Trộm thoát án nhờ… vướng luật

Thứ Tư, 11/05/2016 11:58  | Nguyễn Tuấn

|

(CAO) Cách vận dụng luật một cách máy móc, cứng nhắc khiến tội phạm trộm cắp lọt lưới pháp luật.

Trộm giữa ban ngày

Thời gian gần đây, tội phạm trộm cắp ngày càng diễn biến phức tạp, hoạt động mang tính chất xuyên quốc gia. Phương thức, thủ đọan của bọn trộm không còn đơn giản như trước. Chúng hình thành các đường dây liên kết với nhau, từ khâu trộm cắp đến tiêu thụ và phân phối hàng qua biên giới.

Trong khi đó, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án trộm cắp thành công với tỷ lệ thấp, khoảng 40%. Đồng thời, tài sản thu hồi được cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo cơ quan chức năng, ngoài các nguyên nhân chính như: phòng ngừa tội phạm chưa tốt, điều tra viên muốn sớm khép lại hồ sơ vụ án, không chịu mở rộng điều tra thì còn có một nguyên nhân quan trọng khác. Đó là vướng luật tố tụng hình sự.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: "Tội phạm trộm cắp ngày càng liều lĩnh" 

Mới đây, đội hình sự đặc nhiệm tổ chức tuần tra trên các tuyến phố. Phát hiện một người đàn ông đang manh nha trộm chiếc xe Exciter của người dân. Trinh sát “ém quân” chờ. Khi đối tượng đút chiếc đoản bẻ khóa vào ổ khóa xe thì các trinh sát ập vào bắt. Đối tượng bỏ chạy buộc các trinh sát phải nổ 3 phát súng chỉ thiên giữa đường phố Sài Gòn.

Đưa về đấu tranh khai thác, cơ quan chức năng kiểm tra lai lịch đối tượng N.H (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp). Lúc này, phía Viện kiểm sát cùng cấp không phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt giữ. Lý do đưa ra là, chiếc xe máy, tài sản của bị hại chưa dịch chuyển khỏi vị trí nên hành vi của H. chưa cấu thành tội phạm.

Trong cuộc họp giao ban hồi đầu tháng 3, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45 – Bộ Công an) thốt lên: “Trộm cắp ngày càng manh động và liều lĩnh hơn. Chúng sẵn sàng chuyển từ trộm sang hành vi cướp, giết. Các vụ trộm vướng luật khiến cơ quan điều tra phải đau đầu”.

Trong một vụ án, “đạo chích” táo tợn đưa cả xe ô tô đến đợi trước cửa nhà người dân. Chúng chỉ chờ vào lấy tài sản rồi khuân đi. Khi tên trộm dùng kìm cộng lực phá khóa thì bị chủ nhà bắt được. Tuy nhiên, sau đó tên trộm chỉ bị… xử phạt hành chính. Phía Viện kiểm sát không truy tố, vì cho rằng, tài sản trong nhà chưa bị mất mát gì. Mà chỉ mới hư hỏng ổ khóa trị giá 500.000 đồng.

Một số vụ việc khác khiến cơ quan chức năng phải “dở khóc dở cười”. Khi trinh sát bắt một đối tượng móc túi chuyên nghiệp do người dân bàn giao. Lấy lời khai, bị hại báo trong ví có số tiền dưới 900.000 đồng. Cơ quan chức năng lại phải thả cho đối tượng về. Chiếu theo luật thì trong ví bị hại phải trên 2.000.000 đồng mới xử lý hình sự được.

Cách vận dụng luật máy móc

Theo luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM), từng có nhiều lý lẽ tranh luận của giới luật sư diễn ra tại tòa, làm kiểm sát viên khó có câu đối đáp thuyết phục để buộc tội một cách vững chắc đối với bị cáo. Do có sự cẩn trọng không cần thiết khi “quan điểm” đã lấn át “hành vi của tội phạm”. Từ đó tội phạm được “giải vây” khỏi lưới pháp luật.

Vấn đề bỏ lọt người, lọt tội là điều khó có thể tránh khỏi trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với các vụ án hình sự. “Trong đó, phía Viện kiểm sát đã cẩn trọng, đôi khi máy móc với quá trình kiểm sát án để phê chuẩn các quyết định cần thiết nhằm đưa tội phạm ra trước vành móng ngựa” ông Út nói.

Luật sư Phạm Công Út

Nói về lý do tài sản trộm chưa dịch chuyển, ông Út cho hay, tội trộm cắp không đặt ra yếu tố là tội phạm đã hoàn thành hay chưa. Bởi có tình huống trộm bị phát hiện, ngăn chặn từ lực lượng chuyên trách trấn áp tội phạm. Theo ông Út: “Việc xe máy chưa dịch chuyển là do người có hành vi trộm đã bị phát hiện. Tội phạm đã hoàn thành nhưng mục đích trộm thì chưa đạt được”.

Điều luật mang tính quy định chung là trộm cắp, chứ không đưa ra các trường hợp giả định nhằm quy định thế nào là trộm. Vì vậy, đã có nhiều cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau. Yêu cầu tạo ra các bản án lệ mang tính chuẩn mực là cần thiết. Khi một hành vi trộm cắp nào đó đã được tuyên xử và được xây dựng thành án lệ thì điều đó sẽ có nghĩa là không thể chối cãi.

Cũng may là TAND tối cao đang thực hiện công trình án lệ hóa một số vụ án điển hình. Hy vọng sẽ chấm dứt những sự tùy tiện trong cách hiểu và cách áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng sau này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang