TAND TP.HCM tuyên vụ thuốc ung thư giả, kiến nghị điều tra chi hoa hồng cho bác sĩ

Thứ Sáu, 25/08/2017 10:46  | Kim Phát

|

Ngày 25-8, sau 5 ngày xét xử và nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Công ty CP VN Pharma.

Ngoài việc tuyên án các bị cáo, buộc nộp số tiền thu lợi, TAND TP.HCM còn kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng.

Cựu lãnh đạo lãnh án cao nhất

Nhóm các bị cáo bị cáo buộc tội "Buôn lậu" gồm: Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) lãnh 12 năm tù.

Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Thương mại và hàng hải quốc tế H&C) lãnh 12 năm tù , Nguyễn Trí Nhật lãnh 5 năm tù, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) lãnh 4 năm tù, Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng Phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma) lãnh 3 năm 6 tháng tù, Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng VN Pharma) 3 năm tù.

Nhóm các bị cáo bị truy tố tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" lãnh án gồm: Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu và phát triển VN Pharma) lãnh 18 tháng tù, Phạm Văn Thông (dược sĩ) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Sapharco) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngoài ra tòa còn tuyên các bị cáo có liên quan nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao điều tra làm rõ trách nhiệm của một số đối tượng liên quan, kiến nghị điều tra làm rõ việc chi hoa hồng cho bác sĩ, làm trõ trách nhiệm của các cán bộ Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế, nếu đủ căn cứ xử lý thì truy cứu trách nhiệm hình sự

Cực kỳ nguy hiểm cho xã hội

HĐXX TAND TP.HCM nhận định Hùng biết rõ nguồn gốc xuất xứ không đạt chuẩn, bị cáo thấy có nhu cầu trong nước nên đã nhập khẩu về Việt Nam bán nên xử tội “Buôn lậu” là có căn cứ.

Theo quy định quyền hạn, chức năng của Cục Quản lý Dược thuộc BYT thì Cục QL Dược chỉ đạo, nghiệp vụ chuyên môn Dược trong phạm vi cả nước, căn cứ vào hồ sơ để cấp phép cho Cty nhập khẩu thuốc. Kết luận giám định trong hồ sơ là khách quan nên không nhất thiết phải trả hồ sơ, điều tra bổ sung.

Các bị cáo giúp sức cho Hùng để thực hiện hợp đồng nhập thuốc giả vào Việt Nam nên VKSND TP HCM giữ nguyên quan điểm truy tố.

Sau khi đánh giá khách quan vụ án, HĐXX nhận định Hùng, Cường hợp tác nhập khẩu thuốc trị bệnh ung thư. Dựa vào thỏa thuận, Cường cung cấp cho Hùng giấy bán hàng cùng nhiều hồ sơ khác. Cường không cung cấp nhãn mác, tiêu chuẩn nên Hùng chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ để hợp thức hóa nhập khẩu thuốc 200.000 hộp thuốc điều trị ung thư.

Sau khi có giấy phép nhập khẩu, Hùng chỉ đạo nhân viên tạo dựng hợp đồng giả, lùi ngày ký hợp đồng để phù hợp giấy phép, nâng giá thuốc lên cao,…

Công ty VN Pharma mở tờ khai hải quan nhập khẩu thuốc, Hùng có vai trò chủ mưu chỉ đạo nhân viên nhập khẩu 9300 hộp thuốc tương đương 5,3 tỉ đồng. Đủ cơ sở buộc tội bị cáo Hùng phạm tội buôn lậu.

Hành vi của bị cáo Hùng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến việc quản lý ngoại thương của nhà nước về thuốc nên cần phải xử lý nghiêm bị cáo. Bị cáo đã ngăn chặn hậu quả xảy ra vì ngay khi bị phát hiện đã phối hợp với cơ quan chức năng đi giám định chất lượng thuốc…

Các bị cáo nguyên là nhân viên của Công ty VN Pharma chỉ là đồng phạm giúp sức cho Hùng, là nhân viên công ty không biết hết tất cả các hành vi của Hùng nên xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho nhóm các bị cáo.

Lập hồ sơ khống nhập thuốc

Thông qua Cường, năm 2013, Hùng đã chỉ đạo Công ty VN Pharma đã nhập 9.300 hộp thuốc chữa bệnh ung thư nhãn mác công ty Helix Canada về kho. Do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu nên Cục Quản lý dược đã yêu cầu Hùng và Cường giải trình, đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô hàng trên không cho bán ra thị trường.

Công an xác định Hùng thỏa thuận với Cường mua thuốc chữa bệnh ung thư với giá 27 USD/hộp. Sau khi thỏa thuận được giá, Cường đã đặt mua thuốc từ một người nước ngoài tên Raymundo (chưa rõ lai lịch) chỉ 18 USD/hộp để hưởng chênh lệch.

Người này cung cấp cho Cường các giấy chứng nhận bán hàng tự do tại Canada, giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho công ty Helix Canada và được đóng dấu hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy tất cả giấy tờ trên đều là giả.

Do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược nên Hùng chỉ đạo nhân viên thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc chữa bệnh ung thư với giá 2.000 USD. Sau khi viết xong, Thông đưa cho Duy đóng dấu Công ty Helix Canada và chuyển cho Loan đi xin giấy phép nhập khẩu.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Hùng chỉ đạo nhân viên cấp dưới hợp thức hồ sơ nhập khẩu, chứng từ thanh toán tiền nhập khẩu trái phép 9.300 hộp thuốc chữa bệnh ung thư không rõ nguồn gốc vào Việt Nam tiêu thụ.

Theo các cơ quan chức năng lô thuốc chữa bệnh ung thư này chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2014, Hùng còn chỉ đạo nhân viên thuê dược sĩ để chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác, giả con dấu và chữ ký của giám đốc, nhân viên Công ty Helix Canada để Công ty Pharma đăng ký lưu hành thuốc và xin cấp phép nhập khẩu tại Cục Quản lý dược; làm giả hợp đồng mua bán thuốc với một công ty ở Hồng Kông để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc. Trị giá hàng buôn lậu là hơn 5 tỉ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang