải bỏ đất, bỏ vườn đi tìm nơi khác sinh sống. Nhìn công sức mình vun trồng nhiều năm liền nay tan hoang, chúng tôi đau lòng lắm mà không biết phải kêu ai”, ông Lê Hữu Dũng (ngụ xã Cửa Dương) bức xúc nói.

Những cơn “sóng ngầm” của các băng nhóm giang hồ cát cứ “dậy sóng” vì sự ăn theo của các dự án khai thác du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Khi nhiều nhà đầu tư tranh nhau tìm những phần đất có vị trí đẹp để phát triển dự án thì đất đai tại Phú Quốc bỗng dưng “sốt” hừng hực. Phần lớn, nguồn gốc đất tại đây do người dân huyện đảo sống lâu năm khai phá, chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng. Lợi dụng điều này, một bộ phận đại gia thuê các băng nhóm máu mặt đến cưỡng đoạt, chiếm dụng. Bởi thế, dù có trong tay giấy tờ thành quả khai phá đất hoang thành vườn cây trĩu quả, người dân vẫn bị “đuổi” trắng trợn ra khỏi nhà cửa, đất đai của mình.

Một nhóm giang hồ bảo kê cho máy ủi của Công ty N.S san bằng đất của dân, dù đất đang trong quá trình tranh chấp, đợi tòa án giải quyết (ảnh dân cung cấp, cắt từ clip)

“Giá đất sốt nhất từ năm 2014, khi tấc đất thành tấc vàng, từ đó cuộc sống người dân cũng đảo lộn. Mỗi ngày, họ luôn nơm nớp lo sợ phần đất mình khai phá bị người khác đến tranh cướp. Khu đất nào càng có giá thì càng nhiều người nhảy vô tranh giành. Do đất chưa có giấy tờ hợp pháp nên mạnh ai nấy tranh, người nào “dữ, mạnh” hơn người đó thắng. Vì vậy mới có tình trạng thuê giang hồ giành “đất chỉ”. Không chỉ vậy, một số người tham lam còn “liếm” sâu vào phá đất rừng, cắm trụ rào để bán phi pháp khiến tình hình càng trở nên phức tạp”, anh H. (công ty du lịch) tại thị trấn Dương Đông tiết lộ.

Mới đây, nhóm giang hồ Tuấn Em bị công an triệt phá do bắn chết hai người tại Lion Garden Beer Club. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vẫn còn ít nhất ba nhóm giang hồ cát cứ đang “đóng quân” trên địa bàn huyện đảo, trong đó Th. “mỡ” là nhóm có thủ lĩnh nữ duy nhất. Hai nhóm còn lại là D. “sông Hồng” và D. “Tư Hào”. Đàn anh D. “sông Hồng” khoảng 40 tuổi, tập hợp “chân rết” chủ yếu từ Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh miền Trung. Bản thân D. “sông Hồng” từng có ba tiền án.

Nhóm tập trung nhiều đối tượng nghiện ngập nên rất liều lĩnh, thường tổ chức bảo kê “đất chỉ” và các hàng quán nhậu, karaoke. Thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, nhóm D. “sông Hồng” còn đón Tết trong trại tạm giam một tuần vì tội cố ý gây thương tích tại quán nhậu L.S.G (thị trấn Dương Đông). Riêng nhóm D. “Tư Hào” có thể xem là trẻ nhất. Dù hơn 30 tuổi, nhưng D. “Tư Hào” cũng có “máu mặt” về tiền án chém người trọng thương. Nhóm này hiện chủ yếu hoạt động bảo kê mại dâm, đánh bài.

Được biết, ngoài ba nhóm cát cứ trên thì nỗi khiếp sợ nhất của người dân là tình trạng một số đại gia thuê những băng nhóm manh động từ nơi khác đến, mỗi khi có tranh chấp lớn. Chúng thường có vài chục người, mỗi phi vụ chỉ thực hiện trong một đêm rồi nhanh chóng rút đi nơi khác. Vì vậy, nhóm này manh động, liều lĩnh và đáng sợ hơn.

Ông Hoàng Đình Trường - Phó chủ tịch thị trấn An Thới - cho biết: Ngay sau khi vụ việc xảy ra tại cảng cá An Thới, dân có báo lên địa phương thì phía công an đến xác minh, lấy lời khai đối tượng gây rối. Sau đó, thị trấn có phối hợp với trinh sát huyện điều tra, biết nhóm này do cảng cá thuê từ thị trấn Dương Đông, khoảng hơn chục người. Qua điều tra, phát hiện nhóm có xưng hùng xưng bá gây ảnh hưởng đến anh em nghiệp đoàn cũ, nên thị trấn đã có công văn gửi lên huyện, yêu cầu chấm dứt hợp đồng với nhóm đối tượng này.

(Còn tiếp)

 

Bình luận (3)

PQ giờ có còn là Đảo ngọc ?! Hàng dừa huyền thoại làm nên thương hiệu PQ giờ còn đâu khi tình trạng cát cứ, lấn chiếm vô tội vạ; Thị trấn Dương Đông nhà cửa mọc lên san sát xuấ xí, các khu resort mọc lên như nấm sau mưa đã "cướp" hết các bãi tắm thơ mộng.. còn con người thì trở nên dữ dằn hơn thuở nào v.v.. Buồn thay cho một nơi từng dc ví như là thiên đường hạ giới..

Lê Hoàng - Thứ Năm, 03/03/2016, 15:34 Trả lời | Thích

Phòng chống tội phạm ở phú quốc kém ,cán bộ lãnh đạo ở đâu để cho bọn côn đồ gây tác yêu tác quái thế này thì du khách xin thua đảo Ngọc

Mai Minh - Thứ Năm, 03/03/2016, 11:26 Trả lời | Thích

Nếu đúng như phản ảnh của bài viết, thì đây không phải là "Đảo ngọc" mà nó là "Đảo loạn" chớ Ngọc gì mà như vậy mấy ông ơi. Mong rằng chính quyền Kiên Giang cũng như chính phủ lắng nghe và xem xét nội dung bài báo này để có cách xóa bỏ triệt để tệ nạn này (băng nhóm giang hồ, xã hội đen, ma túy, kể cả đại gia, công ty nào có dính dáng tới giang hồ, xã hội đen, bảo kê đều xử lý thẳng tay, không cho đặt chân tới đảo này nữa, cho dù chúng ta đang kêu gọi đầu tư, tôi xin nhắc lại nhà nước nên thẳng tay trừng trị những đại gia như thế này, có thể một phần của tệ nạn trên Đảo nói riêng, cả nước nói chung cũng từ các đại này mà ra'; nếu không người dân có quyền đặt vấn đề là các Quan chức có dính dáng đến những loại như thế này, bởi vì thực tế có không ít những chuyện như thế này) để trả lại đúng tên của nó là "Phú Quốc là Đảo Ngọc" ./.

ĐBSCL - Thứ Năm, 03/03/2016, 10:19 Trả lời | Thích
Lên đầu trang