Theo cáo trạng, anh T.V.T (SN 1987) kinh doanh xe chở khách loại 47 chỗ ngồi, chạy từ Vũ Thư (Thái Bình) đến Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) lúc 6 giờ và 13 giờ 30 hàng ngày. Đầu năm 2018, anh Trần Ngọc Hoàng (SN 1983, trú Vũ Thư, Thái Bình) mua xe loại 9 chỗ để kinh doanh chở khách xuất phát lúc 14 giờ hàng ngày từ Vũ Thư đi Hà Nội. T. nhận thấy xe của anh Hoàng chạy sát giờ xe mình nên nghĩ bị ảnh hưởng về số lượng khách, liền nhờ Bùi Mạnh Tiến (SN 1995, là con nuôi Đường “Nhuệ”, trú huyện Vũ Thư) cùng với Phạm Văn Sáng (SN 1991) đến nói chuyện với anh Hoàng lùi giờ xuất phát lúc 15 giờ hàng ngày. Yêu cầu này, anh Hoàng không đồng ý.
Do anh Trần Ngọc Hoàng không lùi giờ xe chạy theo yêu cầu nên ngày 22-5-2018 Bùi Mạnh Tiến rủ các bị can Phạm Văn Sáng, Phạm Ngọc Dũng, Bùi Đình Phương Nam, Nguyễn Tuấn Long, Nguyễn Minh Đức đến nhà anh Hoàng với mục đích đánh dằn mặt. Trên đường đi, các đối tượng mặc áo, đội mũ và đeo khẩu trang để tránh bị phát hiện. Tới 19 giờ cùng ngày, khi cách nhà anh Hoàng 100m, Dũng và Long đứng ngoài ngõ chờ, còn Tiến, Sáng, Nam, Đức đi vào nhà anh Hoàng. Cả 3 đều cầm theo 1 con dao, Nam bê 1 hộp bìa các-tông, mục đích giả khách của anh Hoàng gửi đồ đi Hà Nội.
Các bị cáo tại tòa
Nam đã dùng dao chém vào cổ tay anh Hoàng; Tiến và Đức cũng dùng dao chém 8 nhát vào tay và chân anh Hoàng. Sau khi gây án, 6 bị can ra về và vứt hung khí xuống sông. Vụ việc khiến nạn nhân bị đa chấn thương tứ chi, tỷ lệ tổn thương 44%. Cơ quan Công an huyện Vũ Thư sau đó thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tại cơ quan điều tra, Tiến, Sáng, Long, Hoàng Văn Phi (người được nhờ đi cùng gây án) đã khai nội dung vụ án.
Công an huyện Vũ Thư ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật anh Hoàng, nhưng anh Hoàng sau đó có đơn từ chối giám định và có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với người gây thương tích. Trung tuần tháng 7-2018, Công an huyện Vũ Thư ra quyết định dẫn giải Hoàng đến Trung tâm Pháp y để giám định nhưng anh này không có mặt ở địa phương do làm ăn xa. Sau đó, Công an huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chỉ xử phạt hành chính đối với Phạm Văn Sáng và Hoàng Văn Phi về hành vi “xâm hại sức khỏe người khác”, đồng thời tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, tháng 5-2020, anh Hoàng có đơn gửi cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xử lý vụ việc mình bị chém gây thương tích. Bản kết luận pháp y của Viện Pháp y quân đội xác định tỷ lệ tổn thương của anh Hoàng là 44%.
Ngày 28-5-2020, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết địnhkhởi tố vụ án hình sự về hành vi “cố ý gây thương tích” và chuyển vụ án đến Công an tỉnh Thái Bình. Ngày 29-10-2020, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khởi tố vụ án “Làm sai lệch hồ sơ, vụ án, vụ việc” và khởi tố bị can đối với Hoàng Hồng Hạnh (SN 1978) và Nguyễn Bằng Gian (SN 1981) đều là điều tra viên Công an huyện Vũ Thư về hành vi trên. Vụ án này vẫn đang trong giai đoạn điều tra.
Đối với hành vi của T.V.T, cơ quan công tố xác định không nhờ đánh anh Hoàng hoặc yêu cầu Hoàng đưa tiền, không thỏa thuận trả thù lao hoặc lợi ích vật chất. Việc các bị can đến nhà anh Hoàng để đánh, chém anh T. không biết và không được bàn bạc. Vì vậy, T. được xác định không là đồng phạm. Hiện gia đình Tiến “trắng” đã khắc phục số tiền 130 triệu đồng cho gia đình anh Hoàng, trên tổng số số tiền hơn 300 triệu đồng mà anh Hoàng yêu cầu bồi thường.
Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “nhuệ”) và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến “trắng”).
Trước đó, ngày 18-10, Tòa án nhân dân TP.Thái Bình đã tuyên phạt Bùi Mạnh Tiến 1 năm tù về tội "xâm phạm chỗ ở công dân", cùng hành vi và cùng mức án còn có Nguyễn Xuân Đường.
Vào đầu năm 2017, ông Nguyễn Văn Lẫm (Giám đốc Công ty Lâm Quyết) cùng vợ là Phạm Thị Quyết vay của vợ chồng Đường 1,7 tỉ đồng. Đến chiều 3-10-2017, biết tin vợ chồng ông Lẫm không có mặt tại Thái Bình, Đường cùng Tiến tới Công ty Lâm Quyết đòi tiền. Đến nơi, thấy có nhiều người cùng ô tô, xe cẩu đỗ ở công ty này, Đường nói mọi người không được lấy tài sản ra ngoài, phải chờ vợ chồng ông Lẫm về giải quyết. Chờ đến cuối chiều không thấy vợ chồng ông Lẫm về, Đường giao cho Tiến ở lại chờ còn Đường về nhà.
Sáng hôm sau, công nhân Công ty Lâm Quyết đến làm, thấy Tiến cùng một số người khác trong công ty nên ra về, chỉ còn hai em trai ông Lẫm ở tại khu nhà phía sau công ty. Đến chiều 6-10-2017, Đường đuổi hai người này ra khỏi công ty. Từ ngày 3 đến 19-10-2017, theo chỉ đạo của Đường, Tiến cùng một số người lạ đã xâm nhập, chiếm giữ trái phép, ăn ngủ, sinh hoạt tại văn phòng Công ty Lâm Quyết, cũng là nơi ở của vợ chồng ông Lẫm. Có đủ căn cứ truy tố Đường và Tiến về tội xâm phạm chỗ ở của công dân.
Tại tòa, bị cáo Đường khai vợ chồng ông Lẫm vay của vợ chồng bị cáo 2,2 tỉ đồng gồm khoản vay trước 1,7 tỉ đồng, khoản sau 500 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng ông Lẫm còn vay của bố mẹ Đường 600 triệu đồng. Đường thừa nhận có chỉ đạo Tiến ở lại Công ty Lâm Quyết nhưng là để chờ vợ chồng ông Lẫm về. Đường cũng thừa nhận đã gọi điện thoại chửi bới, đe dọa ông Lẫm. Đường khai không chỉ đạo lấy tài sản của Công ty Lâm Quyết. Theo bị cáo, gỗ tại Công ty Lâm Quyết đã được anh Hà (con trai ông Lẫm) đồng ý cho một người tên Kiên lấy đi. Đường biết số gỗ này được bán cho ai, nếu cơ quan tố tụng cần thì sẽ giúp làm rõ.
Theo Đường, tới ngày 19-3-2017, thấy anh Nguyễn Trung Kiên lấy gỗ đi, Đường cho rằng ông Lẫm tẩu tán tài sản nên bảo Tiến: “Bố con mình thua rồi, lượn đi”. Đường cho rằng Công ty Lâm Quyết thuê đất để làm nơi kinh doanh, không phải là chỗ ở nên Đường và Tiến không phạm tội xâm phạm chỗ ở công dân như cáo trạng của VKS truy tố.
HĐXX cho rằng quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết nên đề nghị điều tra lại là không có căn cứ. Theo tòa, mặc dù bị cáo Đường không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa đã đủ cơ sở để xác định Đường đã chỉ đạo bị cáo Tiến xâm nhập, chiếm giữ trái phép, ăn ngủ, sinh hoạt tại văn phòng Công ty Lâm Quyết, cũng là nơi ở của vợ chồng ông Lẫm mà không được sự đồng ý của gia đình họ.