Lộ diện đường dây sản xuất giấy tờ giả
Ngày 9/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công đường dây sản xuất giấy tờ giả, bắt giữ 23 đối tượng, thu nhiều tang vật liên quan.
Trước đó, đầu tháng 8/2023, Tổ công tác 238 Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một đối đang thực hiện giao dịch, mua bán một chiếc xe ôtô bán tải nhãn hiệu Chevrolet Colorada màu trắng mang BS: 12C - 080.36. Qua kiểm tra giấy tờ liên quan, Tổ công tác 238 nhận thấy, hồ sơ về chiếc xe ôtô này có nhiều biểu hiện bất minh nên liền lập biên bản để xử lý.
Nguyễn Kim Long
Vào cuộc xác minh, điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định được, người bán chiếc xe ôtô bán tải là Nguyễn Kim Long (SN 1980, trú xã Phú Phong, H.Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Long là đối tượng hình sự, từng có 2 tiền án chưa được xoá án tích. Đây cũng là đối tượng chuyên kinh doanh, mua bán ôtô cũ không rõ nguồn gốc, xe đang thế chấp trong ngân hàng hoặc xe từ các tổ chức tín dụng khác.
Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự còn phát hiện, Long có dấu hiệu sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để thực hiện việc mua bán xe ôtô. Về chiếc xe ôtô bán tải mang BS: 12C-080.36 là xe đang thế chấp ngân hàng. Các đối tượng đã làm giả giấy biên nhận thế chấp ngân hàng rồi mang đi bán.
Thu thập tài liệu, chứng cứ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Kim Long. Từ đây, một đường dây chuyên sản xuất giấy tờ giả hoạt động hết sức tinh vi đã bắt đầu lộ diện. Theo đó, đường dây này được chia ra thành 5 nhóm đối tượng.
Trương Thị Ngọc Thuỷ
Nhóm thứ nhất lập trình ra các website có tên như: dichvuchatluongso1.com, chuyenbangcapnhanh.com, dichvunhanhchong.site, dichvulamnhanh-giare.com, lambangcapuytin.com và banglaiuytin.com. Những trang web này có nhiệm vụ chạy quảng cáo làm giấy tờ giả. Để cho nhiều người dễ dàng tiếp cận dịch vụ làm giấy tờ giả, các đối tượng còn chạy quảng cáo trên các nền tảng của Google.
Nhóm thứ hai là những đối tượng chuyên cung cấp các loại máy móc, phôi bằng, chứng chỉ, phương tiện, dụng cụ. Tất cả đều có nguồn gốc từ nước ngoài và được chúng đặt mua qua mạng.
Các đối tượng trong đường dây sản xuất giấy tờ giả
Nhóm thứ ba chuyên sử dụng máy tính, máy in màu, máy in thẻ nhựa và các loại phôi bằng, chứng chỉ để sản xuất giấy tờ giả. Khi có người đặt mua giấy tờ giả, nhóm đối tượng này sẽ thông qua máy tính nhập các thông tin lên những mẫu có sẵn rồi sử dụng phôi để in ra các loại giấy tờ giả theo yêu cầu.
Họp bàn lên kế hoạch phá án
Nhóm thứ tư là những cộng tác viên, chuyên sử dụng website, Facebook để quảng cáo số điện thoại có đăng ký Zalo để tiếp cận với khách hàng đặt mua. Khi có người hỏi mua giấy tờ giả, nhóm này sẽ liên hệ với nhóm sản xuất hoàn thiện “sản phẩm” gửi bán cho khách.
Nhóm cuối cùng là những đối tượng chuyên mua giấy tờ giả (khách hàng) về để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Bóc gỡ từng “mắt xích”
Để đấu tranh với đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả có quy mô lớn này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo tình hình lên Ban giám đốc Công an tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, phương tiện thu thập tài liệu, chứng cứ.
Sau khi chuyên án được xác lập, nhiều trinh sát dày dạn kinh nghiệm trên không gian mạng được tung vào cuộc. Qua đó từng bước xác định được 2 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất giấy tờ giả gồm: Huỳnh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1991, trú khu phố 3, thị trấn Tân Minh, H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), Lê Công Thêm (SN 1989, trú khối Tân Sơn, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An).
Mở rộng đấu tranh, ngày 22/9, Ban chuyên án đã triển khai lực lượng đồng loạt khám xét 4 cơ sở sản xuất giấy tờ giả, bắt giữ thêm 20 đối tượng khác sinh sống tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Giấy tờ giả được sản xuất hoàn thiện
Ngay sau đó, các đối tượng được di lý về trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh để đấu tranh làm rõ. Tại đây, các đối tượng đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2023, thông qua mạng xã hội, các đối tượng trao đổi, tìm hiểu rồi cấu kết với nhau để hoạt động sản xuất giấy tờ giả.
Bằng thạc sỹ được làm giả
Theo đó, Lê Minh Luân (SN 1985, trú tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM), Đinh Tiến Dũng (SN 1986, trú tại chung cư SaiGonLand, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) và Phạm Nhựt Trường (SN 1999, trú tại chung cư TopazHome 2, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những đối tượng biết cách thức làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên đã mua sắm, trang bị các công cụ, phương tiện như: sim điện thoại không chính chủ, tài khoản ngân hàng không chính chủ, máy tính xách tay, máy in màu máy ép Plastic, máy in thẻ nhựa, dụng cụ cắt thẻ, dụng cụ đóng dấu, con dấu giả, phôi bằng lái xe, giấy đăng ký xe... Sau khi chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, Luân, Dũng và Trường rủ rê, lôi kéo thêm nhiều đối tượng khác tham gia vào đường dây.
Liều lĩnh hơn, để tăng độ tương tác với những người có nhu cầu mua tài liệu giả, Luân, Dũng và Trường đã móc nối với Trương Thị Thuỷ Ngọc (SN 1993, trú chung cư 8X Plus có địa chỉ tại số 162 Trường Chinh, quận 12, TP.HCM) và một số đối tượng khác chạy quảng cáo trên website. Những quảng cáo như: làm các loại giấy tờ giả uy tín, bảo mật, khó phát hiện kèm số điện thoại để liên hệ qua tin nhắn Zalo được đăng dày đặc trên các website của chúng. Những người có nhu cầu làm giấy tờ giả vào tìm kiếm trên Google xuất hiện thông tin dày đặc.
Con dấu dùng để sản xuất giấy tờ giả
Sau khi những người có nhu cầu tiếp cận được thông tin liền nhắn tin qua Zalo, Luân và đồng bọn liền tổ chức, phân công những đối tượng khác sử dụng công cụ, phương tiện sản xuất, làm giả giấy tờ theo yêu cầu của khách hàng. Tiếp đó, sẽ có một bộ phận mang “sản phẩm” đi gửi sau khi khách đã chuyển tiền.
Cũng cố đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 23 đối tượng về tội “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trong số 23 bị can, Cơ quan điều tra phân loại được 1 đối tượng có vai trò chạy quảng cáo, 2 đối tượng cung cấp máy in, phôi giấy tờ giả, 8 đối tượng trực tiếp đứng ra sản xuất, 11 đối tượng có vai trò môi giới sản xuất và 1 đối tượng còn lại sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Quá trình đấu tranh, Ban chuyên án cũng đã tạm giữ 23 xe ôtô, 40 điện thoại di động, 10 máy tính, 10 máy in các loại, 3 máy in thẻ nhựa, 3 máy ép plastic, 3 máy dập dấu, 1 máy photocoppy, 239 triệu đồng, hàng trăm con dấu giả, phôi bằng lái xe, căn cước công dân, giấy đăng ký xe và nhiều nguyên vật liệu để phục vụ làm giấy tờ giả.
Tang vật vụ án
Đánh giá về chuyên án trên, Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để triệt phá thành công đường dây sản xuất giấy tờ giả, các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã rất mưu trí, dũng cảm, vượt qua nhiều khó khăn để bám trụ, bóc gỡ từng mắt xích. Theo Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, đây là một đường dây tội phạm rất tinh vi, ma mãnh, hoạt động trên phạm vi cả nước. Mặc dù lực lượng tham gia đánh án mỏng, phương tiện tác nghiệp còn khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sỹ vẫn cố gắng vượt hàng ngàn cây số để phá án. Chuyên án này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh trong đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
“Hành vi sản xuất, làm giả văn bằng, tài liệu cũng khiến dư luận rất bức xúc trong thời gian qua. Bởi việc sử dụng tài liệu, con dấu giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, công bằng xã hội, để lại nhiều hệ lụy, nhất là đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Thời gian tới, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh mạnh với tội phạm này. Phát huy hiệu quả Đề án 06 và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngăn chặn triệt để vấn nạn sử dụng bằng giả, giấy tờ giả trên địa bàn” – Đại tá Nguyễn Hồng Phong chia sẽ.