Thêm một trí thức bị bắt
Sáng 8-11, giới chức y tế TPHCM và người dân TP.Thủ Đức bất ngờ khi nghe tin ông Nguyễn Minh Quân (48 tuổi, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức) bị bắt giam do thông đồng với doanh nghiệp để mua thiết bị vật tư y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Quân được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức (nay là Bệnh viện TP.Thủ Đức) từ năm 2007. Ông Quân là tiến sĩ ngành y tế cộng đồng (2019), được đánh giá là người có đóng góp lớn trong việc nâng tầm bệnh viện này, đưa Bệnh viện TP.Thủ Đức trở thành một "hiện tượng của ngành y tế". Chỉ sau 2 năm làm giám đốc, bệnh viện được nâng cấp từ hạng 3 lên hạng 2. Năm 2015, Bệnh viện Thủ Đức trở thành đơn vị tuyến quận/huyện duy nhất cả nước được xếp hạng 1, được xếp vào nhóm 10 bệnh viện hàng đầu của TPHCM về chất lượng điều trị, với 23 chuyên khoa. Đây cũng là bệnh viện tuyến quận mổ tim hở đầu tiên cả nước, với kỹ thuật thông tim và phương pháp nút hóa chất động mạch; điều trị trị ung thư gan hiệu quả.
TS-BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức
PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, lãnh án 10 năm tù vì tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim bị khởi tố
Năm 2019, Bệnh viện TP.Thủ Đức tiếp tục trở thành bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ "chỉ đạo tuyến". Bệnh viện TP.Thủ Đức còn được Bộ Y tế cho phép thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM và các tỉnh/thành phố khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và miền Trung - Tây nguyên.
TS-BS Quân được xem là một trong những người có đóng góp lớn, nâng tầm bệnh viện này. Với lý lịch "khủng" như vậy, TS Quân lại vướng vào vòng lao lý, bị bắt tạm giam về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước", khiến dư luận rất bất ngờ.
Những bài học đạo đức
Như vậy là một trí thức ngành y nữa phải vướng vòng lao lý. Trước đó, vụ án VN Pharma cũng làm nhiều trí thức ngành y vào tù như thứ trưởng Bộ Y tế TS Trương Quốc Cường; người bị kỷ luật, đề nghị kỷ luật có GS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng TS-BS Nguyễn Trường Sơn.
Vụ án VN Pharma để cho ngành y những bài học đạo đức, y đức đau lòng. Tất cả họ phải trả giá vì để đồng tiền che khuất những điều tốt đẹp của y đức, đạo đức nghề nghiệp. Buôn bán thuốc giả đã là tội ác, bán thuốc điều trị ung thư giả cho người bệnh nan y, tội lỗi ấy gấp trăm, ngàn lần. Cái hậu của vụ án vẫn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, là y đức. Y đức không chỉ là thái độ hay trách nhiệm. Nó còn là bản lĩnh trước cám dỗ, trước những thách thức của nghề nghiệp.
Con số 7,5 tỷ đồng mà VN Pharma khai là để chi hoa hồng cho các bệnh viện hay bác sĩ vẫn chưa rõ ràng nhưng nó cho thấy một góc rất tối của ngành dược lẫn y đức. Nhiều lần dư luận xã hội lên tiếng về sự xuống cấp của y đức nhưng y đức vẫn là vấn đề nóng bỏng làm xói mòn lòng tin của người dân, làm người bệnh càng đớn đau trong bệnh tật.
Sinh viên ngành y nào cũng thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates, trong đó có nội dung: "Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công". "Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết"... Vậy đó, nhưng đồng tiền lăn tròn trên y đức. Và dường như y đức ngày càng bị xem nhẹ.
Mới đây thôi, vụ án nâng giá thiết bị y tế "xã hội hóa" để ăn trên đầu bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai là một dẫn chứng. Vị giám đốc liên quan ấy chính là Nguyễn Quốc Anh - là một bác sĩ có học hàm học vị PGS-TS, từng được phong Anh hùng Lao động, là Thầy thuốc nhân dân, từng được vinh danh là một trong những "Nhà lãnh đạo giỏi" của cả nước và danh hiệu, phần thưởng cao quí khác, vậy mà phải vào tù chỉ vì y đức xói mòn.
Hay GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng vừa bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về "thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn làm giám đốc. Ông Tuấn cũng là GS-TS, từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV, cũng bị đồng tiền đè đến tiêu tan sự nghiệp.
Trước đó, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta hồi tháng 4-2020, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cũng vào tù vì nâng giá mua máy xét nghiệm PCR. Vụ án này gây chấn động trong ngành, khiến nhiều địa phương đã mua máy xét nghiệm PCR giá cao tìm cách "chạy tội" cuống cuồng! Đồng tiền đã từng "đè chết" nhiều quan chức cấp cao; đồng tiền "đè chết" nhiều vị trí thức ngành y có học hàm học vị cao chót vót.
Khi pháp luật "ra tay"
Phát biểu tại kỳ họp tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chỉ ra thực tế "rất đáng lo ngại" rằng thời gian qua khi nhiều bác sĩ vướng vào vòng lao lý và đặt vấn đề: "Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua?". "Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước" - đại biểu Long nói.
Khẳng định quan điểm mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh, tuy nhiên, ông Long cho rằng, trong xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý như người thầy lại vi phạm pháp luật thì "đó là hiện tượng rất đáng lo ngại về cả góc độ pháp luật, đạo đức xã hội và quản trị đất nước". Ông Long nêu băn khoăn: Vi phạm của các bác sĩ trong quản lý, điều hành bệnh viện công lập có nguyên nhân từ bất cập của hệ thống pháp luật quản lý, điều hành nền kinh tế hay không?".
Bộ Y tế yêu cầu báo cáo việc mua sắm máy xét nghiệm tự động
Ông Long cũng cho rằng bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu về y khoa, ngoài trách nhiệm về chuyên môn, một bác sĩ được cất nhắc làm quản lý bệnh viện còn phải có trách nhiệm quản lý, điều hành một bệnh viện công, cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế... "Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp", ông Long phát biểu.
Theo ông Long, trong các vụ án vừa qua, số cán bộ quản lý bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở tội phạm về chức vụ mà còn là tội phạm về kinh tế, như vi phạm các quy định về đấu thầu, về kế toán. Ông cho rằng, khi thông qua Bộ luật Hình sự 2015, các nhà làm luật cũng không thể hình dung được chủ thể tội phạm về kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà còn là các cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Vấn đề Đại biểu Nguyễn Công Long nêu là thực tế trong hệ thống quản lý các bệnh viện công ở nước ta, đặc biệt trong công tác tổ chức các bệnh viện công, về các quy định việc đấu thầu thuốc, các trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập hiện nay. Nhưng cũng rất thực tế, ngoài sự điều chỉnh của luật pháp, các trí thức ngành y còn có sự điều chỉnh tự giác của vấn đề y đức.
Những vụ án điển hình
- Vụ án PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, lãnh án 10 năm tù vì tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong việc nâng giá đấu thầu hệ thống máy xét nghiệm PCR phòng chống dịch Covid-19.
- Vụ án GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về "thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn cũng làm giám đốc.
- Vụ án PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viên Bạch Mai, bị khởi tố vì liên quan đến vụ nâng giá thiết bị y tế ở BV Bạch Mai, ăn trên lưng bệnh nhân.
- Vụ án Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk BS Doãn Hữu Long, cùng 9 thuộc cấp bị khởi tố, bắt tạm giam vì đã thông đồng, phê duyệt trúng thầu 7 mặt hàng thuốc đấu thầu từ nhóm 3 thành nhóm 2, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng...