TỪ thông tin báo chí phản ánh về vấn nạn taxi dù lộng hành, clip của một thanh niên giật nhanh tờ tiền 500 ngàn đồng tráo thành tờ 20 ngàn đồng của khách đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an quận 3 vào cuộc điều tra. Không lâu sau đó, đối tượng bị bắt giữ và được đưa về trụ sở để làm việc. Nhận tin báo, chúng tôi lập tức đến để lấy tin. Trước mặt chúng tôi là một thanh niên còn khá trẻ và vẻ mặt cũng không có gì quá “hầm hố”. Điều quan trọng là tại cơ quan điều tra, anh ta tỏ ra rất thành khẩn với hành vi của mình.
Vì muốn kiếm tiền nên anh ta đã dán logo, số điện thoại giả taxi HTX 27-7 để đón khách. Khu vực hoạt động chủ yếu tập trung ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3) và nhắm vào khách nước ngoài. Hôm đó, anh ta nhận khách Hàn Quốc với lịch trình đến sân bay Tân Sơn Nhất giá 400 ngàn đồng. Khi đến nơi, trong lúc khách đưa tờ tiền 500.000 đồng, đối tượng liền giật nhanh rồi tráo thành tờ 20.000 đồng và vờ là khách đưa nhầm tiền, mục đích để đòi thêm…
Anh ta tên L.Q.B (quê Long An 7). Đây là lần đầu tiên đối tượng thực hiện hành vi tráo đổi này. Khi bị tung clip lên mạng xã hội, B. hoảng sợ nên cũng bỏ trốn khỏi nơi cư trú một thời gian. Tuy nhiên, trước sự quyết tâm phá án của Công an quận 3, hơn 1 tháng sau, B. bị bắt giữ.
Điều đáng nói, B. bị bắt trước hôm làm lễ kết hôn đúng 1 ngày. Do đó, có lẽ đó là khoảng thời gian mà B. cảm thấy rối bời nhất. Hành vi sai trái của B. phải được xử lý nghiêm, nhưng khi nghĩ đến cảnh cô gái đang náo nức chờ đến ngày hợp hôn cùng người bạn đời thì xót xa quá đỗi. Chúng tôi còn nhớ, hôm đó, trung tá Đới Ngọc Thắng - Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, cũng trăn trởkhi đối tượng bị bắt giữ vào thời điểm oái ăm này.
Sau một lúc suy nghĩ khi nắm được thông tin của B., trung tá Thắng đã chủ động đề xuất với Ban chỉ huy để có hướng xử lý phù hợp nhất. Cuối cùng, một phần vì sự thành khẩn của B., một phần vì mong ngày hạnh phúc của anh ta và vị hôn thê được trọn vẹn, Công an quận 3 đã quyết định sử dụng biện pháp cho người nhà lên bảo lãnh để B. được tại ngoại làm lễ rước dâu; đồng thời buộc cam kết sau đó khi mọi thứ hoàn tất, B. sẽ quay trở lại trụ sở để tiếp tục làm việc với công an.
Nhìn thấy B hôm đó với khuôn mặt hối lỗi và đôi mắt gợn buồn, chúng tôi cũng đồng tình với sự sẻ chia rất hợp lẽ của cơ quan điều tra. Cả hai bên thống nhất thông tin vẫn sẽ đăng báo để phục vụ cho công tác tuyên truyền, nhưng để tránh gây ảnh hưởng và xáo trộn đến cuộc sống gia đình của B., chúng tôi đã viết tắt tên, đồng thời không cho đăng rõ hình đối tượng.
Không phải là điều gì quá to tát, nhưng chúng tôi tin rằng đây là cách xử lý án nhân văn của cơ quan điều tra và hơn ai hết, B. chính là người cảm nhận rõ nhất. Đó có thể cũng chính là động lực để B. nhìn nhận ra sai lầm một cách sâu sắc và sẽ phấn đấu để trở thành người tốt, không đi vào “vết xe đổ” lần nữa.
Trước đó, chúng tôi cũng nhận một thông tin Đội điều tra tổng hợp Công an quận 3 đang thụ lý vụ án trộm cắp tài sản, nên đến lấy thông tin. Dù đã được sự đồng ý của Ban chỉ huy công an quận, nhưng cuối cùng vụ việc đã không được phản ánh. Hôm ấy, tiếp xúc với chúng tôi là một điều tra viên đã nhận được lệnh cung cấp án. Nhưng chỉ trong hơn 10 phút nói chuyện, chúng tôi thống nhất ra về tay không.
Theo lời điều tra viên, kẻ gây án là một sinh viên tại một trường đại học có tiếng của thành phố; gia cảnh rất nghèo khó, chỉ vì trong lúc túng quẫn, không làm chủ được bản thân, anh này đã vào chùa lấy trộm tài sản. Chúng tôi vẫn nhớ lời của anh cán bộ điều tra: “Hay là thôi em à, trường hợp này cũng tội lắm, chỉ là một phút lỡ lầm, đối tượng lại là sinh viên nên sợ việc đăng báo sẽ ảnh hưởng tương lai của một con người”.
Nghe vậy, chúng tôi cũng cười đáp: “Dạ, anh nói vậy rồi thì em cũng không viết nữa, cho qua anh nhé”. Dùcó mất chút thời gian chạy tới chạy lui, nhưng chúng tôi thấy ấm lòng trên quãng đường về.
Mới đây nhất, khoảng cuối tháng 9-2019, trên địa bàn quận 3 xảy ra một vụ ẩu đả của một nhóm học sinh từ mâu thuẫn trên mạng, khiến một em phải nhập viện trong tình trạng khá nặng. Ngay khi tiếp nhận nguồn tin, chúng tôi cũng liên lạc với Ban chỉ huy Công an quận để xin thông tin viết bài.
Phía công an cho biết: “Vụ việc đang được điều tra. Những đối tượng tham gia gây án cũng được triệu tập để lấy lời khai. Tuy nhiên, vì họ đang trong độ tuổi vị thành niên nên trước mắt sẽ được gia đình bảo lãnh và trởvề trường, để tiếp tục việc học. Các báo mạng đua nhau đăng tải thông tin khiến nhà trường (nơi các học sinh đang theo học) rất đau đầu. Đôi khi chỉ vì một sự cố ngoài ý muốn, nhưng tiếng tăm của nhà trường nói riêng và cả ngành giáo dục nói chung bị ảnh hưởng ít nhiều. Đó là chưa kể việc học tập của các em cũng bị tác động phần nào. Nếu được thì báo chí không nên tập trung vào vụ này nữa”. Sự lý giải rất hợp tình này khiến chúng tôi một lần nữa “bỏ cuộc” trong vui vẻ.
Công tác nhiều năm trong nghề, chúng tôi cũng hiểu rằng thông tin về vụ án thì lúc nào cũng cần, vì phóng viên viết bài sẽ có nhuận bút cũng như đủ chỉ tiêu bài vở và trên hết góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giữ gìn ANTT cho thành phố, nhưng không phải lúc nào mình cũng cứng nhắc trong việc khai thác thông tin. Nếu cơ quan điều tra - nơi thực thi pháp luật một cách nghiêm minh nhất còn khéo léo xử lý án hợp lý, đầy tình người, thì những người cầm bút lẽ nào lại không “tâm phục, khẩu phục”, đồng tình.
Bởi suy cho cùng, đăng tải thông tin rốt cuộc cũng hướng đến những điều tốt đẹp, thiện lành, vì vậy người làm báo phải biết cách chọn lọc và đặc biệt cũng cần có một chữ “tâm”. Bởi, cuộc sống đôi khi niềm vui đến từ những điều giản đơn như thế!